Vì sao Nga cố gắng bán thêm tiêm kích Su-35, nhưng Trung Quốc từ chối?

Tiêm kích Su-35 Trung Quốc
Tiêm kích Su-35 Trung Quốc
TPO - Sau khi tiêm kích chiến đấu thế hệ 4 ++ Su-35 được đưa vào trang bị trong Không quân Nga vào năm 2014, Trung Quốc đã trở thành khách hàng đầu tiên của loại tiêm kích chiến đấu này vào năm sau đó và vẫn là bên duy nhất được xác nhận đã đặt mua tiêm kích này cho đến khi đơn đặt hàng của Ai Cập được xác nhận vào năm 2019. Su-35 là một tiêm kích chiến đấu hạng nặng bắt đầu được phát triển vào cuối những năm 1980 ở Liên Xô.

Chiếc tiêm kích này là bản cải tiến sâu rộng về thiết kế của Su-27 Flanker - loại tiêm kích có khả năng nhất trên thế giới trong không chiến kể từ khi được đưa vào trang bị vào năm 1985 cho đến khi chiếc tiêm kích chiến đấu thế hệ thứ 5 đầu tiên trên thế giới, F-22 Raptor của Mỹ, ra đời vào tháng 12 năm 2005.

Trung Quốc là khách hàng nước ngoài đầu tiên của dòng Su-27. Đây là loại máy bay đối thủ của F-15 Eagle thế hệ thứ tư do Mỹ và Nhật Bản khai thác. Sau đó, Trung Quốc tiếp tục mua phiên bản Su-30 hai chỗ ngồi, loại tiêm kích ít chuyên dụng hơn trong không chiến và được mua chủ yếu cho các nhiệm vụ tấn công trên biển. Đối với Su-30 cũng vậy, Trung Quốc là khách hàng xuất khẩu đầu tiên, và sau đó họ đã cải tiến mạnh mẽ thiết kế Su-27 và sản xuất một loại tiêm kích phái sinh theo giấy phép với tên gọi tiêm kích hạng nặng J-11B.

Mặc dù Trung Quốc đã đặt hàng Su-27 và Su-30 số lượng lớn, nhưng họ đã giới hạn số lượng mua Su-35 ở con số 20 chiếc và tỏ ra không quan tâm đến việc mua thêm. Nhưng các quan chức Nga trước đây đã chỉ ra rằng tiêm kích này vẫn có thể tiếp tục được bán cho Bắc Kinh. Họ nói về khả năng đạt được thỏa thuận sản xuất Su-35 theo giấy phép tại Trung Quốc  và phiên bản nội địa hóa này có khả năng tích hợp nhiều công nghệ bản địa. Tuy nhiên, triển vọng của việc này vẫn rất mỏng manh, trong khi Ấn Độ có khả năng trở thành ứng cử viên khả dĩ hơn cho thỏa thuận sản xuất giấy phép.

 Lý do khiến Trung Quốc không quan tâm đến Su-35 được một số người cho là vì công nghiệp quốc phòng của nước này từ năm 2015 đã sản xuất tiêm kích chiến đấu tiên tiến hơn Su-35, cộng thêm lý do mua 20 chiếc tiêm kích Nga ban đầu. Lĩnh vực hàng không quân sự của Trung Quốc đã vượt qua Nga về số lượng lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng và đáng kể, từ công nghệ máy bay không người lái, công nghệ tàng hình và tên lửa không đối không, đến các liên kết dữ liệu, radar mạng pha quét chủ động (AESA) và thậm chí cả khâu yếu nhất là động cơ cũng bắt đầu thu hẹp khoảng cách với sự ra đời của động cơ WS-10C.

Tuy nhiên, việc mua Su-35 đã mang lại cho Trung Quốc ba lợi ích đáng kể. Đầu tiên là để vun đắp mối quan hệ tốt đẹp hơn với Moscow và thể hiện tình đoàn kết sau vụ Nga sáp nhập Crimea dẫn đến căng thẳng gia tăng giữa nước này và NATO. Thỏa thuận vũ khí trị giá 2 tỷ USD và thỏa thuận thứ hai có giá trị tương tự đối với hệ thống phòng không S-400 năm đó đã thúc đẩy nền kinh tế Nga.

Thứ hai là học được kinh nghiệm vận hành các tiêm kích chiến đấu hiện đại từ nước ngoài với một trong những ngành công nghiệp vũ khí hàng đầu thế giới. Kinh nghiệm vận hành Su-35 mang lại lợi ích cho nỗ lực hiện đại hóa của chính Trung Quốc. Điều thứ ba, và được cho là quan trọng nhất, là việc chuyển giao công nghệ cho động cơ vectơ lực đẩy ba chiều - thứ mà chỉ Nga mới có. Những điều này kể từ đó đã được áp dụng để tăng cường khả năng cơ động của tiêm kích chiến đấu hạng nhẹ J-10C của Trung Quốc và có thể sớm mang lại lợi ích cho các tiêm kích phản lực như tiêm kích chiến đấu trên tàu sân bay J-15B cùng những loại khác.

MỚI - NÓNG