Hôm 2/6, Sergey Chemezov, Chủ tịch tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec của Nga đã thông báo quyết định về việc Nga dỡ bỏ cấm vận cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự đối với Pakistan.
Ông Sergey Chemezov cũng cho biết Moscow đang thương thảo việc chuyển giao một số trực thăng chiến đấu Mi-25 cho Islamabad. Đài tiếng nói nước Nga dẫn lời ông Chemezov cho biết: “Quyết định đã được đưa ra và chúng tôi đang thương lượng việc chuyển giao số trực thăng”.
Động thái trên của Nga cho thấy sự thay đổi trong chính sách đối ngoại chưa từng diễn ra qua nhiều thập kỷ. Lẽ đương nhiên một quốc gia đưa ra quyết định như vậy đã phải cân nhắc kỹ được, mất cũng như lợi ích chiến lược lâu dài.
Nga và Pakistan từng có quan hệ lạnh nhạt dù đã có những nỗ lực hàn gắn trong những năm gần đây. Nguyên do sự lạnh nhạt của Nga đối với Pakistan không khó hiểu chính là nhân tố Ấn Độ.
Ấn Độ rõ ràng không ủng hộ Nga 'gần gũi' với Pakistan và Nga cũng không muốn 'chọc tức' Ấn Độ. Nhưng tại sao giờ đây Nga bước chân vào sân chơi Nam Á trong khi đang có quan hệ hết sức tốt đẹp với Ấn Độ, kẻ thù số 1 của Pakistan?
Hai lí do thuyết phục giải thích động thái của Nga liên quan tới Afghanistan và sự chia rẽ giữa Nga với phương Tây về Ucraina.
Cũng giống như Ấn Độ và Trung Quốc, Nga cũng tâm trạng rất hồi hộp khi mà năm sau, Mỹ và NATO sẽ rút hầu hết quân khỏi Afghanistan trong khi lực lượng Taliban thì đang hồi sinh.
Dưới chế độ Taliban (1996-2001), Afghanistan đã trở thành một nhà máy sản sinh ra phong trào thánh chiến Hồi giáo jihad trên thế giới.
Vì vậy, khi quân lính của Mỹ và NATO rút khỏi Afghanistan vào cuối năm nay, sẽ khiến quốc gia này trở lại thành một “lò lửa”. Nga rõ ràng không thích kịch bản này diễn ra, nhưng họ khó có thể thay đổi tình hình và ngăn chặn diễn biến này.
Việc cải thiện quan hệ với Pakistan sẽ đem lại cho nước Nga một đòn bẩy sức mạnh tại Afghanistan sau năm 2014. Nếu Nga và Trung Quốc không muốn mất đi sự kiểm soát đối với Taliban, quân đội Pakistan có thể giúp họ thực hiện điều này.
Động thái của Nga có thể khôn ngoan hơn người ta nghĩ. Nó cho thấy rõ ràng trục quan hệ Trung Quốc- Nga- Pakistan, một hệ lụy của những sai lầm chính sách từ Chính quyền Obama.
Nhiều người Nga phản đối ý định chọc tức Ấn Độ, nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga. Tuy nhiên, thực tế là trong hai năm qua, Nga đã không giành được nhiều hợp đồng xuất khẩu vũ khí lớn của Ấn Độ, mà là các đối thủ khác của Nga như Israel, Mỹ và châu Âu.
Quyết định dỡ cấm vận vũ khí của Nga cho Pakistan là một điều đáng tiếc đối với Ấn Độ, tuy nhiên, Ấn Độ và Nga sẽ tiếp tục quan hệ với nhau bởi cả hai đang rất cần nhau.
Động thái của Nga không hoàn toàn làm Ấn Độ ngạc nhiên bởi New Delhi đã chứng kiến sự hội đàm chính thức trong khuôn khổ 3 bên giữa Nga, Trung Quốc với Pakistan về Afghanistan.