Vì sao Nga đứng ngồi không yên khi Kazakhstan có chính biến?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chính biến Kazakhstan bùng phát hôm 2/1 sau khi các cuộc biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu leo thang thành bạo loạn. Những người biểu tình quá khích đã đốt xe cảnh sát, xông vào các toà nhà chính phủ và chiếm giữ sân bay quốc tế ở thành phố Almaty.

Ngày 5/1, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev gửi yêu cầu hỗ trợ tới Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO, gồm 5 nước thành viên Liên Xô cũ) do Nga đứng đầu. Ông Tokayev nói rằng “những kẻ khủng bố được huấn luyện ở nước ngoài” đang tấn công các cơ sở chiến lược. Chính phủ Kazakhstan đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.

Lý do dẫn đến tình trạng bất ổn ở Kazakhstan

Kazakhstan vốn được coi là một trong những quốc gia ổn định nhất sau khi Liên Xô tan rã. Quá trình chuyển giao quyền lực từ tổng thống đầu tiên sang người kế nhiệm diễn ra suôn sẻ và hiệu quả. Tuy nhiên, quốc gia Trung Á này hiện đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi giành được độc lập cách đây 30 năm.

Nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình, theo RT, là do mâu thuẫn giữa người dân và chính phủ về vấn đề giá nhiên liệu. Người dân Kazakhstan chủ yếu sử dụng khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) làm nhiên liệu chạy xe hơi thay vì xăng. Tuy nhiên, Chính phủ Kazakhstan tuyên bố sẽ để thị trường tự điều tiết chi phí mua-bán LNG thay vì tiếp tục trợ giá. Ngay sau đó, giá LNG đã tăng gấp đôi từ 0,14 lên 0,28USD/lít.

Các cuộc biểu tình bùng lên ở thị trấn Zhanaozen, sau đó nhanh chóng lan sang phía Tây và phía Bắc. Người biểu tình đã chặn đường ở các khu vực trung tâm của Kazakhstan và yêu cầu giảm giá LNG xuống mức trước đó.

Thời gian đầu, các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, không có đụng độ với cảnh sát. Tuy nhiên, tình hình đã leo thang nhanh chóng và 69 người có hành vi quá khích đã bị cơ quan an ninh bắt giữ vào ngày 2, 3/1.

Vì sao Nga đứng ngồi không yên khi Kazakhstan có chính biến? ảnh 1

Cảnh sát chặn người biểu tình ở Almaty (Kazakhstan). Ảnh: AP

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã yêu cầu chính phủ giải quyết vấn đề giá nhiên liệu tăng vọt, đồng thời cam kết sẽ có biện pháp bình ổn giá. Một số đơn vị cung cấp nhiên liệu sau đó đã quyết định giảm giá LNG xuống còn 0,21USD/lít.

Nhưng điều này không đủ để xoa dịu đám đông. Tối 4/1, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát tiếp tục xảy ra ở nhiều thị trấn của Kazakhstan và kéo dài suốt đêm. Lực lượng an ninh buộc phải sử dụng dùi cui, hơi cay và đạn cao su để trấn áp, nhưng người biểu tình lập tức đáp trả bằng việc phóng hoả xe cảnh sát.

Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu tình hình, Tổng thống Tokayev đã đồng ý đáp ứng một trong những yêu cầu của người biểu tình và giải tán chính phủ. Sau đó, có tin đồn rằng các cuộc bầu cử quốc hội sớm sẽ được tổ chức. Tuy nhiên, lần nhượng bộ thứ hai này vẫn không mang lại kết quả như mong muốn vì chính phủ mới không có sự khác biệt đáng kể so với chính phủ tiền nhiệm. Ông Alihan Smaiylov được bổ nhiệm làm thủ tướng. Trong nội các trước đó, ông giữ chức Phó Thủ tướng thứ nhất.

Vì sao Nga đứng ngồi không yên khi Kazakhstan có chính biến? ảnh 2

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev phát biểu trên truyền hình. Ảnh: AP

Ngày 5/1, người biểu tình tấn công và phóng hỏa các tòa nhà hành chính. Lúc này, hình ảnh về cuộc biểu tình ở Kazakhstan đã lan rộng khắp thế giới. Diễn biến ở quốc gia 19 triệu dân tiếp tục thay đổi từng giờ, dù chủ yếu là các hành động tự phát. Theo RT, không có cá nhân hay tổ chức nào ra mặt điều phối đám đông, cũng không có đảng phái chính trị nào dẫn đầu phong trào biểu tình. Chính phủ Kazakhstan không biết phải thương lượng với ai, trong khi người biểu tình quá khích tiếp tục giành quyền kiểm soát nhiều toà nhà hành chính, tấn công văn phòng của đảng chính trị cầm quyền Nur Otan và của các kênh truyền hình quốc gia.

