Vì sao NSND Thanh Hoa thành 'bà đòi tiền'?

NSND Thanh Hoa tại phòng làm việc trong cương vị mới. Ảnh: N.M.Hà.
NSND Thanh Hoa tại phòng làm việc trong cương vị mới. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Hội Bảo vệ Quyền của Nghệ sĩ Biểu diễn Âm nhạc Việt Nam (APPA) sau gần 20 tháng khởi động vừa ký hợp đồng đại diện thu tác quyền cho nghệ sĩ đầu tiên là Tân Nhàn. Hội cũng vừa kiện toàn Ban chấp hành (BCH) 30 thành viên trên cả nước; đảm bảo quyền lợi không chỉ cho ca sĩ mà cả chỉ huy, nhạc công... APPA thậm chí thu hộ được cho cả thành phần ngoài hội, bao gồm nhạc sĩ - Chủ tịch hội, NSND Thanh Hoa cho hay.

Cả trăm nghệ sĩ vừa nhận thẻ hội viên APPA. Thẻ này có giống thẻ hành nghề không, thưa chị?

Không hẳn, nhưng thẻ của APPA cũng rất quan trọng. Ví dụ công an hay các giới, các ngành khác chưa chắc biết hết mặt nghệ sĩ. Tấm thẻ gần như một sự bảo vệ, khẳng định anh là ai, có hội đại diện, quản lý. Với những hiện tượng mạng, dần dần chắc chắn hội phải lên tiếng nếu họ làm ảnh hưởng đến danh dự nghệ sĩ, làm nhốn nháo xã hội. Hát karaoke cũng làm ca sĩ được thì sinh ra trường nhạc làm gì?!

Nghệ sĩ muốn vào APPA phải làm gì?

Chỉ cần có chứng nhận đã qua trường lớp đào tạo. Hoặc đang công tác ở một đoàn nghệ thuật nào đó. Nếu không học hành gì, nổi tiếng bằng tài năng thì đã đứng trên sân khấu 5 năm (nếu không thực tài không thể nổi quá 1-2 năm đâu) và có sự bảo lãnh của Ban Chấp hành. Ngay Luật Lao động chưa có chữ nào dành cho nghệ sĩ biểu diễn. Chúng mình vẫn ăn theo ngạch của Bộ VHTT&DL, giảng viên thì ăn theo nhà giáo. Sắp tới APPA sẽ thống kê cả nước có bao nhiêu nghệ sĩ, các đoàn báo cáo quân số.

Vậy các nghệ sĩ chèo, tuồng, cải lương… cũng có thể nhập hội?

Nếu các bạn chỉ hát chứ không diễn xuất sân khấu thì vẫn vào APPA được. Ví dụ Vượng Râu là về đây này.

Vậy APPA cũng có thể thu tác quyền từ cả các clip hài của Vượng Râu chẳng hạn?

Đấy là quyền lựa chọn của bạn ấy. Bạn ấy không ủy quyền cho Hội Sân khấu mà lại thích ủy quyền cho APPA thì bên này vẫn thu được. Kể cả nhạc sĩ nếu ủy quyền cho APPA thì APPA cũng vẫn bảo vệ.

APPA sẽ giữ lại bao nhiêu từ số tiền bản quyền thu được?

“Tháng cuối năm 2017, Hương Tràm bị thất thoát từ các kênh tới hơn 290 triệu tiền bản quyền. Rất nhiều người bị thất thoát vì không ủy quyền cho ai thu”.

 NSND Thanh Hoa - Chủ tịch APPA

Với tiền thu được từ các trang mạng, nghệ sĩ có thể ủng hộ lại cho chúng tôi 10-20% tùy tâm. Riêng tiền thu từ truyền hình, bắt buộc để lại 30% trong năm đầu. Càng về sau càng ít đi. Ví dụ đến năm thứ tư chỉ còn 20%. Đến năm thứ mười có khi APPA chỉ được quyền thu 10%. Tổ chức càng lớn càng phải trả cho nghệ sĩ nhiều hơn.

Trên thế giới có đơn vị thời gian đầu trả cho nghệ sĩ 60% vì họ quá tốn kém trong việc đi thu. APPA sẽ rút được kinh nghiệm của các hội đi trước. Đã ra đời một hội để thu, chắc chắn sẽ dẹp dần một số đơn vị tư nhân thu không chính thức. Hiện một số trang nghe nhạc trực tuyến đứng ra thu và quản lý tiền của nghệ sĩ nhiều lắm. Ca sĩ nào biết đến đòi thì họ mới trả. Một trang như thế có thể quản lý tới hơn 40 nghìn bản thu thì cũng rất khó để làm việc kỹ. Với APPA thì mình chắc chắn ai ủy quyền mới thu.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương phải chịu nhiều điều tiếng khi đi đòi tác quyền cho các nhạc sĩ. Chị rút được kinh nghiệm gì từ đó?

Cái chính là mình đã dám làm thì phải làm đến cùng. Khi tâm mình trong sáng,  không vụ lợi để bảo vệ đồng nghiệp. Và ngay từ lúc đầu mình đã tìm ra cách thu tiền cố gắng minh bạch đến mức tận cùng thì không bao giờ sợ mất danh dự. Đầu tiên tôi rất sợ mình tự làm mất đi danh hiệu Thanh Hoa. Cả cuộc đời cống hiến bằng tiếng hát, giờ trở thành bà đòi tiền thì cũng suy nghĩ chứ. Nhưng sau mình hiểu nếu đòi đúng thì đấy là mình giáo dục ý thức nghe và nâng cao giá trị nghệ thuật đích thực. Người ta muốn trưng cây cảnh hay muốn ăn mớ rau cũng phải bỏ tiền ra mua - đấy là sản phẩm của người lao động, thì tại sao sản phẩm của nghệ sĩ lại miễn phí. Nó là trí tuệ. Cả đời có người hát có khi chỉ được một bài. Nếu ta không chăm sóc, trân trọng trí tuệ của nghệ sĩ sẽ làm mất dần giá trị đích thực của sản phẩm âm nhạc.

Khi quyền lợi được đảm bảo, các nghệ sĩ sẽ có trách nhiệm thêm với sản phẩm trí tuệ của mình. Đồng thời người nghe cũng thêm trân trọng tác phẩm, trân trọng tài năng, công sức của nghệ sĩ. Ví dụ để bài Bác Hồ một tình yêu bao la đến với người nghe, không chỉ mình Thanh Hoa hát mà đằng sau phải có cả một dàn nhạc, dàn hợp xướng… tổng cộng gần 70 con người.

MỚI - NÓNG