Vì sao nhiều sinh viên Trung Quốc học giỏi vẫn bị trục xuất khỏi trường Mỹ

Thống kê có 25% sinh viên Trung Quốc bị đuổi khỏi đại học ở Mỹ, do không theo kịp được cách học ở đây, trong đó trở ngại lớn nhất vẫn là ngôn ngữ. Ảnh: Asia.
Thống kê có 25% sinh viên Trung Quốc bị đuổi khỏi đại học ở Mỹ, do không theo kịp được cách học ở đây, trong đó trở ngại lớn nhất vẫn là ngôn ngữ. Ảnh: Asia.
25% sinh viên Trung Quốc bị đuổi khỏi các đại học Mỹ, nét chung của họ là điểm đầu vào cao ngất ngưởng nhưng khi vào không thể theo kịp.

Nói về việc du học sinh bị trục xuất, nhiều phụ huynh trước tiên sẽ nghĩ đó là do gian lận trong thi cử, học tập hoặc không tuân thủ luật pháp nước sở tại. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều "sinh viên xuất sắc" bị trục xuất khỏi trường Mỹ, thậm chí còn có xu hướng tăng trong những năm gần đây, lý do vì không thể theo kịp cách giáo dục của Mỹ.

Hai câu chuyện sau đây không chỉ cho thấy một số thiếu sót của hệ thống giáo dục, mà còn cảnh báo những phụ huynh và du học sinh không thể nghỉ ngơi sau khi được vào trường danh tiếng.

Điểm cao, được nhận vào Đại học California, một năm treo 8 môn

Li Yan, học một trường cấp 3 ở Trùng Khánh, được nhận vào ngành Kinh tế tại Đại học California (Los Angeles) với điểm SAT là 2.230 (SAT là bài kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học tại Mỹ). Tuy nhiên, tháng 5/2017, cậu đã bị trường cho thôi học và chuyển sang một trường địa phương.

Luận văn, bài tập nhóm, bài giảng, bài kiểm tra viết cuối kỳ và các yếu tố quyết định liệu Li Yan có thể tốt nghiệp hay không, đều là những trở ngại của cậu.

Trên Aboluowang, Li cho biết quyết định ra nước ngoài vào năm lớp 11. Vì thời gian chuẩn bị muộn và SAT là ưu tiên hàng đầu ở Mỹ, nên Li đã tham gia một lớp đào tạo cấp tốc tại Trùng Khánh. Mỗi ngày Li dành ít nhất 10 giờ để hoàn thành các câu hỏi mô phỏng SAT khác nhau, cộng với thời gian để ôn tập TOEFL.

Trong hai năm cậu đã làm hơn 200 bài luận mô phỏng câu hỏi SAT. Cuối cùng, trong bài kiểm tra SAT tháng 3/2016, Li được 2.230 điểm, TOEFL 107 điểm, nhận được lời mời tới Đại học California.

Tuy nhiên, sau khi vào đây, Li Yan phát hiện bản thân gặp phải một loạt vấn đề. Đầu tiên cậu không làm nổi bài luận văn.

Tại Mỹ, giáo sư sẽ cho sinh viên biết các yêu cầu của bài luận văn. Kết quả bài luận chiếm 30% kết quả của cả học kỳ. Tuy nhiên, trong ấn tượng của Li Yan, lần đầu tiên lên lớp cậu không hiểu những gì giáo sư giảng, mặc dù những từ này đã được học qua, nhưng không thể nhớ kịp.

Thư viện là nơi để sinh viên truy cập thông tin. Thông thường, việc hoàn thành luận văn phải tham khảo từ hơn 20 đầu tài liệu. Học sinh Mỹ sẽ được tiếp xúc với bài luận từ khi còn học cấp 3. Tuy nhiên, vì Li Yan chưa bao giờ viết luận văn ở trường phổ thông nên không biết hướng bài luận như thế nào.

Li không thể làm việc nhóm. Bài tập nhóm thường bắt đầu sau nửa học kỳ, đó là truyền thống giáo dục phương Tây và chiếm 25% đánh giá chung, đòi hỏi sinh viên phải tự tìm nhóm, thực hiện nghiên cứu và cuối cùng hoàn thành bài phát biểu dài 30 phút.

Li Yan nghĩ rằng nó sẽ giống như học cấp 3, cô giáo sẽ chỉ định ghép nhóm với nhau. Vì vậy cậu cũng không để tâm việc này. Cho đến lúc giáo sư yêu cầu nộp danh sách các thành viên trong nhóm, Li Yan mới nhận ra mình phải tự tìm.

Một tuần sau, vì vẫn không ghép được nhóm, giáo sư chỉ có thể phân công cho Li. Đội của Li Yan gồm hai người Nhật và hai người Trung Đông, nhưng cậu vẫn không biết tên của mấy người kia do tính cách hướng nội của mình. Thông thường khi nhóm có thông tin gì, Li Yan đều là người biết cuối cùng, thậm chí có lúc họ còn không thông báo cho cậu, bởi những thành viên khác đều cho rằng người được giáo sư phân công thường là người kém cỏi.

Li gặp trở ngại môn diễn thuyết: Diễn thuyết dường như đã trở thành cơn ác mộng du học của Li, bởi cậu chưa bao giờ làm một bài phát biểu ở quê nhà, thậm chí còn chưa bao giờ trình bày một báo cáo bằng tiếng Anh.

