Vì sao các GS Nobel lại đến Việt Nam

GS Takaaki Kajita - Nobel Vật lý 2015.
GS Takaaki Kajita - Nobel Vật lý 2015.
TP - “Các GS sau khi giành giải Nobel thường tham dự những sự kiện khoa học quốc tế lớn. Nhưng vì mối quan hệ tình nghĩa với vợ chồng GS Trần Thanh Vân nên tháng 7 tới, bảy nhà khoa học giành giải Nobel sẽ có mặt ở Việt Nam”, ông Trần Thanh Sơn, thư ký của GS Trần Thanh Vân chia sẻ tại họp báo chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12 diễn ra sáng qua (3/6).

Hội tụ nhà khoa học, viện nghiên cứu danh tiếng thế giới

Bảy GS Nobel sẽ có mặt ở Việt Nam để tham dự chuỗi sự kiện khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12 diễn ra từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 12 năm nay ở thành phố biển Quy Nhơn, Bình Định. Ngoài ra, GS Ngô Bảo Châu, Giải thưởng Fields Toán học cũng về nước dịp này.

Gặp gỡ Việt Nam là hoạt động giao lưu học thuật khoa học lớn nhất Việt Nam do Hội Gặp gỡ Việt Nam của vợ chồng GS Ngô Thanh Vân (Việt kiều Pháp) khởi xướng từ 1993. Sự kiện gồm chuỗi các hội nghị, lớp học chuyên đề về khoa học với sự tham gia của các nhà khoa học danh tiếng quốc tế và các nhà khoa học trong nước. Năm 2013, 5 nhà khoa học Nobel Vật lý đến Việt Nam tham dự sự kiện này.

Năm nay, “Gặp gỡ Việt Nam” kéo dài từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 12 với 12 hội nghị khoa học và 3 lớp học vật lý chuyên đề. Trọng tâm trong chuỗi sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam” là Hội nghị Khoa học cơ bản và xã hội diễn ra ngày 7 - 8/7 tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ở Quy Nhơn, Bình Định. 

Hội nghị với sự tham gia của các GS Nobel, các GS khoa học danh tiếng khác và lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành cũng như lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Hội thảo nhằm tạo cơ hội để các nhà khoa học tương tác, trao đổi với các nhà hoạch định chính sách và đại diện của khu vực kinh tế tư nhân về tầm quan trọng của khoa học đối với sự phát triển của xã hội, đề xuất những vấn đề liên quan tới khoa học và xã hội ở các nước châu Á nói chung và đặc biệt ở các nước đang phát triển xung quanh Việt Nam với những chủ đề đặc thù của đất nước này. 

Ngoài ra, 11 hội nghị và 3 lớp học chuyên đề khác sẽ là cơ hội giao lưu học thuật đỉnh cao của giới khoa học.

Cùng với các GS Nobel,  nhiều tổ chức khoa học danh tiếng sẽ có mặt ở Việt Nam tham dự sự kiện như UNESCO, Viện Đào tạo và Nghiên cứu Liên Hiệp Quốc, Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, Viện Nghiên cứu khoa học cao cấp Trung Quốc. Ngoài ra bốn tập đoàn kinh tế lớn có mặt gồm Tập đoàn Airbus, Pháp (sản xuất máy bay), Tập đoàn Solvay, Bỉ (sản xuất hóa chất),  Tập đoàn SANOFI-AVENTIS, Pháp (sản xuất dược phẩm) và Tập đoàn Valéo, Pháp (sản xuất phụ kiện xe hơi).

Với số lượng đại biểu tham dự và quy mô các hội nghị, lớp học chuyên đề, “Gặp gỡ Việt Nam” 12 được đánh giá là sự kiện học thuật khoa học được mong chờ nhất của giới khoa học Việt Nam năm nay.

Vì sao các GS Nobel lại đến Việt Nam ảnh 1

GS Finn Kydland-Nobel Kinh tế 2004.

Những mối quan hệ ân tình của vị GS gốc Việt

Vì sao các GS Nobel lại đến Việt Nam? Ông Trần Thanh Sơn, thư ký riêng của GS Trần Thanh Vân (GS Trần Thanh Vân không tham dự họp báo - PV) cho biết, nhiều GS Nobel từng tham dự các sự kiện gặp gỡ khoa học do GS Trần Thanh Vân tổ chức khi họ còn trẻ. Nhờ đó, họ có cơ hội tiếp xúc, giao lưu và phát triển trong sự nghiệp. Như GS Takaaki Kajita - Nobel Vật lý 2015 từng tham gia sự kiện gặp gỡ khoa học tại Pháp do GS Trần Thanh Vân tổ chức khi ông mới 28 tuổi. Nhờ hội nghị ấy, ông có cơ hội để phát triển các ý tưởng nghiên cứu của mình. GS Takaaki Kajita có mặt ở Việt Nam từ 10-16/7 để tham dự Hội nghị PASCOC - một trong các hội nghị của chuỗi sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam” năm nay.

GS Trần Thanh Vân từng chia sẻ với Tiền Phong, giữa chúng tôi (ông và các nhà Nobel đến Việt Nam-PV) có mối quan hệ tình nghĩa. Chúng tôi bắt đầu tổ chức những hội nghị quốc tế lớn từ năm 1966. Trong các hội nghị đó chúng tôi luôn chú trọng đến các nhà khoa học trẻ. Có khoảng 20 nhà khoa học đoạt giải Nobel từng đến tham gia các hội nghị của chúng tôi khi còn trẻ. Cách mình đối xử với họ khi họ là nhà khoa học trẻ đã tạo nên những mối quan hệ tình nghĩa. Đó là lý do vì sao chúng tôi mời được họ.

Các GS Nobel sẽ có mặt ở Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ở Quy Nhơn, Bình Định trong tháng 7 để tham gia các hội nghị, các chuyên đề. Ngoài ra, họ sẽ có những buổi nói chuyện với sinh viên và công chúng yêu khoa học tại Quy Nhơn và Hà Nội.

Bảy nhà khoa học tham dự “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12 gồm GS David Gross – Nobel Vật lý 2004, GS Carlo Rubbia – Nobel Vật lý 1984, GS Jerome Friedman-Nobel Vật lý 1990, GS Kurt Wũthrich– Nobel Hóa học 2002, GS Finn Kydland-Nobel Kinh tế 2004, GS Jean Jouzel , nguyên Phó chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu – Nobel hòa bình 2007 và GS Takaaki Kajita – Nobel Vật lý 2015.

MỚI - NÓNG