Vì sao Mỹ và đồng minh phản đối Nga bán ‘rồng lửa’ S-300 cho Syria?

Vì sao Mỹ và đồng minh phản đối Nga bán ‘rồng lửa’ S-300 cho Syria?
TPO - Lo ngại Nga chiếm thế “thượng phong” trên bàn cờ Syria và sợ bản thân bị “mất phần” trong tiến trình giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria thời hậu chiến là những động cơ chủ yếu khiến Mỹ và các đồng minh liên tiếp phản đối Nga chuyển giao ‘rồng lửa’ S-300 cho Syria.

Sau khi Bộ Quốc phòng Nga hôm 24/9 chính thức xác nhận việc chuyển giao hệ thống phòng không S-300 cho Syria, Mỹ-Israel-Pháp là những quốc gia phản ứng mạnh mẽ nhất.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, việc Nga bán hệ thống S-300 cho Syria sẽ khiến cho mức độ rủi ro về sự gia tăng căng thẳng tại khu vực này tăng lên.

Phát biểu với phóng viên tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 3/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi việc Nga cung cấp S-300 cho Syria là sự “leo thang nghiêm trọng”.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, việc Nga chuyển giao hệ thống S-300 cho Syria sẽ làm gia tăng các rủi ro về việc Mỹ thực hiện các hành động đối tác với các quốc gia Hồi giáo.

Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban vũ trang Hạ viện về chiến lược của Mỹ tại Syria hôm 26/9, Thiếu tướng Scott Benedict, đại diện Ủy ban Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ về các vấn đề Trung Đông cho rằng, quyết định chuyển giao hệ thống phòng không S-300 của Nga cho Syria là “sai lầm, dẫn đến tình trạng bất ổn”.

Trong khi đó, cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng các kế hoạch của Nga cung cấp hệ thống tên lửa S-300 cho Syria sẽ là một động thái "leo thang đáng kể" của Moscow.

Bên cạnh đó, Israel và Pháp-những đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến Syria cũng lên tiếng phản đối quyết định của Nga.

Thủ tướng Isarel Benjamin Netanyahu hôm 24/9 trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin cho rằng, việc Nga chuẩn bị cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Syria sẽ làm mở rộng “rủi ro trong khu vực”.

Bộ trưởng quốc phòng Israel Avigdor Lieberman tuyên bố nước này sẽ không dừng các chiến dịch ở Syria dù Nga vừa bàn giao S-300 cho Syria.

Trong khi đó, Pháp-đồng minh thân cận của Mỹ, từng tham gia nhiều cuộc tấn công quân sự vào Syria cho rằng, việc Nga triển khai S-300 tới Syria làm gia tăng căng thẳng quân sự và cản trở những triển vọng hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.

Trong một buổi họp báo trực tuyến hôm 5/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Agnes von Der Muhll nêu rõ: “Pháp lo ngại Nga chuyển giao các hệ thống phòng không tiên tiến để phục vụ cho lợi ích của chính quyền Syria. Giữa những căng thẳng trong khu vực, việc Nga chuyển giao những thiết bị như trên sẽ làm kéo dài căng thẳng quân sự, phá bỏ triển vọng hướng tới giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria”.

Ngoài ra, Liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu ở Syria cho rằng, Liên minh này có đủ phương án để đối phó với hệ thống S-300 của Syria.

Phát ngôn viên của Liên minh chống khủng bố, đại đá Sean Ryan cho rằng, "Hệ thống S-300 của Syria không làm thay đổi kế hoạch của liên quân. Chúng tôi có kênh liên lạc để có thể ngăn chặn va chạm với người Nga”.

Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại đã có Mỹ, Israel, Pháp và Liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu là những bên lên tiếng mạnh mẽ nhất phản đối Nga cung cấp hệ thống S-300 cho Syria.

Mỹ, Israel và Pháp là những quốc gia có liên quan lợi ích trực tiếp trong cuộc chiến tại Syria cũng như giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria thời hậu chiến. Từ lâu nay ba quốc gia này do Mỹ đứng đầu đã có quan điểm nhất quán phản đối việc Nga điều S-300 đến Syria.

Các nhà phân tích cho rằng, lo sợ Nga chiếm thế “thượng phong” trên bàn cờ Syria và sợ bản thân bị “mất phần” trong tiến trình giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria thời hậu chiến là những động cơ chủ yếu khiến Mỹ và các đồng minh phương Tây phản đối Nga chuyển giao ‘rồng lửa’ S-300 cho Syria.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.