"Để không làm xấu hình tượng trong mắt mọi người, tôi đã dành ít nhất một tháng chuẩn bị cho mỗi bài phát biểu và ghi nhớ nội dung vô số lần. Bài phát biểu đầu tiên của tôi có chủ đề quản lý. Tuy nhiên, sau phần giới thiệu, tôi đột nhiên quên mất nội dung", Li nói. Sau đó, cậu cũng từ bỏ bài viết cuối kỳ của môn kế toán vì cho rằng số lần treo môn đã vượt quá giới hạn.

Đến lúc này Li cho rằng mình hoàn toàn không phù hợp với việc học độc lập mà không có sự hướng dẫn của giáo sư. Lúc này trong đầu Li nhen nhóm suy nghĩ mô hình học ở đây có lẽ không phù hợp với mình.

Một buổi chiều thứ 2, Li Yan mở hộp thư thì thấy một email từ Trung tâm Sinh viên Đại học California. Sau khi mở nó ra, Li cảm thấy như bị "sét đánh". "Họ nói với tôi rằng tôi đã treo 8 trong số 9 bài kiểm tra của năm học này. Kết quả học tập không phù hợp với kết quả tuyển sinh. Tôi đã bị đình chỉ việc học tại Đại học California. Để tôi có thể đánh giá khả năng học tập của mình, họ đề nghị tôi chuyển sang trường địa phương trong một năm. Sau khóa đào tạo, làm lại bài kiểm tra đầu vào", Li Yan nói.

Thế là Li Yan chấm dứt giấc mơ đại học Mỹ của mình. Tóm tắt kinh nghiệm thất bại, Li cho biết: "Tôi cảm thấy mình không phải thất bại vì ngôn ngữ. Thực tế, nhiều người bạn Nhật Bản và Hàn Quốc chưa bao giờ gặp rào cản ngôn ngữ. Bởi vì họ luôn biết cách vào thư viện, tìm những thông tin họ cần và viết một bài báo mà giáo sư thích".

Wang Ya, Khoa Tài chính của Đại học Tứ Xuyên có điểm TOEFL là 103 và Gmat 720. Năm 2017, cậu nộp đơn nghiên cứu sinh cho 11 trường đại học Mỹ. Vào tháng 3/2018, 7 trường đại học hàng đầu của Mỹ bao gồm Johns Hopkins, Brandeis, Đại học Bách khoa Rensselaer, Đại học Boston và Đại học Tulane đã gửi yêu cầu phỏng vấn cho Wang.

Cuộc phỏng vấn qua điện thoại và video trực tuyến Skype. Nhưng cho đến nay, Wang Ya, vốn rất có niềm tin vào điểm thi của mình, đã không nhận được bất kỳ lời mời nhập học nào.

"Tôi cứ tự hỏi tại sao, nhưng không được giải thích lý do", Wang Ya nói. Tiếng Anh của cậu rất tốt, nhưng khi gặp một số vấn đề học thuật và từ vựng chuyên ngành của các giáo sư, cậu trở nên lúng túng. Khi được hỏi về khả năng giao tiếp thông thường của mình với người lạ, Wang Ya thẳng thắn nói rằng cha mẹ đều kỳ vọng vào kết quả học tập, nên chưa bao giờ cho cậu đến một nơi nào từ khi còn nhỏ và cậu không có nhiều kinh nghiệm giao tiếp với người lạ. "Đây cũng có thể là lý do khiến tôi bị từ chối." Wang nói.

Theo dữ liệu do Trường Ivy League công bố, tỷ lệ học sinh Trung Quốc bỏ học ở 14 trường đại học danh tiếng bao gồm Đại học Harvard, Đại học Yale, Đại học Cornell và Đại học Columbia là 25%. Đặc điểm chung của họ là tất cả đều là những thí sinh đạt điểm cao.

"Trường hợp của Li Yan là một minh chứng cho phương pháp giáo dục đề cao điểm thi không phải là tốt", nghiên cứu viết.

Lời khuyên của nghiên cứu này đối với các bạn trẻ là phải trau dồi và cải thiện khả năng tự học. Đối với cha mẹ, cần cố gắng hết sức để tạo điều kiện để trẻ trải nghiệm cuộc sống, tiếp xúc nhiều người.

Để tránh những vấn đề tương tự, từ góc độ của cha mẹ cần làm 3 điều:

- Điều chỉnh tâm lý, không chỉ xem kết quả điểm thi, mà còn xem xét liệu con mình có thể thích nghi với việc đi du học hay không.

- Chọn trường học dựa trên tính cách và sở thích của con.

- Ba tháng đầu sau khi ra nước ngoài đối với du học sinh rất quan trọng. Họ cần phải giao tiếp với người dân địa phương. Nếu con bạn có thể hòa nhập với môi trường ngôn ngữ địa phương trong ba tháng đó, thì không còn gặp phải nhiều trở ngại.

Thời điểm con bạn nhận được thông báo nhập học từ một trường danh tiếng mới chỉ là khởi đầu của con đường. Điều họ cần làm không phải ăn mừng, mà ngay lập tức lao vào học tiếng Anh. Điểm số có cao bao nhiêu, nhưng thực tế thì đòi hỏi cao hơn nhiều.

Theo Theo Giadinh.net
MỚI - NÓNG