Cầu Khe Chai được xây dựng qua một dòng sông cạn thuộc xã Đông Sơn, huyện miền núi A Lưới (TT-Huế).
Một phần mố cầu và đường dẫn phía bờ Bắc cây cầu đã "bốc hơi".
Đây là công trình giao thông thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (dự án LRAMP) kết nối 3 xã biên giới A Lưới gồm Hương Phong, Đông Sơn và Lâm Đớt với trung tâm huyện, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế xã hội các địa phương. Công trình do Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng, cầu Khe Chai bị hư hỏng nghiêm trọng nhưng chưa được chủ đầu tư và đơn vị thi công khắc phục, sửa chữa.
Lổ thủng lớn ở một đầu cầu chưa được lấp, vá.
Việc đi lại qua cây cầu “nát” này hiện hết sức nguy hiểm, do công trình chỉ được nối hai đầu mố cầu với thân cầu bê tông bằng những thanh gỗ nhỏ tạm bợ, hai bên không có lan can bảo vệ. Người dân lưu thông qua lại cây cầu hỏng nếu bất cẩn có thể rơi xuống vực sâu bất cứ lúc nào.
Việc lưu thông qua lại cây cầu hỏng hết sức nguy hiểm.
Theo thiết kế, cầu Khe Chai có chiều rộng 3,5 mét, dài hơn 102 mét, kết cấu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực. Tuổi thọ cây cầu theo thiết kế lên đến 50 năm. Được biết, cây cầu có tổng vốn đầu tư 2,3 tỷ đồng này được khởi công từ tháng 6/2018; hoàn thành xây dựng, bàn giao và đưa vào sử dụng tháng 6/2019.
Mặc dù tuổi thọ theo đơn vị chức năng thiết kế tính toán lên đến hàng chục năm, nhưng chỉ qua mùa mưa bão năm 2020, cầu mới Khe Chai đã không trụ vững trước thiên tai từng được dự báo diễn ra thường xuyên trên vùng cao A Lưới.
Cây cầu được thiết kế có tuổi thọ 50 năm.
Cụ thể, sau các trận mưa lũ xảy ra hồi tháng 9 và 10/2020, phần nối hai đầu và đường dẫn cầu Khe Chai đã bị nước lũ cuốn trôi, gây tình trạng chia cắt giao thông hoàn toàn.
Mưa lũ còn phá nát các hạng mục chân khay, gây sạt lở đường dẫn hai đầu cầu gây ảnh hưởng đến khả năng khai thác lâu dài của công trình tiền tỷ này. Phần bê tông gia cố dưới hai mố cầu cũng bị nước xoáy cuốn vỡ từng mảng lớn, tạo khoảng hổng rất lớn và sâu giữa cầu và đường dẫn.
Hai bên cầu tạm không có lan can bảo vệ, rất nguy hiểm cho việc đi lại.
Theo ông Hồ Văn Tôi, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, cầu Khe Chai bị hư hỏng gây trở ngại trong việc đi lại, làm ăn, sinh hoạt, học hành hàng ngày của người dân và con địa phương. Nhiều học sinh cấp 3 xã Đông Sơn phải đi đường vòng xa gấp ba lần tuyến đi qua cầu Khe Chai mới đến được Trường THCS - THPT Hương Lâm (xã Hương Lâm, huyện A Lưới).
Chỉ xe gắn máy, xe đạp và người đi bộ qua được cầu tạm.
Khi cầu Khe Chai xảy ra hư hỏng, chính quyền xã đã báo cáo huyện, cũng như chủ đầu tư, đơn vị thi công. Mặc dù các đơn vị chức năng đã kiểm tra, đánh giá thiệt hại của công trình, tuy nhiên, sau gần nửa năm, hư hỏng tại cầu Khe Chai vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa sửa chữa.
Địa phương phải tự trích kinh phí ngân sách vốn eo hẹp để bắc tạm cây cầu gỗ chông chênh, nguy hiểm qua điểm sạt lở này.
Sốt ruột vì nhu cầu đi lại, làm ăn, sinh kế của bà con trên tuyến đường liên xã qua cầu Khe Chai, mới đây, UBND xã Đông Sơn đành “bấm bụng” trích ngân sách eo hẹp của một xã vùng núi khó khăn trị giá hơn 27 triệu đồng để mua vật liệu, huy động nhân công bắc tạm hai đoạn cầu gỗ đơn sơ để kết nối hai đầu cầu bị hỏng.
Mố cầu bị nước sông xé nát.
Phần cầu tạm này chỉ phục vụ cho người đi bộ và đi xe máy trong điều kiện hết sức nguy hiểm, do hai bên không có lan can, bên dưới là vực sâu.
Các chủ, tài xế xe tải tự mở lối mòn tự phát luồng dưới cầu, băng ngang sông Khe Chai để vận chuyển hàng hóa, cây gỗ rừng trồng đi tiêu thụ.
Riêng hoạt động vận tải hàng hóa, cây gỗ rừng trồng của bà con bằng ô tô tải qua cầu Khe Chai hiện không thể thực hiện. Nhiều chủ phương tiện vận tải đã “đánh liều” mở một tuyến đường tự phát luồng dưới thân cầu Khe Chai để băng qua sông mỗi khi nước rút cạn. Phương án lưu thông này hết sức nguy hiểm, đặc biệt là khi có mưa lũ xảy ra.
Đơn vị thi công cho rằng, cầu hỏng là do mưa lũ.
Lý giải về nguyên nhân công trình hư hỏng, đại diện đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng Giao thông TT-Huế, cho rằng, cầu Khe Chai gặp sự cố sụt lún, vỡ các kết cấu bê tông hai đầu đường dẫn là do thiên tai xảy ra vào cuối năm 2020. Nước lũ làm thay đổi dòng chảy trên sông Khe Chai, xói thẳng vào hai chân cầu, tạo hàm ếch khiến phần bê tông bao quanh chân cầu bị sụt, vỡ…
Là vùng thường xuyên xảy ra mưa lũ, sạt lở như Khe Chai, tuy nhiên, trong thiết kế xây cầu, việc tính toán để phòng chống và giảm nhẹ thiên tai liệu có được đặt ra và xem trọng?
Được biết, cầu Khe Chai có mức bảo hành là hơn 600 triệu đồng. Trong khi, với hiện trạng hư hỏng hiện nay, theo tính toán của các cơ quan chức năng, kinh phí khắc phục cầu lên đến hơn 1 tỷ đồng. “Chủ đầu tư hiện lập hồ sơ thiết kế trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam xin nguồn vốn khắc phục sửa chữa cầu Khe Chai”, đại diện đơn vị thi công cho hay.