Vì sao mít, dứa, xoài, vải bị coi là hoa quả nóng?

Những người thừa cân béo phì hoặc những người có nguy cơ bị thừa cân, người bị đái tháo đường thì không nên ăn nhiều các loại quả này vì hàm lượng đường cao, cung cấp nhiều năng lượng. Nếu ăn nhiều sẽ có nguy cơ bị thừa cân béo phì hoặc làm tăng lượng đường trong máu
Ảnh minh họa: Internet

Ăn hoa quả có béo?

Nguyễn Thu Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) với thân hình vượt chuẩn khi chỉ cao 1,55 nhưng nặng 65kg nên 2 tuần nay cô quyết tâm thực hiện chiến dịch giảm cân. Buổi sáng Hương nhịn ăn, còn 2 bữa trưa và tối Hương thực hiện chế độ Low Carb (không ăn tinh bột, chỉ ăn rau và thức ăn).

Tuy nhiên do cơ thể “quá khổ” của mình cần một lượng dinh dưỡng nhất định nên những ngày đầu Hương không khỏi hoa mắt chóng mặt. Khắc phục tình trạng này, Hương mang rất nhiều hoa quả đến cơ quan để ăn vặt. Hôm thì dưa hấu, lúc thì chuối, khi thì ổi, xoài. Thậm chí đề phòng giảm đường huyết đột ngột, Hương còn mua thêm cả túi nước mía. Kết quả là, sau 2 tuần, số cân nặng của Hương không hề giảm mà còn tăng lên 2 lạng.

Ăn mít nhiều cũng gây béo

Trao đổi về điều này, Ths. Bs Lê Thị Hải – Giám đốc Trung tâm tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, nhiều chị em thực hiện chiến dịch giảm cân bằng việc ăn ít tinh bột, tăng cường đạm, chất xơ và hoa quả. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, ăn nhiều hoa quả sẽ không bị béo phì, tuy nhiên thì đây là cách hiểu hết sức sai lầm.

Lý do mà Bs Hải nêu ra, do trong các loại quả chín nhất là những loại quả có vị ngọt có hàm lượng đường cao, khi ăn nhiều thì các loại quả này cũng cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng khá lớn.

“Nếu bạn ăn hai quả chuối tiêu loại 100g thì năng lượng cũng bằng ăn một bát cơm. Ăn một quả na, một quả xoài loại 200 – 250g; ăn 300g mít, hoặc vải, nhãn, thì cũng tương đương với 1 bát cơm. Cho nên nếu nhịn ăn cơm mà ăn nhiều các lọai quả ngọt này thì vẫn bị tăng cân là chuyện đương nhiên” – Bs Hải nói.

Theo đó để không bị béo hoặc muốn giảm cân mà vẫn ăn hoa quả, Bs Hải khuyên nên ăn các loại quả có hàm lượng đường thấp như: dưa chuột, củ đậu, bưởi, thanh long, táo ta, lê, cam, quýt.

Trong đó dưa chuột và bưởi còn có tác dụng giảm béo, giảm lượng mỡ dư thừa trong máu. Dưa chuột, củ đậu còn có thể dùng làm thức ăn cho những người thừa cân béo phì có thói quen ăn vặt, vì các loại củ, quả này có năng lượng rất thấp, thành phần chủ yếu là nước, cung cấp cho cơ thể nhiều chất xơ, các vitamin và khoáng chất.

Ăn quả chín có nóng?

Trong khi một số người không hề biết ăn hoa quả cũng làm gia tăng cân nặng thì một số chị em lại quá lo sợ việc ăn hoa quả sẽ làm nóng trong, gây nổi mụn. Nhiều bà mẹ không dám cho trẻ ăn những loại quả nhãn, vải, hay mít, dứa sợ … nóng khiến trẻ nổi rôm, sảy thậm chí mọc nhọt.

Ths. Bs Hải cho rằng, quan niệm này không chính xác vì không có loại quả chín nào là nóng cả, ngay cả như mít, dứa, xoài, vải, nhãn thường có vào mùa hè nóng nực nhưng ăn vào cũng không hề bị nóng.

“Chỉ có điều đối với những người thừa cân béo phì hoặc những người có nguy cơ bị thừa cân, người bị đái tháo đường thì không nên ăn nhiều các loại quả này vì hàm lượng đường cao, cung cấp nhiều năng lượng. Nếu ăn nhiều sẽ có nguy cơ bị thừa cân béo phì hoặc làm tăng lượng đường trong máu”- Bs Hải nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Bs Hải thì một số người có cơ địa hay bị mọc mụn nhọt, rôm sảy, hay bị chắp lẹo mắt thì cũng không nên ăn nhiều các loại quả này, vì hàm lượng đường cao trong quả sẽ làm tăng lượng đường trong máu là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, nhất là tụ cầu, nguyên nhân gây nên tình trạng mụn nhọt, chốc lở.

Bs Hải cho biết thêm, quả chín là nguồn cung cấp vitamin và muối khoáng quan trọng trong chế độ ăn của mỗi người, vì ăn trực tiếp không qua nấu nướng nên quả chín giữ nguyên được hàm lượng vitamin và khoáng chất. Các loại quả chín rất đa dạng, nhiều chủng loại và mùi vị khác nhau, thay đổi theo mùa.

“Không có loại quả chín nào là nóng, mà chỉ có các loại quả có hàm lượng đường cao nếu ăn quá nhiều thì cũng không tốt cho sức khỏe, còn những người không thuộc diện phải ăn kiêng thì vẫn ăn bình thường” – Bs Hải cho biết thêm.

Vì thế, theo vị chuyên gia dinh dưỡng này, mỗi ngày chúng ta nên ăn từ 400g - 500g quả chín, ăn đa dạng các loại quả khác nhau thì sẽ cung cấp đủ nhu cầu vitamin và khoáng chất cho cơ thể, cung cấp đủ chất xơ giúp chống táo bón mà không cần phải dùng thuốc uống .

Theo Theo Infonet