Vì sao hàng quán ở TPHCM vẫn 'cửa đóng then cài'?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lý giải về thực trạng các quán ăn vẫn chưa mở cửa trở lại, đại diện Sở Công thương TPHCM cho rằng, nguyên nhân không xuất phát từ việc thiếu nguồn cung ứng thực phẩm. Việc thành phố vẫn đang trong thời gian giãn cách, giao thương khó khăn là nguyên nhân chính khiến nhiều quán ăn chưa mở cửa trở lại.

Theo văn bản mà UBND TPHCM ban hành, sau ngày 7/9, thành phố cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống; cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6 giờ sáng đến 18 giờ hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi.

Vì sao hàng quán ở TPHCM vẫn 'cửa đóng then cài'? ảnh 1

Đại dịch khiến mọi cửa hàng, quán ăn uống đều phải tạm thời ngừng hoạt động

Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Các cơ sở phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện, Thành phố Thủ Đức để được cấp giấy đi đường; phải đảm bảo điều kiện người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin COVID-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính 2 ngày mỗi lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người.

Tuy đã được phép hoạt động nhưng trên thực tế hệ thống các quán ăn trên địa bàn thành phố đến nay hầu hết vẫn đóng cửa. Chiều 10/9, tại buổi họp báo về tình hình dịch COVID-19, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM đã có những phân tích liên quan tới thực trạng “cửa đóng then cài” của các quán ăn trên địa bàn thành phố.

Vì sao hàng quán ở TPHCM vẫn 'cửa đóng then cài'? ảnh 2

3 tại chỗ và những khó khăn trong giai đoạn giãn cách xã hội khiến quán ăn chưa thể mở cửa trở lại

Ông Nguyên Phương cho biết, hiện nay thống kê sơ bộ của các cơ quan quản lý về dịch vụ ăn uống ở các quận huyện thì số lượng kinh doanh trong lĩnh vực này lên tới hơn 7.500 doanh nghiệp, số lượng hộ kinh doanh cá thế lên tới hàng chục nghìn.

Đại diện Sở Công thương cho hay, về nguyên liệu chính chủ yếu là tinh bột, thịt gia súc gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản và rau củ quả… và nguyên liệu phụ như đường, muối, nước mắm, dầu ăn… đều không thiếu.

Thực tế các quán ăn mở lại quá ít so với số lượng, nhưng không phải do thiếu nguyên liệu mà có thể xuất phát từ các nguyên nhân khác nhau. Theo văn bản 2994, việc mở lại các loại hình kinh doanh thực hiện trong điều kiện an toàn, an toàn tới đâu thì mở tới đó. Các loại hình này phải thực hiện 3 tại chỗ, chỉ bán mang về thông qua đội ngũ shipper.

Theo phân tích của ông Phương, người kinh doanh đang phải tính toán những vấn đề liên quan, thứ nhất “3 tại chỗ” có nhiều khó khăn, thứ hai cách thức tiếp cận nguồn nguyên liệu cũng khác. Nếu trước đây họ có các nhà cung cấp thường xuyên thì hiện nay các nhà cung cấp chưa có giấy đi đường nên không thể cung cấp được việc đặt hàng phải thông qua đối tượng khác. Ở góc độ khác, mỗi loại thực phẩm cần phải được tuyển chọn kỹ lưỡng đúng chủng loại, số lượng, chất lượng để đầu bếp chế biến được tốt nhất.

Ngoài ra, người dân hiện nay chưa được ra đường việc mua bán chỉ thông qua shipper nhưng lực lượng giao hàng này mới chỉ được phép hoạt động trong phạm vi một quận huyện nên thực khách các quán ăn chỉ khu trú trong phạm vi nhỏ hẹp. Ông Nguyên Phương nói: “Quán ăn sẽ khó có được lượng khách hàng lớn. Chủ quán buộc phải cân nhắc có nên mở lại vào thời điểm đang giãn cách xã hội hay không. Đây có thể là lý do chính khiến các quán ăn chưa mở cửa trở lại”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.