Vì sao hạn chế Cảnh sát 113 xử phạt vi phạm giao thông?

Cảnh sát trật tự tuần tra bằng xe đạp.
Cảnh sát trật tự tuần tra bằng xe đạp.
Lực lượng Cảnh sát 113 Hà Nội sẽ không tiến hành xử phạt người vi phạm giao thông sau chỉ đạo của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung.

Sau chỉ đạo của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, trong tuần này, Công an TP Hà Nội sẽ tiến hành họp toàn bộ lực lượng cảnh sát trật tự (CS 113) từ cơ sở đến thành phố và sẽ có chỉ đạo cụ thể từng việc được hay không được làm.

Tập trung xử lý tin báo của nhân dân

Tại cuộc họp trực tuyến với công an các quận huyện sáng 7/10, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã đề nghị công an các phường trên địa bàn các quận nội thành từ nay đến 30/11 tạm dừng việc dùng xe bán tải (xe xử lý trật tự đô thị của các phường) để tuần tra kiểm tra về lĩnh vực trật tự đô thị, đồng thời tạm dừng việc thu bàn ghế, hàng hóa của người dân.

Thay vào đó, từ nay đến 20/10, Công an Hà Nội sẽ tiếp tục cấp thêm 600 xe đạp dành cho cán bộ công an các phường tuần tra nhắc nhở các vi phạm. Ngoài ra, từ nay, lực lượng cảnh sát 113 không tiến hành xử phạt hành chính người vi phạm giao thông, thay vào đó cần làm tốt hơn nữa việc tiếp nhận xử lý thông tin của người dân phản ánh.

Trao đổi với PV, Đại tá Nguyễn Xuân Đình, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Công an TP Hà Nội cho biết, ngay sau cuộc họp trực tuyến ngày 7/10, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an TP, lực lượng cảnh sát trật tự Hà Nội đã tăng cường lực lượng, tập trung xử lý thông tin về an ninh trật tự do người dân báo về Trung tâm 113. 

Phòng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm theo tin báo, khi có vụ việc sẽ kịp thời phối hợp lực lượng cảnh sát quận, cảnh sát phường giải quyết.

Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát trật tự Hà Nội tiếp tục tăng cường tuần tra ban đêm để phòng chống trộm cướp, xử lý những hành vi vi phạm an ninh trật tự xảy ra trên địa bàn. 

“Việc này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát trật tự. 

Đối với lực lượng cảnh sát trật tự cấp quận, cấp phường thì không nên chỉ ngồi trên xe bán tải dùng loa nhắc nhở, mà cần phải chuyển đổi hình thức tuần tra kiểm soát bằng xe đạp để gần gũi với người dân, nâng cao hiệu quả tuyên truyền đến nhân dân”, Đại tá Đình nói và cho biết, trong tuần này, Công an thành phố sẽ họp và có chỉ đạo cụ thể những việc gì cảnh sát trật tự được làm, không được làm.

Cần văn bản hướng dẫn cụ thể

Đại tá Vũ Minh Phương, Trưởng Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội thông tin, ngay sau buổi họp trực tuyến ngày 7/10, Công an quận đã quán triệt, chỉ đạo tới từng Đội trưởng, Trưởng công an phường trên địa bàn. 

Theo đó, ngoài việc tập trung xử lý kịp thời tin báo từ nhân dân, lực lượng cảnh sát trật tự của quận sẽ tập tung phối hợp với các đơn vị phân luồng đảm bảo giao thông giờ cao điểm, tập trung tuyên truyền nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của thành phố, quận đảm bảo TTATGT, an ninh trật tự trên địa bàn.

Trong khi đó, thượng tá Nguyễn Hữu Tâm, Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an thành phố, từ nay đến cuối năm, lực lượng cảnh sát trật tự quận sẽ tập trung tiếp nhận thông tin từ nhân dân phản ánh về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn để kịp thời giải quyết.

Tuy nhiên, thượng tá Tâm cho rằng, cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể để lực lượng cảnh sát trật tự biết việc gì được phép làm, việc gì không được phép. 

“Chẳng hạn như khi cảnh sát trật tự tuần tra phát hiện vi phạm xe đi ngược chiều chỉ nhắc nhở mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý thì rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT trên địa bàn. Nếu không có hướng dẫn cụ thể, chắc chắn chúng tôi sẽ lúng túng”, thượng tá Tâm cho biết.

Theo Theo Báo Giao thông
MỚI - NÓNG