Vì sao phải tốn hơn 1 tỷ USD nhập sữa?

TP - Lo ngại trước thể trạng thấp bé nhẹ cân của người Việt, một cuộc hội thảo quốc tế về sữa bò áp dụng công nghệ cao vừa được tổ chức ngày 28/11. Tuy nhiên, từ đây mới thấy có nhiều con bò sữa trong nước được chăm tốt hơn cả người. Vậy sao phải tốn ngoại tệ nhập khẩu sữa?

> Bà chủ TH True Milk kể tiếp chuyện 'không có đối thủ'
> TH True Milk bán sữa trong trường: Hiệu trưởng phân trần

Nhập sữa nhiều do tư duy lãnh đạo

Ông Vinod, chuyên gia từ Tổ chức Nông lương (Liên Hiệp Quốc) cho rằng, tiêu dùng sữa tại Đông Nam Á và Việt Nam tăng trưởng nóng nhất thế giới trong 2 thập kỷ tới. Nguyên nhân là nhằm phục vụ nhu cầu tăng trưởng chiều cao, cải thiện thể trạng của người Việt.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia dẫn nghiên cứu về trẻ em có bố mẹ là người Việt (nhưng sinh ra và lớn lên tại Pháp) có chiều cao, cân nặng tương đương với người Pháp. “Nguyên nhân chính của thể trạng thấp bé của người Việt chủ yếu do chế độ dinh dưỡng chứ không phải di truyền” - bà Lâm nói.

Cũng theo bà Lâm, Việt Nam đang đi ngược xu hướng thế giới: Các nước chủ yếu dùng sữa tươi, trong khi thị trường sữa Việt Nam là sữa bột nhập khẩu rồi pha lại (còn gọi là sữa tiệt trùng hay hoàn nguyên). Hiện hơn 70% sữa nước là sữa tiệt trùng; sữa tươi chỉ chiếm khoảng 30%. Bà Lâm cho rằng, sữa hoàn nguyên đã mất đi nhiều vi lượng khi dùng nhiệt để cô đặc và pha lại.

Thống kê của Tổng cục Hải quan được công bố tại hội thảo cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu sữa hơn 800 triệu USD, tăng 25%. Nếu tiếp tục đà này, 2013 sẽ là năm đầu tiên Việt Nam nhập siêu vượt ngưỡng 1 tỷ USD tiền sữa (năm 2012 nhập 770 triệu USD).

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho biết, nguyên nhân là do nhiều lớp lãnh đạo, chuyên gia trước đây quan niệm Việt Nam nắng nóng, công nghệ không cao, không nuôi được bò sữa. PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi cũng nói: “Trước đây, ngành nông nghiệp tìm cách lai bò sữa với bò trong nước không mấy thành công”.

Bò sữa Việt nhờ công nghệ, sướng hơn người?

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều mô hình chăn nuôi bò đã làm thay đổi quan niệm đó. Tại Nghĩa Đàn (Nghệ An), Tập đoàn TH (thương hiệu sữa TH True MILK) xây trại có mái che cao hơn 10m, phun sương, tạo một vùng “tiểu khí hậu” cho bò. Cỏ, ngô, cao lương làm thức ăn cho bò trồng riêng trên các cách đồng tưới tự động, thu hoạch bằng máy.

Ở mô hình nhập khẩu từ Israel này, bò được ăn cỏ ủ chua (để thêm dinh dưỡng), gắn chíp, nghe nhạc cổ điển để kích thích tiết sữa... Thậm chí, thuê cả chuyên gia ngoại và nông dân Israel sang chăm bò sữa để chuyển giao công nghệ. Những con bò nhẩn nha dạo chơi mỗi ngày ngốn hết 200 nghìn đồng tiền thức ăn.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH cho rằng, với khí hậu Việt Nam, “chìa khoá vàng” cho ngành nuôi bò và sản xuất sữa chính là chuyển giao công nghệ. Ông Yuval, chuyên gia từ Israel cho biết, dù khí hậu khắc nghiệt hơn Việt Nam, nhưng Israel nhờ công nghệ nên năng suất bò sữa đạt 12 tấn/con/năm. Còn tại trang trại TH, lượng sữa đạt 9-10 tấn/con/năm; trung bình mỗi con cho 40 lít sữa/ngày, cá biệt có những con bò cho đến 65 lít/ngày.

Việc nuôi bò thành công bất chấp khí hậu; người tiêu dùng dần nhận ra sữa tươi tốt hơn sữa hoàn nguyên (còn gọi là sữa tiệt trùng), ngành nuôi bò sữa có cơ hội lớn phát triển với nhiều mô hình khác nhau.

Mô hình của Cty Giống bò sữa Mộc Châu (Sơn La) đại diện phương án để nông dân nuôi bò, DN cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, thu mua và chế biến. Ưu điểm mô hình này là nông dân tham gia sản xuất, có lợi nhuận trực tiếp. Mô hình cũng chỉ thích hợp với khu vực có nhiệt độ thấp.

Phương án chăn nuôi tập trung, quy mô lớn như TH đang làm có thể áp dụng tại nhiều vùng khí hậu. DN thực hiện từ khâu trồng cỏ, nuôi bò đến chế biến sữa.

Mô hình khép kín đảm bảo tính đồng nhất về chất lượng, sản lượng sữa, kiểm soát được trong khâu chế biến. Bà Thái Hương cho rằng, hiện nay, còn nhiều nông lâm trường hiệu quả kém, đất bỏ hoang cần chuyển cho DN chăn nuôi bò, không nên lấy đất của nông dân. Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cũng cho rằng: Muốn tạo ra một ngành sữa hiện đại, sản phẩm chất lượng cần để DN quản lý toàn chuỗi, từ khâu trồng cỏ nuôi bò đến chế biến.

Các sự cố lớn về sữa thời gian qua đều chủ yếu liên quan đến sữa nhập khẩu như sữa nhiễm Melamin năm 2008; sữa nhiễm nhôm vào tháng 10/2013... Chưa kể, sữa ngoại luôn khiến các bà mẹ đau đầu vì tình trạng loạn giá.
Theo Báo giấy