Vì sao 'quả bom rác' Cam Ly mãi vẫn treo lơ lửng

Bãi rác Cam Ly gần như lộ thiên, sạt lở kinh hoàng
Bãi rác Cam Ly gần như lộ thiên, sạt lở kinh hoàng
TPO - Mặc dù bãi rác Cam Ly (TP. Đà Lạt) đã quá tải, nguy cơ tiếp tục bị sạt lở, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng mỗi ngày vẫn phải tiếp nhận hàng trăm tấn rác thải.  

Ngày 3/9, UBND TP. Đà lạt cho biết, Nhà máy xử lý chất thải rắn TP. Đà Lạt với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng do Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động từ năm 2015. Dự án được duyệt với mục tiêu xử lý 200 tấn rác/ngày nhưng thực tế chỉ hoạt động với công suất 80 tấn/ngày (xử lý khoảng 1/3 lượng rác sinh hoạt của TP.Đà Lạt); đã thế còn gây ô nhiễm môi trường.

Vì sao 'quả bom rác' Cam Ly mãi vẫn treo lơ lửng ảnh 1 Rác và nước rỉ tràn ngập trong khuôn  viên nhà máy

Trước tình hình đó, bãi rác Cam Ly phải tiếp nhận 2/3 lượng rác còn lại mặc dù trước đó thành phố đã lập thủ tục, hồ sơ trình các ngành để đóng cửa bãi rác này vì không khắc phục được tình trạng ô nhiễm “vượt ngưỡng”.  

Đáng lưu ý, không phải đến bây giờ mà từ năm 2003, bãi rác Cam Ly đã bị liệt vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần cải tạo, xử lý triệt để theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đơn vị quản lý bãi rác cũng từng bị xử phạt. Thế nhưng, sau đó rác vẫn được tập kết về đây.

Lãnh đạo UBND TP.Đà Lạt lý giải xử lý rác ở bãi Cam Ly chỉ là biện pháp tình thế trong khi chờ đợi đầu tư nhà máy xử lý rác bài bản.

Thế nhưng thực tế thì việc xử lý tạm thời ấy đã kéo dài tới mười mấy năm. Hậu quả là những ngày đầu tháng 8 này, bãi rác Cam Ly bị sạt lở kinh hoàng, một lượng lớn chất thải trượt xuống hạ lưu, tràn qua đập chắn rác và san lấp khoảng 1,5 ha đất, trong đó có nhiều vườn rau, hoa, gây thiệt hại đến tài sản, hoa màu… của 7 hộ dân.

Ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt cho biết sau khi xảy ra sự cố, các phòng ban chức năng đã tiến hành kiểm tra tại bãi rác Cam Ly; xây dựng phương án tính toán hỗ trợ thiệt hại cho người dân; thu hồi toàn bộ khu vực đất sản xuất bị rác san lấp để đưa vào diện tích bãi rác vì đã bị vùi sâu.

UBND TP.Đà Lạt cũng nhận định do địa hình chủ yếu là đồi núi với độ dốc lớn hơn 45 độ; phần diện tích đất đang đổ rác cũng đã quá tải, khả năng tiếp nhận rác hạn chế nên cần nhanh chóng thực hiện việc đóng cửa bãi rác Cam Ly.

Vì sao 'quả bom rác' Cam Ly mãi vẫn treo lơ lửng ảnh 2 Núi rác Cam Ly có độ dốc rất cao.

Mặc dù thừa nhận bãi rác Cam Ly gây ô nhiễm nghiêm trọng và có khả năng sạt lở thêm nếu tình hình mưa lớn kéo dài nhưng lãnh đạo UBND thành phố cho biết chỉ có thể chỉ đạo các phòng ban chuyên môn triển khai biện pháp khắc phục, xử lý tạm thời chứ chưa thể chấm dứt hoạt động vì Nhà máy xử lý chất thải rắn hiện tại chỉ xử lý được khoảng 1/3 lượng rác của TP.Đà Lạt, nhiều lần tạm ngưng hoạt động… Nếu không đưa rác vào bãi Cam Ly thì chẳng biết đổ đi đâu.

Vì sao 'quả bom rác' Cam Ly mãi vẫn treo lơ lửng ảnh 3 Nhà máy nhiều lần tạm ngưng hoạt động.

Cũng theo UBND TP. Đà lạt, dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn của Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh không thể đáp ứng yêu cầu và hiệu quả trong xử lý rác của TP.Đà Lạt. Do đó, cần xem xét thu hồi khoảng 20ha đất mà công ty này chưa triển khai xây dựng các hạng mục công trình để kêu gọi nhà đầu tư khác có đầy đủ năng lực xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn mới với công nghệ hiện đại.

Như vậy “quả bom rác” Cam Ly còn lâu mới được “tháo ngòi” !

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.