Vì sao Đắk Lắk thiếu thuốc chữa bệnh?

TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, bác sĩ Bùi Trường Phong PGĐ Sở Y tế, kiêm GĐ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk thừa nhận dù cố gắng co kéo, dự trù, kêu với Sở Y tế bao nhiêu lần, BV cũng không khắc phục nổi tình trạng thiếu thuốc điều trị, bệnh nhân phải nhiều lần lui tới rất vất vả.

Có những bệnh nhân điều trị tại khoa ung bướu chờ hàng tháng vẫn không có thuốc phải mua ngoài. Cách “giật gấu vá vai” có đâu dùng đó, không đúng phác đồ điều trị, khiến hiệu quả  chữa bệnh kém hẳn đi.

Vì sao Đắk Lắk thiếu thuốc chữa bệnh? ảnh 1

Bà  Đoàn Thị Toàn kể còn 2 tháng nữa nhưng bà phải bỏ sổ vì trạm xá Hòa Thuận (TP Buôn Ma Thuột) không có thuốc.

Thiếu thuốc từ bệnh viện tới trạm xá

Sáng 2/3, các cán bộ được giám đốc BV thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) ủy quyền cung cấp thông tin cho phóng viên đều khẳng định ở BV này không có chuyện thiếu thuốc. Tuy nhiên, sự thật khác hẳn. Không những trạm y tế các xã phường trực thuộc hàng tháng gửi dự trù không được BV cấp đủ lượng thuốc theo danh mục yêu cầu, nhiều bệnh nhân tới BV cũng triền miên nghe điệp khúc “hết thuốc”.

Bà Trần Thiên Trang 50 tuổi, nhà số 16 đường Tô Hiệu kể: Ở gần BV thành phố nên cả gia đình tôi mua BHYT khám chữa tại đây. Tuy nhiên, hai lần tôi đến BV đều nghe khoa này bảo hết thuốc chỉ sang khoa khác, nhiều bệnh nhân chờ cả buổi rồi phải chạy ra phòng khám tư.

Nghe phóng viên hỏi về thực trạng thuốc men, bác sĩ Nguyễn Thị Mật, Trạm trưởng Trạm y tế phường Thành Công nói: "Trạm nào cũng thiếu chứ không riêng chỗ tôi". Thiếu nhiều, loại nào cũng thiếu, từ kháng sinh tới các loại thuốc bổ, thiếu từ năm ngoái tới bây giờ, chỉ đáp ứng được khoảng 60-70 % nhu cầu.

Hòa Thuận là xã ngoại thành, xa các BV trung tâm, cán bộ y tế xã tích cực phục vụ nên Trạm y tế xã này có nhiều bệnh nhân lui tới nhất trong các trạm cùng cấp. Chiều  2/3, phóng viên tới trạm thấy hàng chục bệnh nhân bức xúc vì thuốc gì trạm cũng kêu thiếu. Thiếu cả những loại thuốc thông dụng nhất như viên hạ sốt paracetamol...

Bà Hoàng Thị Hạnh sinh năm 1957 ở thôn 7 bị tê tay đến trạm hai ngày liền vẫn không được cấp thuốc, cán bộ trạm khuyên bà “lên tuyến trên”. Ông bà Nguyễn Thị Tòa - Dương Mưu cùng tuổi 72, ở thôn 3 cho biết, hằng tháng cả hai đến trạm đo huyết áp và nhận thuốc về uống, nhưng nhiều khi đi khám về tay không. Bà Đoàn Thị Toàn 50 tuổi ở thôn 4 bảo y bác sĩ trạm này phục vụ rất chu đáo, nhưng chỉ vì trạm quá thiếu thuốc, gia đình bà 5 người đành phải bỏ thẻ BHYT cũ điều trị tại đây còn 2 tháng nữa mới hết hạn, chi gần 2 triệu đồng nữa mua thẻ khác lên BV Y học cổ truyền, hy vọng bên đó thuốc men đầy đủ hơn.

Bác sĩ Huỳnh Thu Thảo, Trạm trưởng Trạm y tế xã Hòa Thuận cho biết: "Tình trạng thiếu thuốc trầm trọng, kéo dài khiến trạm mất uy tín với người dân. Vì chính chúng tôi đã vận động nhân dân mua BHYT".

Trạm y tế xã Hòa Thuận trước đợt đấu thầu thuốc 2014, mỗi tháng sử dụng 30-40 triệu đồng tiền thuốc, bây giờ chỉ còn 7-8 triệu/tháng. Một số trạm y tế nói khi gửi dự trù lên BV thành phố, dược sĩ Doãn Phương Linh phụ trách khoa Dược BV thành phố thông báo không đủ thuốc đáp ứng. Chủ tịch UBND xã Hòa Thuận Lê Xuân Nam nói: Xã gần 15 nghìn dân, đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới, 76% dân số đã mua BHYT, nhưng Y tế làm ăn kiểu này thiệt thòi cho dân quá.

Vì sao thiếu thuốc?        

Tại Đắk Lắk, đợt đấu thầu thuốc chữa bệnh gần nhất được Sở Y tế (SYT) công bố kết quả đợt 1 vào tháng 11/2014. Chỉ sau đó một tháng, tình trạng thiếu thuốc đã xảy ra ở tất cả các bệnh viện công trong toàn tỉnh, vì sở mời thầu 1.197 mặt hàng, mà chỉ có 666 mặt hàng trúng thầu.

Loạt bài “Tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm - Nhóm lợi ích thao túng” báo Tiền Phong đăng từ tháng 9/2015, đã chưng minh: Đợt thầu thất bại vì giám đốc SYT Đắk Lắk không để Phòng Nghiệp vụ Dược chủ công theo đúng chức năng, mà lại giao cho phòng Kế toán quyết định việc lập danh mục thuốc và thực hiện đấu thầu. Việc cố tình chấm sai nhóm thuốc đã làm thất thoát hàng chục tỷ đồng ngân sách, nhiều doanh nghiệp rớt thầu oan, bệnh nhân toàn tỉnh khốn khổ vì thiếu thuốc chữa bệnh, quyền lợi của hàng vạn người dân đã mua bảo hiểm y tế bị xâm hại nghiêm trọng.

Để đối phó, SYT đã ban hành hơn 50 văn bản về việc mua thuốc cấp bách trong vòng một tháng và chỉ định thầu cung ứng thuốc bổ sung. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng rất thiếu vẫn không được bổ sung, lại bổ sung những loại đang thừa, sai nghiêm trọng với thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế, có dấu hiệu tiếp tục làm lợi cho các “công ty sân sau”.

Là người đứng đầu bệnh viện lớn nhất Đắk Lắk, bác sĩ Bùi Trường Phong nói, bệnh viện tỉnh hiện không đủ nhân lực, thời gian để tự tổ chức đấu thầu thuốc. Trong một cuộc họp, bác sĩ Phong nói, nếu trên vẫn quyết, thì BV phải chấp hành, nhưng đề nghị hoãn tới sang năm. Theo dự kiến khi đó, ông đã nghỉ hưu.

Tối 4/3, trao đổi với Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết tỉnh luôn cấp đủ ngân sách cho hoạt động y tế, từ nguồn lương đến nguồn tiền mua thuốc. Để xảy ra tình trạng thiếu thuốc như thế này là do nội bộ ngành quá lộn xộn, phức tạp, tiêu cực. Tỉnh chỉ đạo nhiều lần rồi lãnh đạo ngành vẫn không chấp hành tới nơi tới chốn, nhất định phải xử lý nghiêm.  

MỚI - NÓNG