Hai bé gái người Lào trên khán đài New Laos National Stadium. (Ảnh: Getty Images) |
Vào buổi chiều trước ngày diễn ra trận đấu giữa Lào và Việt Nam, rất nhiều người Việt ghé đến New Laos National Stadium chỉ để xem buổi tập của thầy trò HLV Kim Sang-sik. Không chỉ đồng bào Việt đang sinh sống và làm việc tại Lào, có cả những người vừa trải qua hành trình dài từ Việt Nam sang.
Anh Hoan, 52 tuổi, là một trong những người chúng tôi gặp. Để cổ vũ đội tuyển Việt Nam, anh cùng bạn bè chạy xe hơn 600km từ Quảng Bình sang Lào.
Đến nơi khoảng 4h chiều, trong khi một nhóm ở lại trung tâm Viêng Chăn để tìm chỗ nghỉ, với sự háo hức, anh cùng 2 người khác tìm đến sân New Laos National Stadium với hy vọng có thể tận mắt chứng kiến các tuyển thủ Việt Nam tập luyện. Theo anh Vương, bạn anh Hoan chia sẻ, tất cả "rất muốn thấy tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son xem ngoài đời, xem to bé, cao thấp thế nào".
Anh Hoan (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn đồng hành đi xe từ Quảng Bình sang Lào cổ vũ đội tuyển Việt Nam. |
Sự rộn rã của người Việt hoàn toàn trái ngược với các bạn Lào. Các buổi tập của ĐT Lào thường diễn ra trong sự vắng lặng. Hoặc ngay trong buổi họp báo trước trận diễn ra chiều 8/12, lượng phóng viên Việt Nam áp đảo chủ nhà.
Có một thực tế rằng người Lào không quá hào hứng với bóng đá cấp đội tuyển. Bóng đá là môn thể thao được yêu thích ở xứ sở hoa chăm-pa, nhưng xếp sau, đồng thời không nhận được sự quan tâm nhiều như Muay Lào (gần giống Muay Thái), Cầu mây (Kataw) hay Bi sắt (Petanque).
Anh Cẩn, quản lý và điều hành Trung tâm thể thao Champahouk tại Viêng Chăn, cũng là người tổ chức Giải bóng đá Thanh niên Việt Nam tại Lào hơn 10 năm qua, có thể xác nhận điều này. Người Lào chiếm số ít trong những người tới các sân cỏ nhân tạo ở đây đá bóng, và cũng chỉ đá 2 khung giờ, 6 hoặc 8 giờ tối, vào các ngày thứ Hai đến thứ Sáu.
Trẻ em Lào chơi bóng tại Luang Prabang. (Ảnh: Getty Images) |
Tại Champahouk không chỉ có sân cỏ nhân tạo, mà còn bao gồm sân cầu lông và tennis. Nhằm bắt kịp xu thế, anh Cẩn đã chuyển đổi 2 sân tennis thành 4 sân pickleball tiêu chuẩn. Và giống như sân bóng đá, chủ yếu phục vụ người Việt bởi khách Lào rất hiếm.
Theo anh Cẩn, thiếu tinh thần thể thao là một nguyên nhân, thu nhập không cao của người Lào cũng là trở ngại khác. Thế nên bao lâu nay, bất chấp đồng kíp mất giá, anh vẫn giữ mức phí thuê sân chỉ 450.000 kip mỗi giờ (khoảng 560.000 đồng).
Chú Văn, người gốc Huế chạy tuk-tuk ở khu vực "Khải hoàn môn" Patuxay nhấn mạnh vào yếu tố kinh tế. Chú nói rằng phần đa người Lào còn quá nhiều thứ phải lo, và thể thao, hay bóng đá, chưa phải ưu tiên chính. Điều này lý giải cho việc, dù giá vé trận đấu giữa Lào và Việt Nam chỉ 20.000 kíp Lào, tức 23.000 đồng, vẫn không đủ hấp dẫn với người hâm mộ xứ triệu voi.
Chú Văn, người gốc Huế, chạy xe tuk-tuk quanh khu vực "Khải hoàn môn" Patuxay. |
Bên cạnh đó, thành tích của tuyển Lào cũng cần được nói đến. Đội bóng có biệt danh Thimsad (tức Tuyển quốc gia) chưa bao giờ giành một danh hiệu bất kỳ và việc vượt qua vòng bảng AFF Cup (nay là ASEAN Cup) cũng là mục tiêu khó với. Để tìm ra chiến thắng gần nhất của họ ở một trận chính thức, phải ngược 8 năm rưỡi về quá khứ. Tính rộng hơn, trong 12 năm qua ĐT Lào chỉ giành 4 trận thắng, còn thất bại nhiều không đếm xuể.
“Không ai muốn đến sân để chứng kiến đội bóng thua cuộc. Như tất cả những ai hâm mộ bóng đá trên thế giới, chúng tôi cũng thích các chiến thắng”, anh Anoulak, một lái xe đường dài người Lào, người đã chở chúng tôi trong chuyến đi dài 25 tiếng từ Hà Nội đến Viêng Chăn, giải thích về sự thờ ơ của người dân xứ triệu voi với bóng đá.
Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên nếu hôm nay New Laos National Stadium trở thành "sân nhà" của đội tuyển Việt Nam như tuyên bố trước đó của cộng đồng người Việt tại Lào. "Nơi đây sẽ không khác gì chảo lửa Mỹ Đình", anh Nguyễn Văn Hiếu, quê gốc Thái Bình nhưng làm việc tại Lào nhiều năm khẳng định.
ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024 được trình chiếu trực tiếp và trọn vẹn trên FPT Play, tại: http://fptplay.vn