Vì sao chưa niêm yết chứng khoán ở nước ngoài?

Vì sao chưa niêm yết chứng khoán ở nước ngoài?
TP - Vinamilk, Ngân hàng Á Châu, Tổng Cty Tài chính Dầu khí… và nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác đã bày tỏ ý muốn thông qua kênh niêm yết nước ngoài để quảng bá thương hiệu cũng như tăng thêm cơ hội tìm kiếm vốn.

Tuy nhiên, tại sao cho đến thời điểm này vẫn chưa có doanh nghiệp nào lên sàn ngoại?

Hội thảo vòng 1 về “Niêm yết/chào bán chứng khoán của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nước ngoài” diễn ra hôm qua, tại Hà Nội đã mổ xẻ vấn đề này .

Vì sao chưa niêm yết chứng khoán ở nước ngoài? ảnh 1

PVFC là một trong những doanh nghiệp đang muốn niêm yết trên sàn giao dịch Singapore. Trong ảnh là một phiên đấu giá cổ phiếu PVFC  Ảnh: Hồng Vĩnh

Ủng hộ nhưng chưa có văn bản pháp lý chuẩn

Theo Chủ tịch Ủy ban CKNN Vũ Bằng, sở dĩ, đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên các Sở GDCK nước ngoài là do sự khác nhau về chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực kế toán Việt Nam dù chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) cũng xây dựng trên hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS).

Khác biệt lớn nhất là theo IAS giá trị tài sản được ghi nhận theo giá thị trường, còn theo VAS giá trị tài sản lại được ghi nhận theo nguyên tắc giá gốc. Điều này đã dẫn đến việc các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp quốc doanh thường được định giá thấp hơn giá trị thị trường khi tiến hành cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, ngoài yêu cầu tối thiểu về vốn và lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh (phải có lợi nhuận trước thuế tích lũy 7,5 triệu USD tại TTCK Singapore), doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc đáp ứng các quy định về quản trị Cty, bao gồm cả kiểm soát nội bộ.

“Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa có văn bản pháp lý và tiêu chuẩn niêm yết nước ngoài, quy định về các loại giấy phép, chính sách kiểm soát ngoại hối, chuyển ngoại tệ ra – vào khi phát hành cổ phiếu hoặc chi trả cổ tức, quy định về tỷ lệ nắm giữ của Nhà đầu tư nước ngoài” - Ông Bằng nói.

Tại hội thảo, dù bày tỏ quan điểm ủng hộ nhưng ông Nguyễn Đồng Tiến - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận giai đoạn ban đầu, việc phát hành, niêm yết chứng khoán ở nước ngoài cũng sẽ gặp những khó khăn, rủi ro nhất định về pháp lý, rào cản kỹ thuật…

Ông Tiến ví dụ: “Việc quản lý ngoại hối đã được quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối và quy định cụ thể tại Nghị định 160. Trong đó, một số vấn đề đáng quan tâm như các giao dịch, thanh toán, chuyển tiền liên quan đến giao dịch vãng lai giữa người cư trú và không cư trú thì được tự do thực hiện khi mua chuyển ngoại tệ ra nước ngoài.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc mua ngoại tệ để trả lãi, cổ tức cho Nhà đầu tư nước ngoài khi mua chứng khoán của doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, theo quy định về việc mở tài khoản bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam tại Việt Nam áp dụng cho người không cư trú cũng được tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà đầu tư nước ngoài”.

Doanh nghiệp băn khoăn gì?

Mới đây, trong khi chuẩn bị cho việc niêm yết trên sàn HOSE, Tổng Cty Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) cũng công bố luôn lịch trình chuẩn bị cho việc niêm yết tại sàn Singapore.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo PVFC, doanh nghiệp này sẽ phải mất một thời gian chuẩn bị rất lâu và công phu vì tiêu chuẩn niêm yết ở sàn Singapore rất cao. Ở góc độ doanh nghiệp, bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo băn khoăn, hiện NĐTNN đang nắm giữ 25% cổ phiếu của doanh nghiệp và bị hạn chế giao dịch và trong bối cảnh hiện nay nếu doanh nghiệp phát hành cổ phiếu mới ra TTCK nước ngoài để niêm yết thì sẽ gây thiệt hại cho Cty.

Bên cạnh đó, khi niêm yết ở nước ngoài, thì người Việt Nam ở nước ngoài có được tham gia mua – bán, nhất là trong trường hợp cổ phiếu phát hành ra nước ngoài hoàn toàn tuân theo tỷ lệ sở hữu của Nhà đầu tư nước ngoài?

Đại diện CTCK Sacombank cũng băn khoăn, vừa qua Cty tư vấn cho một số doanh nghiệp niêm yết ở Singapore nhưng gặp một số khó khăn là hạch toán kế toán theo thông lệ của hai nước khác nhau.

Chẳng hạn, vốn điều lệ của doanh nghiệp Việt Nam là 100 tỷ đồng và theo mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu thì số lượng cổ phiếu là 10 triệu cổ phiếu nhưng ở thị trường Singapore họ không có khái niệm mệnh giá mà họ phát hành cổ phiếu tùy theo đối tượng (đối với NĐT nhỏ lẻ, giá trị thấp như 0,2 hay 0,5 USD/cổ phiếu) nên số lượng cổ phiếu sẽ nhiều hơn rất nhiều. Trong khi đó, văn bản hướng dẫn cụ thể đã có?

Với những thắc mắc trên, ông Vũ Bằng cho hay: Về tỷ lệ sở hữu của Nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có thể đồng thời niêm yết ở trong và ngoài nhưng phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu của Nhà đầu tư nước ngoài  trên từng lĩnh vực theo quy định.

Liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, ông Bằng khẳng định trong đầu tư gián tiếp vẫn coi người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài là người nước ngoài nên tỷ lệ sở hữu vẫn phải đảm bảo trên từng lĩnh vực.

Về văn bản hướng dẫn mệnh giá  vị đại diện Ủy ban CKNN cũng thừa nhận đây là điều Ủy ban CKNN sẽ bổ sung trong văn bản hướng dẫn vì ở các nước mệnh giá cổ phiếu không quan trọng, vấn đề chỉ là giao dịch sau này.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.