Vì sao Nga-Ukraine căng thẳng?

Ba tàu của Ukraine vẫn bị Nga giữ. Ảnh: Reuters
Ba tàu của Ukraine vẫn bị Nga giữ. Ảnh: Reuters
TP - Hôm qua, Nga từ chối lời kêu gọi từ cộng đồng quốc tế đề nghị thả ba tàu hải quân Ukraine mà lực lượng tuần duyên của họ bắt giữ hôm Chủ nhật, trong khi đại sứ quán Nga tại Kiev bị tấn công. Trong khi đó, Ukraine chuẩn bị áp dụng tình trạng quân sự 60 ngày trên cả nước…  Đó là một loạt diễn biến đầy căng thẳng giữa hai nước từng nằm trong Liên Xô.

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Ukraine cố tình khiêu khích, tạo ra sự cố trên eo biển Kerch gần khu vực Crimea hôm Chủ nhật, dẫn đến việc Nga bắt giữ ba tàu hải quân của Ukraine. Moscow sẽ triệu tập đại diện ngoại giao Ukraine để nêu ý kiến về vụ việc, theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói  trên truyền hình

Hai tàu chiến cỡ nhỏ và một tàu kéo của Ukraine bị nói là đã xâm nhập trái phép vùng biển chủ quyền của Nga, Reuters trích lời đại diện ngoại giao Nga.

Theo RIA Novosti, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cũng xác nhận các lực lượng Nga đã bắn cảnh cáo và bắt giữ 3 tàu chiến Ukraine trên Biển Đen. “Ba tàu chiến của Hải quân Ukraine gồm Berdyansk, Nikopol và Yaniy Kapu đã xâm phạm biên giới Nga lúc 19h ngày 25/11, thực hiện những hành vi bất hợp pháp trong vùng biển của Liên bang Nga”, FSB thông báo.
Phía Nga nói lính hải quân Ukraine đã không tuân thủ khi lực lượng bảo vệ biên giới Nga yêu cầu dừng lại, tiếp tục di chuyển một cách “nguy hiểm”.

Theo truyền hình Ukraine, sau vụ đụng độ trên Biển Đen, trụ sở đại sứ quán Nga ở thủ đô Kiev đã bị những người quá khích tấn công bằng bom khói và pháo sáng. Cảnh sát Ukraine đã rất vất vả mới khống chế được đám đông.  Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi Kiev đảm bảo an ninh cho nhân viên ngoại giao Nga ở Ukraine, tránh “hậu quả nghiêm trọng”.

Trước đó, ngày 25/11, Hội đồng An ninh và quốc phòng Ukraine (SNBO) đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết áp dụng tình trạng quân sự trên cả nước trong 60 ngày. Quyết định này cần được quốc hội Ukraine thông qua trước khi có hiệu lực.

Đại diện thường trực của Nga tại LHQ, Đại sứ Dmitri Polyansky, mô tả tình hình hiện tại là “hết sức nguy hiểm”.

Các nước Đông Âu trong khu vực đã bày tỏ sự lo ngại trước diễn biến này. Bộ Ngoại giao Ba Lan đã kêu gọi Nga và Ukraine kiềm chế. Ngày 26/11, Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Nga và Ukraine bình tĩnh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự do đi lại qua eo biển Kerch vào biển Azov.

Mối quan hệ giữa Nga và Ukraine vẫn căng thẳng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014. Trong khi đó, Ukraine cáo buộc Nga “chống lưng” cho lực lượng chống chính quyền Kiev ở miền đông Ukraine.

Ukraine báo động quân đội 

Theo hãng tin Tass, các lực lượng vũ trang Ukraine đã được đặt vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu sau khi eo biển Kerch có những diễn biến căng thẳng.

Hôm qua, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết: “Theo quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng về việc thiết quân luật, Tổng tham mưu trưởng và Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine ra lệnh báo động các đơn vị vũ trang Ukraine sẵn sàng chiến đấu”.

Bán đảo Crimea và thủ phủ Sevastopol đã trở thành một phần của Nga sau cuộc trưng cầu ý dân tháng 3/2014. Có tới 96,77% người dân Crimea và 95,6% người dân thủ phủ Sevastopol bỏ phiếu thông qua việc tách ra khỏi Ukraine để gia nhập Nga. Ukraine và các chính phủ phương Tây không công nhận cuộc trưng cầu ý dân này và áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt chống lại nước Nga.

Sự kiện tại eo biển Kerch là giọt nước tràn ly sau một loạt căng thẳng giữa Nga và Ukraine xảy ra gần đây. Hôm 22/11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói nước này cần phải gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), để “dứt khoát chia tay Nga”. Trước đó, ông Poroshenko đề nghị quốc hội sửa đổi một số điều trong hiến pháp theo hướng hiến định chính sách gia nhập NATO và EU. 

Tuy nhiên, đối với Nga, việc một nước ngay “sát nách” gia nhập NATO, tổ chức quân sự đối trọng với Liên Xô trước đây và sau này là Nga, luôn là vấn đề hết sức nhạy cảm đối với điện Kremlin.

Nhiều tờ báo Nga đặt vấn đề vì sao Ukraine lại “làm nóng” vấn đề, gây căng thẳng vào thời điểm này và cho rằng Kiev và “một số nhân vật ở Mỹ” đã cố tình dàn dựng vụ việc  nhằm phá hoại cuộc gặp sắp diễn ra giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Argentina cuối tuần này.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).