Vì sao Mỹ chi 4,6 tỷ USD cho NATO

Xe tăng chiến đấu Abrams của Mỹ tại cảng của thủ đô Riga, Latvia vào ngày 9/3/2015. Ảnh: Reuters
Xe tăng chiến đấu Abrams của Mỹ tại cảng của thủ đô Riga, Latvia vào ngày 9/3/2015. Ảnh: Reuters
TPO - Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản ngân sách hàng tỷ USD để tăng cường tài sản quân sự của Mỹ-NATO, và thêm hàng trăm triệu “trợ giúp an ninh” sang Ukraine.

Nằm trong Đạo luật Phê duyệt Quốc phòng năm 2018 (NDAA), 4,6 tỷ USD được dành riêng cho “Sáng kiến củng cố an ninh châu Âu” (EDI), một chiến dịch do Mỹ chính thức phát động vào năm 2014 nhằm trấn an các nước châu Âu là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như đồng minh của họ.

Không dừng lại ở đó, NDAA còn dành ra 350 triệu USD để “cung cấp hỗ trợ an ninh cho Ukraine, bao gồm vũ khí hỗ trợ phòng thủ chết người”.

Giải thích về các khoản ngân sách trên, Washington cho biết, việc tăng cường vũ khí quân sự cho NATO trên biên giới Nga là cần thiết, để đối phó với các “hành động hiếu chiến”, bao gồm cuộc xâm lăng Georgia năm 2008 và Ukraine vào năm 2014; đe dọa các đồng minh NATO; hiện đại hóa quân sự nhanh chóng; tăng cường hoạt động quân sự ở vùng Bắc Cực và Địa Trung Hải; phát triển học thuyết và khả năng hạt nhân…

Dĩ nhiên, động thái và phát ngôn của các nhà lập pháp Mỹ bị chỉ trích dữ dội từ truyền thông Nga. Hãng tin RT cáo buộc, những lời giải thích từ Washington chứa đựng “những lời dối trá trần trụi” hoặc “phóng đại quá mức”.

Theo RT, Mỹ muốn dư luận tin vào những phát ngôn của họ để các nhà lập pháp, cùng với các nhà thầu quốc phòng, có thể theo đuổi những hành động nguy hiểm mà không bị trừng phạt.

Hãng tin này dẫn chứng, cái mà phương Tây gọi là “Nga xâm chiếm Georgia” thực chất là nước này đã phát động cuộc tấn công vào lực lượng giữ gìn hòa bình Nga ở Nam Ossetia vào ngày 7/8/2008.

“Mặc dù có một cuộc điều tra toàn diện của Liên minh châu Âu (EU) kết luận, cựu Tổng thống Georgia Mikhail Saakashvili có lỗi trong việc kích động chiến tranh với Nga, các nhà lãnh đạo EU tiếp tục huyễn hoặc về “sự xâm lăng của Nga” cho cử tri của họ”, RT bình luận.

Tờ báo Nga cũng bác việc Nga xâm chiếm Ukraine, đồng thời cảnh báo, việc Mỹ cung cấp vũ khí chết người cho Ukraine, nơi nội chiến đang bùng lên trên biên giới Nga, có thể khuyến khích Kiev một lần nữa sử dụng bạo lực trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng.

“Ngày nay, quan hệ Mỹ-Nga xấu đi đến mức chưa từng thấy kể từ cuộc Chiến tranh Lạnh. Và phải nói rằng, có rất nhiều sự khác biệt giữa chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama và người kế nhiệm Donald Trump, nhưng cả hai đều có điểm chung là họ sẵn sàng thu thập Khối phía Đông cũ với phần cứng quân sự Mỹ”, RT kết luận.

Thông tin trên đến ngay trước cuộc hội đàm song phương giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 ở Đà Nẵng, Việt Nam.

Cuộc gặp gỡ này đều được hai nhà lãnh đạo mong đợi từ trước đó. Tuy nhiên, không rõ cuộc khủng hoảng Nga-Mỹ có được đề cập trong cuộc họp hay không.

Theo Theo RT
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.