Vì sao không bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Mỹ Thanh?

TPO - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lý giải việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội (ĐBQH), thay vì trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà này. 

Sáng 19/5, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi vì sao không áp dụng hình thức bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai vừa bị cách hết các chức vụ trong Đảng?

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội kể từ ngày 14/5.

Vì sao không bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Mỹ Thanh? ảnh 1 Quang cảnh buổi họp báo.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Trong phiên họp ngày 4/5, Ban Bí thư trên cơ sở kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đã quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng, đồng thời đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm ĐBQH đối với bà này theo quy định của pháp luật.

Sau đó, bà Mỹ Thanh có đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH. Thường vụ Quốc hội đã báo cáo Ban Bí thư. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ban Bí thư quyết định đồng ý cho bà Thanh thôi nhiệm vụ ĐBQH.

“Trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền cho đại biểu thôi nhiệm vụ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Vào ngày mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có báo cáo kết quả cho thôi nhiệm vụ với bà Phan Thị Mỹ Thanh. Việc này đúng theo quy định pháp luật”, ông Phúc lý giải.

Tổng Thư ký Quốc hội nói thêm, với trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh, báo cáo của Thường trực Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam, báo cáo đề nghị của MTTQ tỉnh Đồng Nai, của đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, đều đồng thuận cho phép bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi nhiệm vụ ĐBQH.

Cũng tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về trường hợp nghỉ chữa bệnh dài ngày của đại biểu Quốc hội Đinh Thế Huynh.

Trả lời câu hỏi này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trường hợp ông Đinh Thế Huynh thuộc diện Bộ Chính trị quản lý. Đảng đoàn Quốc hội sẽ xem xét khi nào Bộ Chính trị có ý kiến.

Cũng liên quan đến vấn đề nhân sự Quốc hội, phóng viên đặt câu hỏi: Những trường hợp cho thôi làm nhiệm vụ hay bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội, liệu có sự ưu ái người này, nghiêm khắc người kia không?

Trả lời câu hỏi này, ông Phúc khẳng định: Tất cả các trường hợp đều phải làm theo luật, không có ưu ái cũng không có vùng cấm.

“Cho thôi hay bãi nhiệm, hay mất quyền ĐBQH, tất cả các trường hợp đều phải làm đúng theo quy định của pháp luật. Trong phòng chống tham nhũng, kỷ luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay Quốc hội đều làm rất nghiêm túc, không có cách nào khác cả”, ông Phúc khẳng định.

Từ những trường hợp cho thôi, bãi nhiệm tư cách ĐBQH, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói rằng, cần rút kinh nghiệm, trong quá trình tổ chức bầu cử cần thẩm tra, xem xét kỹ lưỡng các ứng viên.

MỚI - NÓNG