Đó là chia sẻ của không chỉ luật sư Hằng Nga (Đoàn luật sư Hà Nội) xung quanh dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi.
Người xét xử có dám “mạnh tay”?
Luật sư Hằng Nga nói: “Với hơn 30 năm làm công tác pháp luật, qua hàng nghìn vụ án hành chính, tôi có thể khẳng định, tuyệt đại đa số các đương sự khi khởi kiện “quan” đều nhận một kết quả giống nhau, đó là thất bại, là thua kiện. Nói rộng ra, pháp luật thể hiện ý chí một giai cấp, mà rõ nét là đội ngũ lãnh đạo. Thẩm phán, ở góc độ pháp lý, chuyên môn nghiệp vụ, họ đúng là phải xét xử độc lập và tuân theo pháp luật. Tuy vậy, ở góc độ khác, họ chính là công dân của địa phương đó. Tất cả các quyền lợi đều gắn bó chặt chẽ với địa phương. Vậy có thể xét xử khách quan được không?”.
Cũng là những phân tích về hiện tượng đan xen quyền lợi, luật sư Nga cho rằng, không chỉ thẩm phán, hội thẩm nhân dân, hay kiểm sát viên, mà xung quanh họ còn có những người thân, bố mẹ, anh chị em, con cháu… cũng đều gắn bó lợi ích chặt chẽ với địa phương. Vậy thử hỏi, người cầm cân nảy mực có dám “mạnh tay” với những người có thể tác động trực tiếp đến lợi ích của mình hay không?
Bổ sung ý kiến trên, luật sư Hà Đăng (Hà Nội) cho hay, thành viên của hội đồng xét xử, hay những người thực thi pháp luật nói chung, còn phải đảm nhiệm một trọng trách, đó là việc phục vụ công tác chính trị của địa phương. “Chính vì thế, để ra một bản án, quyết định khách quan sẽ là một thách thức đối với họ” - ông Đăng nhận định.
Tòa trên xử “quan” dưới sẽ hợp lý hơn
Một thẩm phán TAND TP Hà Nội nhận định, thực tiễn xét xử đúng là ít nhiều có những tác động, ảnh hưởng, hoặc áp lực nhất định nếu người bị kiện chính là những quan chức địa phương - nơi thẩm phán đang là công dân của họ. Theo ông này, để đảm bảo tính thống nhất và khả thi, mọi quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện, cần để tòa án cấp trên mở tòa. Nếu đó là những vụ việc xuất phát từ UBND cấp tỉnh, chủ tịch UBND cấp tỉnh, nên để TAND Tối cao xét xử.
Tuy nhiên, cũng theo thẩm phán trên, nếu áp dụng chế định này, cần xem xét kỹ lưỡng, phân định rõ ràng thẩm quyền, loại vụ việc, có nên là tất cả hay chỉ một số lĩnh vực nhạy cảm, như đất đai là một ví dụ.
Về nội dung này, tháng 1/2015, Chánh án TAND Tối cao - ông Trương Hòa Bình (Trưởng ban soạn thảo dự án Luật Tố tụng hành chính sửa đổi) đã chủ trì cuộc họp quan trọng, liên quan đến hoạt động góp ý, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho đạo luật này.
Đánh giá tầm quan trọng của dự luật, ông Trương Hòa Bình cho rằng, đây là văn bản sẽ góp phần giúp nền tư pháp trong sạch, nghiêm minh, để bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân. Tại cuộc họp, rất nhiều ý kiến đã tập trung vào thẩm quyền giải quyết khiếu kiện của tòa án. Đặc biệt, nội dung giải quyết khiếu kiện liên quan đến chủ tịch UBND cấp huyện được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đó, nhiều ý kiến đồng ý việc để TAND cấp tỉnh giải quyết các khiếu kiện liên quan đến hành vi hành chính, quyết định hành chính của UBND và chủ tịch UBND cấp huyện ở trình tự sơ thẩm.
Định hướng xét xử này còn được nhiều ủng hộ từ lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ cùng một số cơ quan ban ngành trong lần thảo luận do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 12/3 vừa qua.
Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) gồm 20 chương, 305 điều; trong đó giữ nguyên 137 điều, sửa đổi, bổ sung 127 điều, bỏ 1 điều của Luật Tố tụng hành chính hiện hành và bổ sung 41 điều mới. So với Luật tố tụng hành chính hiện hành, dự thảo tăng thêm 2 chương và 40 điều.