Vì sao chưa thể mừng khi âm tính với SARS-CoV-2?

Xét nghiệm COVID-19 (ảnh: HCDC)
Xét nghiệm COVID-19 (ảnh: HCDC)
TPO - Nhiều bệnh nhân có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính nhưng sau đó lại thành dương tính. Vì sao người bệnh không nên chủ quan khi kết quả âm tính với SARS-CoV-2?

Xét nghiệm là hoạt động quan trọng nhằm phát hiện sớm và chính xác tình trạng nhiễm bệnh COVID-19. Theo ThS. BS Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, xét nghiệm COVID-19 có 2 kỹ thuật cơ bản, đó là xét nghiệm tìm kháng nguyên bằng cách lấy dịch từ mũi họng (Realtime PCR) để tìm virus hoặc những chất liệu di truyền từ virus; thứ hai là xét nghiệm tìm kháng thể trong máu bệnh nhân (test nhanh), bệnh phẩm là máu bệnh nhân và mục đích là xem cơ thể có đề kháng với virus hay không.

Vì sao chưa thể mừng khi âm tính với SARS-CoV-2? ảnh 1 ThS. BS Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM

Nếu làm phản ứng PCR, kết quả có khoảng sau 6 tiếng. Tuy nhiên nếu số lượng mẫu xét nghiệm quá lớn thì thời gian trả kết quả có thể lâu hơn. Hiện nay, các cơ sở có thể xét nghiệm được cũng đã tăng cường hết mức để có thể đáp ứng nhu cầu – BS Mẫn nói.

Trong trường hợp xét nghiệm kháng thể dương tính nhưng khi thực hiện kháng nguyên lại có kết quả âm tính, BS Mẫn cho rằng, kháng nguyên dương tính nghĩa là bệnh nhân đã có đề kháng với virus SARS-CoV-2 do vừa trải qua giai đoạn bị nhiễm, bây giờ cơ thể đang trong giai đoạn đã có kháng thể, còn virus đã hết. Trường hợp thứ 2 do xét nghiệm kháng thể không chính xác nên cho kết quả dương tính giả, nhưng tỷ lệ này rất thấp.

Đa phần trường hợp kháng thể dương tính mà kháng nguyên âm tính là bệnh nhân mới vừa qua giai đoạn bị nhiễm, virus đã được đào thải ra hết nhưng cơ thể vẫn còn kháng thể với virus đó, sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa để phòng ngừa bệnh.

Vì sao chưa thể mừng khi âm tính với SARS-CoV-2? ảnh 2 Mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm COVID-19

“Những người có kết quả âm tính không nên chủ quan vì phải xem người đó xét nghiệm ở thời điểm nào, có thể lúc xét nghiệm là chưa qua thời gian ủ bệnh, mới tiếp xúc với nguy cơ trong vòng khoảng 1 tuần, lúc đó vẫn còn trong thời gian ủ bệnh nên các dịch tiết hô hấp khi xét nghiệm sẽ không dương tính, nghĩa là không tìm thấy virus trong cơ thể con người. Nếu đủ thời gian ủ bệnh thì virus mới xuất hiện.

Do đó phải chờ qua hết thời gian ủ bệnh (14 ngày), lúc đó xét nghiệm có kết quả âm tính chúng ta mới có thể yên tâm. Lúc này mới có thể kết thúc cách ly” – BS Mẫn cho biết.

Cũng theo BS Mẫn, hiện tại Việt Nam chủ yếu đang thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp PCR, còn xét nghiệm về huyết thanh (test nhanh) trong giai đoạn này thực sự chưa có ý nghĩa.

Vì sao chưa thể mừng khi âm tính với SARS-CoV-2? ảnh 3 TPHCM chạy đua xét nghiệm COVID-19

Nguyên nhân vì xét nghiệm huyết thanh, xét nghiệm kháng thể hay xét nghiệm máu chủ yếu để tìm kháng thể, nó chỉ có giá trị để điều tra tình hình miễn dịch ngoài cộng đồng như thế nào, chứ không phải dùng xét nghiệm test nhanh, xét nghiệm máu để tìm kháng thể mà có thể kết luận được bệnh nhân có bị bệnh hay không.

Qua thời gian mắc bệnh, tiếp xúc hoặc phơi nhiễm với mầm bệnh, cơ thể người ta có kháng thể, có miễn dịch ngoài cộng đồng. Xét nghiệm này chỉ có giá trị để đánh giá tình trạng miễn dịch ngoài cộng đồng; hoặc sau thời gian có vắc-xin, sau thời gian nghiên cứu vắc-xin thành công, sau khi tiêm ngừa có thể dùng xét nghiệm kháng thể để thử xem có đáp ứng, có thể miễn dịch với vắc-xin hay không - BS Mẫn nói.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, tính đến ngày 7/8, Thành phố đang tồn khoảng 3.000 mẫu xét nghiệm. Với khoảng 13.000 người chưa được lấy mẫu xét nghiệm, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các quận huyện tiếp tục khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu trong các ngày 7,8,9/8 và tổ chức xét nghiệm có kết quả chậm nhất vào ngày 11/8.

MỚI - NÓNG