Vì sao Nhật chọn hãng Mitsubishi nghiên cứu chế tạo chiến đấu cơ thế hệ 6?

Tiêm kích F-15J- và F-2 trong không quân Nhật bản
Tiêm kích F-15J- và F-2 trong không quân Nhật bản
TPO - Nhật Bản đã chọn Mitsubishi Heavy Industries (MHI) là nhà thầu chính cho dự án chế tạo máy bay chiến đấu mới của nước này. Chiếc tiêm kích có tên dự kiến là F-X, sẽ bay vào năm 2028, sản xuất loạt vào những năm 2030.

Máy bay chiến đấu mới sẽ thay thế tiêm kích F-2, cũng do Mitsubishi chế tạo, và sẽ tích hợp công nghệ hàng không và bí quyết của Mỹ, theo Popular Mechanics.

Tập đoàn Mitsubishi đã chế tạo một số máy bay nổi tiếng trong Thế chiến II, bao gồm cả tiêm kích hải quân A6M “Zero” lừng danh, nhưng Nhật Bản đã ngừng phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu sau chiến tranh. Đất nước này, trong nhiều thập kỷ đã sản xuất máy bay chiến đấu của Mỹ theo giấy phép, không giấu giếm mong muốn tái tục việc phát triển máy bay chiến đấu của riêng mình.

 Máy bay chiến đấu gần đây nhất của Nhật Bản, tiêm kích F-2, là một phiên bản của dòng tiêm kích F-16 Fighting Falcon mà hãng Lockheed Martin đã phát triển vào những năm 1990.

 Tin tức  về việc Mitsubishi đảm nhận chế tạo tiêm kích thế hệ mới được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đối mặt với vấn đề máy bay chiến đấu cũ. Trong nhiều thập kỷ, nước này đã vận hành máy bay chiến đấu F-15J, phiên bản chế tạo trong nước của F-15 Eagle, F-4J Phantom và F-2 đã lỗi thời. Nhật Bản có ý định mua F-22 Raptor của Lockheed, nhưng kế hoạch đó đã bị phá vỡ do lệnh cấm xuất khẩu F-22 của Mỹ.

 Nhật Bản đã cho nghỉ hưu F-4J, đang nâng cấp và tân trang một nửa phi đội 200 chiếc F-15J, đồng thời mua 147 máy bay chiến đấu F-35 phiên bản A và B. Máy bay chiến đấu mới (do Mitshubishi đảm nhiệm) sẽ thay thế 98 chiếc F-2 trong những năm 2030, 5 trong số đó đã bị hư hỏng không thể sửa chữa trong trận động đất và sóng thần năm 2011. F-X cũng có thể sẽ thay thế một phần phi đội F-15J còn lại.

 Nhật Bản đã vận hành thử một chiếc máy bay trình diễn X-2 Shinshin, từ năm 2016 đến 2018 và có thể sẽ sử dụng kiến thức thu được từ những chuyến bay đó để định hình máy bay chiến đấu tương lai của mình. Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ đề nghị các công ty hàng không vũ trụ của Mỹ hỗ trợ chế tạo chiếc máy bay này.

 Đầu năm nay, Nikkei News đưa tin Lockheed, Boeing và Northrop Grumman đều đã trình bày với Tokyo các đề xuất về việc cung cấp công nghệ cho dòng máy bay chiến đấu mới. Nhật Bản cũng sẽ chia sẻ công nghệ máy bay chiến đấu với Anh, quốc gia đang phát triển máy bay chiến đấu Tempest mới.

 Vậy F-X sẽ như thế nào? Máy bay sẽ có thiết kế tàng hình và Nhật Bản đã nhấn mạnh khả năng tương tác với máy bay chiến đấu của Mỹ. Một ưu tiên sẽ là tác chiến không đối không, vì Nhật Bản sẽ vận hành F-35 như một máy bay chiến đấu đa năng không-đối-không và không-đối-đất.

 Nhật Bản cũng sẽ ưu tiên tầm bay xa, điều này sẽ giúp F-X bay từ các căn cứ gần hơn đến miền trung Nhật Bản và vẫn có thể đối đầu với các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đang hoạt động trong và xung quanh Biển Hoa Đông. Máy bay chiến đấu mới sẽ có khả năng chỉ đạo tối đa ba máy bay không người lái.

F-X có thể sẽ được trang bị tên lửa đối không mới (JNAAM), của Nhật Bản hoặc Anh.  F-X có thể không mang theo súng, vì Nhật Bản không sản xuất trong nước một loại súng gắn trên máy bay, mặc dù MHI có thể cấp phép sản xuất loại súng GAU-22 25 mm Gatling lắp trên máy bay chiến đấu F-35. Các vũ khí có thể có khác bao gồm tên lửa chống hạm tầm xa LRASM của Mỹ, tên lửa không đối đất JASSM-ER và vũ khí không đối đất siêu vượt âm.

MHI là nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Nhật Bản, chịu trách nhiệm phát triển và chế tạo xe tăng chiến đấu chủ lực Type 10 và tàu ngầm lớp Soryu. Công ty cũng là đối tác với Lockheed trong việc vận hành cơ sở lắp ráp và kiểm tra lần cuối (FACO) cho các máy bay F-35 do các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương vận hành. Ngoài ra, MHI đã hợp tác thiết kế và chế tạo máy bay chiến đấu F-2 với Lockheed, đồng thời chế tạo máy bay chiến đấu F-15J, F-4EJ và F-104J theo giấy phép.

MỚI - NÓNG