Vì sao Mộc Châu có tới 18 trận động đất chỉ trong 2 ngày?

Xã Tân Lập, huyện Mộc Châu huy động lực lượng giúp đỡ các hộ gia đình bị thiệt hại do động đất. Ảnh: Báo Sơn La.
Xã Tân Lập, huyện Mộc Châu huy động lực lượng giúp đỡ các hộ gia đình bị thiệt hại do động đất. Ảnh: Báo Sơn La.
TPO - Nằm phía dưới vùng đất Mộc Châu tươi đẹp là nhiều đới đứt gãy đang hoạt động. Những trận động đất liên tiếp trong những ngày qua cho thấy, các đới đứt gãy này đang vào chu kỳ hoạt động mạnh.

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, sau trận động đất chính có độ lớn 5,3 vào 12h15 phút ngày 27/7,  Mộc Châu nhận thêm 17 dư chấn sau đó. Nhiều dư chấn có độ lớn từ 3,6-4 độ. Dự chấn mới nhất vào 23 giờ 46 phút 53 giây (giờ Hà Nội) đêm qua với độ lớn 2,8 ở độ sâu khoảng 8,1 km.

Như vậy, tính từ trưa ngày 27/7 đến đêm qua (28/7), tổng cộng 18 trận động đất đã xảy ra tại Mộc Châu, Sơn La. Trong đó trận động đất chính lúc 12h15 ngày 27/7 làm hàng trăm công trình hư hỏng, gây rung chấn cho nhiều tỉnh phía Bắc. Đây được coi là trận động đất mạnh nhất trong 19 năm qua tại Tây Bắc – nơi có hoạt động động đất mạnh nhất Việt Nam.

PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia về động đất cùng các cộng sự đã thực hiện nghiên cứu “Đặc điểm địa chất kiến tạo khu vực bậc thang thủy điện sông Đà”. Nhóm nghiên cứu cho rằng, Mộc Châu cùng với 4 khu vực khác là Mường Tè, Lai Châu, Tuần Giáo, Yên Châu có nguy cơ phát sinh động đất mạnh trên khu vực bậc thang thủy điện sông Đà.

Dưới lòng Mộc Châu là nơi hoạt động của đới đứt gãy sông Đà. Động đất tự nhiên cao nhất là bao nhiêu vẫn là vẫn đề chưa có sự thống nhất. Có những nghiên cứu chỉ ra động đất cao nhất ở đây là 5,5 độ nhưng cũng có nghiên cứu chỉ ra, động đất mạnh nhất trên đới đứt gãy này có thể tới 6,3-6,5 độ.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đồng nhất rằng, trước đó khu vực này đang trong chu kỳ hoạt động mạnh của động đất. Tại Mường Tè, thời gian qua cũng xảy ra liên tiếp nhiều trận động đất, trong đó trận động đất mạnh 4,9 độ ngày 16/6 cũng gây hư hại một số công trình.

Mộc Châu cũng nằm trong khu vực Tây Bắc, là nơi đang trong chu kỳ hoạt động mạnh của động đất đồng thời là nơi có động đất mạnh nhất Việt Nam từng ghi nhận. Tại đây từng ghi nhận nhiều trận động có cường độ mạnh như  trận động đất năm 1935 có cường độ 6,9 tại lòng chảo Điện Biên. Năm 1983, xảy ra trận động đất 6,7 độ tại thị trấn Tuần Giáo và năm 2001, xảy ra trận động đất 5,3 độ tại thành phố Điện Biên Phủ.

Vì sao xảy ra tới 18 trận động đất chỉ chưa đến hai ngày? PGS Cao Đình Triều cho rằng, các trận động đất sau trận chính mạnh 5,3 độ gọi là dư chấn. Theo phân cấp thang độ của động đất. Động đất có độ lớn 5,3 độ thuộc nhóm động đất trung bình. Với các trận động đất này, sau kích động chính sẽ có thêm hàng chục dư chấn, thậm chí hàng trăm dư chấn khác, xảy ra tập trung vào 2-3 ngày sau khi có kích động chính. Sau đó dư chấn ít dần hoặc rất yếu.

Các chuyên gia khuyến cáo tại những nơi có hoạt động đất mạnh như Tây Bắc, trong quá trình xây dựng, cần quan tâm đến yếu tố kháng chấn để hạn chế thiệt hại khi xảy ra động đất. Hiện nay, điều kiện khoa học kỹ thuật của thế giới cũng như trong nước không thể dự báo chính xác thời điểm xảy ra động đất.

MỚI - NÓNG