Vì sao không cho phép thành lập Hội đồng hương?

Ra mắt Hội Đồng hương Huế ở Tây Ninh. Ảnh: CTV
Ra mắt Hội Đồng hương Huế ở Tây Ninh. Ảnh: CTV
TP - Các Sở nội vụ không còn tiếp nhận hồ sơ, thủ tục thành lập Hội đồng hương như trước đây nữa. Liệu đây có phải là cách hiểu và vận hành hết sức máy móc?

Trên khắp đất nước ta, hầu hết ở các tỉnh, thành đều có các Hội đồng hương. Hội đồng hương tại các tỉnh, thành là một tổ chức xã hội tự nguyện, xuất phát từ tình cảm quê hương, tập hợp những người con đồng hương đang sinh sống và làm việc tại một tỉnh giao lưu, gặp gỡ, thăm hỏi, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và cùng nhau hướng về quê hương cội nguồn. 

Hoạt động của các hội nhằm xây dựng khối đại đoàn kết cộng đồng giúp đỡ nhau ổn định đời sống kinh tế, hợp tác liên kết trong sản xuất kinh doanh và hội nhập, chia sẻ khó khăn trong rủi ro hoạn nạn, phát huy truyền thống cách mạng và văn hóa tốt đẹp của quê hương, đồng thời xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các quy định khác của địa phương nơi mình sinh sống. 

Các Hội đồng hương hoạt động trên tinh thần tuân thủ hiến pháp, luật pháp hiện hành

Trước đây Hội đồng hương ở các tỉnh, thành được thành lập theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Sở nội vụ là nơi trực tiếp hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ trình UBND tỉnh để ra quyết định thành lập, có cả con dấu. Thế nhưng từ khi có Công văn số 243/BNV-TCPCP ngày 25 tháng 1 năm 2011 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội thì các Hội đồng hương mới thành lập không được công nhận.

Hội đồng hương là tổ chức tự nguyện của công dân

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội thì “Hội quy định trong Nghị định này là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới”.

Điều này khiến nhiều người hiểu rằng trong các tổ chức tự nguyện của công dân có Hội đồng hương. 

Thế nhưng theo Công văn số 243/BNV-TCPCP ngày 25/1/2011 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội thì nói rằng “Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội thì Hội quy định trong Nghị định này là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới. Nghị định số 45/2010/NĐ-CP không quy định hội đồng hương, cùng họ tộc, dòng họ. Vì vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP cho phép thành lập Hội đồng hương, Hội tộc họ, dòng họ là không phù hợp quy định pháp luật hiện hành”.

Từ công văn hướng dẫn này, các Sở nội vụ không còn tiếp nhận hồ sơ, thủ tục thành lập Hội đồng hương như trước đây nữa. Liệu đây có phải là cách hiểu hết sức máy móc, vì Nghị định số 45/2010/NĐ-CP không thể liệt kê ra từng loại hội mà nói rõ “Hội quy định trong Nghị định này là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới” là đã đủ.

Thực tế đang xảy ra tình trạng, cùng trong một tỉnh, những Hội đồng hương đề nghị được công nhận trước khi có Công văn 243/BNV-TCPCP ngày 25/1/2011 của Bộ Nội vụ thì có quyết định chấp thuận và công nhận. Những Hội đồng hương đề nghị lập sau Công văn 243/BNV-TCPCP thì không được công nhận.

Vậy hiện nay tổ chức nào công nhận tính pháp lý của Hội đồng hương? Nếu không tổ chức nào công nhận thì họ tự vận động, thành lập hội và đi vào hoạt động có vi phạm pháp luật? 

Thiết nghĩ Bộ Nội vụ cần quan tâm xem lại vấn đề này một cách nghiêm túc và khẩn trương để đáp ứng nguyện vọng chính đáng, phù hợp pháp luật và đạo lý người Việt Nam của hàng vạn người con xa quê đang công tác, sinh sống ở nhiều địa phương khác nhau trên cả nước.

MỚI - NÓNG