Vì sao Nga đứng ngồi không yên khi Kazakhstan có chính biến? ảnh 3

Khói bốc lên từ toà nhà hành chính ở Almaty. Ảnh: AP

Cuộc biểu tình lần này khác hẳn với những cuộc biểu tình trước đây mà Kazakhstan từng chứng kiến. Phong trào quần chúng năm 2019, đánh dấu sự chuyển giao quyền lực từ nhà lãnh đạo lâu năm Nursultan Nazarbayev sang ông Tokayev, đã kết thúc rất nhanh chóng.

Nikita Mendkovich - chuyên gia về các vấn đề Á - Âu từ Mátxcơva (Nga) tin rằng lí do dẫn đến các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Kazakhstan không chỉ là mâu thuẫn về vấn đề nhiên liệu, mà còn bắt nguồn từ những người theo chủ nghĩa dân tộc. Nhiều người biểu tình cầm quốc kỳ Kazakhstan và hát vang quốc ca của nước này.

“Trong 1, 2 năm qua, chúng tôi đã thấy chính phủ Kazakhstan nỗ lực lấy lòng những người theo chủ nghĩa dân tộc và các nhóm thân phương Tây bằng cách đưa ra các biện pháp chống lại Nga. Việc này khiến cộng đồng nói tiếng Nga tức giận. Kết quả là đảng cầm quyền đã mất hơn một triệu phiếu bầu tại cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 1/2021. Nhưng phe đối lập theo chủ nghĩa dân tộc lại coi đây là dấu hiệu cho thấy sự yếu kém của chính quyền và tìm cách loại bỏ nó.”

Theo ông Mendkovich, các nhóm đối lập thân phương Tây đang tích cực tận dụng các cuộc biểu tình để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình. Đây là lí do vì sao dù chính phủ đã đáp ứng yêu cầu về giá nhiên liệu của người biểu tình, nhưng tình trạng bất ổn vẫn chưa chấm dứt. Ngược lại, nhóm biểu tình tiếp tục bày tỏ sự tức giận và đưa ra các yêu cầu liên quan đến chính trị.

Vì sao Nga đứng ngồi không yên khi Kazakhstan có chính biến? ảnh 4

Cảnh sát chống bạo loạn ở Kazakhstan. Ảnh: AP

Quan hệ Nga - Kazakhstan

Mátxcơva tuyên bố những gì đang xảy ra ở Kazakhstan là vấn đề nội bộ nước này, do đó các quốc gia khác không nên can thiệp. Điện Kremlin bày tỏ sự tin tưởng mạnh mẽ rằng chính phủ Kazakhstan có khả năng kiểm soát tình hình. Tuy nhiên theo RT, nếu cục diện Kazakhstan tiếp tục xoay chuyển theo chiều hướng xấu, thì chắc chắn Nga sẽ không đứng nhìn.

Vì sao Nga đứng ngồi không yên khi Kazakhstan có chính biến? ảnh 5

Người biểu tình cầm quốc kỳ Kazakhstan. Ảnh: AP

Nga có đường biên giới dài 7.000km với Kazakhstan. Đây là đường biên giới trên bộ liên tục dài nhất thế giới, cho thấy Kazakhstan là yếu tố quan trọng trong chiến lược an ninh của Mátxcơva.

Sự ổn định chính trị ở Kazakhstan có tầm quan trọng hàng đầu đối với Mátxcơva, vì việc quốc gia láng giềng trở nên bất ổn có thể khiến Nga phải đối mặt với nhiều mối đe doạ từ phía Nam. Biên giới Nga - Kazakhstan không chỉ kéo dài, mà còn đi qua nhiều vùng dân cư thưa thớt, do đó rất khó kiểm soát.

Thành phố Baikonur của Kazakhstan là nơi đặt sân bay vũ trụ đầu tiên - lớn nhất thế giới. Sân bay này đóng vai trò trung tâm trong chương trình không gian của Nga, và được Mátxcơva thuê sử dụng tới năm 2050.

Sary Shagan - một bãi thử quan trọng khác đối với chương trình phòng thủ của Nga - cũng nằm ở Kazakhstan. Đây là địa điểm đầu tiên và duy nhất ở Âu-Á thử nghiệm các hệ thống chống tên lửa đạn đạo (ABM).

Hiện, có khoảng 3,5 triệu người gốc Nga sống ở Kazakhstan, chiếm 18.4% dân số. Sự an toàn của cộng đồng người Nga ở Kazakhstan là mối quan tâm lớn của Mátxcơva.

Quan hệ giữa Nga và Kazakhstan bắt đầu xấu đi vào năm 2020 và 2021. Chính phủ Kazakhstan sau đó mất dần sự ủng hộ của những người ủng hộ Nga vì quá khoan dung đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc và thân phương Tây, theo ông Nikita Mendkovich.

Tuy nhiên, Roman Yuneman - một nhà phân tích khác cho biết các cuộc biểu tình hiện tại khó có thể trở thành phong trào chống Nga, vì những người xuống đường đều là người Kazakhstan, “nói tiếng Kazakhstan chứ không phải tiếng Nga”. Yuneman cũng tin rằng Kazakhstan có nhiều xích mích với Trung Quốc hơn là với Mátxcơva.

Theo RT
MỚI - NÓNG