Vì sao các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng Nga-Mỹ phải gặp khẩn cấp?

Vì sao các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng Nga-Mỹ phải gặp khẩn cấp?
TP - Trước tình hình an ninh toàn cầu bị đe dọa bởi nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa các siêu cường, ngày 17/3 Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã bay đến Matxcơva để gặp các đồng cấp Nga.
Vì sao các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng Nga-Mỹ phải gặp khẩn cấp? ảnh 1
Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov - Ảnh: Tư liệu từ Internet

Hãng tin Itar-Tass cho biết, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước sẽ tham vấn nhau những vấn đề liên quan đến an ninh toàn cầu và khu vực cũng như các vấn đề chính trị nhạy cảm.

Chuyến thăm Nga của bà Condoleezza Rice và ông Robert Gates lần này chỉ diễn ra trong hai ngày 17-18/3.

Ngày đầu tiên tại Matxcơva, Ngoại trưởng  Condoleezza Rice và Bộ trưởng Quốc phòng Gates có cuộc gặp riêng với Tổng thống đắc cử Nga Dmitry Medvedev và đương kim Tổng thống Vladimir Putin tại Điện Kremlin.

Nội dung các cuộc trao đổi của hai Bộ trưởng Mỹ với các nhà lãnh đạo Nga tập trung vào các vấn đề hệ thống lá chắn tên lửa, chương trình cắt giảm vũ khí thông thường ở châu Âu, và các vấn đề liên quan đến an ninh chính trị toàn cầu và khu vực.

Riêng ngày 18/3, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nga-Mỹ họp kín tại trụ sở Bộ Ngoại giao Liên bang Nga ở Matxcơva theo công thức hai cộng hai.

Hãng Itar-Tass dẫn lời nữ Phát ngôn viên Nhà Trắng Dana Perino nói rằng trước khi diễn ra cuộc gặp khẩn cấp này giữa 4 Bộ trưởng, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ George W. Bush đã có cuộc trao đổi qua điện thoại hôm thứ Tư tuần trước.

Hai Tổng thống khẳng định sự cần thiết phải có cuộc tham  vấn khẩn cấp này đồng thời coi đây là một ý tưởng tốt.

Tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Condoleezza Rice và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates với Tổng thống đắc cử Nga Dmitry Medvedev, hai bên đề cập đến các vấn đề quốc phòng và chính trị ngoại giao.

Trước khi rời Washington D.C để đi Matxcơva lần này, Ngoại trưởng C. Rice nói với các nhà báo rằng bà hy vọng qua cuộc trao đổi với ông Medvedev sẽ làm rõ được quan điểm của Tổng thống đắc cử Nga về triển vọng các mối quan hệ Nga-Mỹ, các chính sách đối nội Nga cũng như sự phát triển kinh tế của Liên bang Nga trong thời gian tới.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Nga nói với hãng Itar-Tass rằng các chủ đề chính trong cuộc tham vấn khẩn cấp này bao gồm hệ thống phòng vệ chống tên lửa; chương trình cắt giảm vũ khí chiến lược START; việc thực hiện Hiệp ước cắt giảm vũ khí thông thường CFE;  cuộc chiến chống khủng bố quốc tế; tình hình ở Iran, CHDCND Triều Tiên; và việc thực hiện hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.

Quan chức này nói:

“Bất cứ sự khai thông nào đối với vấn đề chiến lược cũng có thể đạt được nếu phía Mỹ đưa ra những đề nghị mới trong đó có tính đến lợi ích của Nga, đặc biệt là đối với hệ thống chống tên lửa đạn đạo.

Ngược lại, nếu hai Bộ trưởng Mỹ lần này vẫn giữ nguyên lập trường mà họ đã đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái thì cuộc gặp lần này lại vẫn chỉ là cơ hội để mỗi bên bày tỏ lập trường cũ.

Phía Nga sẽ đưa ra đề xuất hai bên cùng đánh giá chung về những mối đe dọa tên lửa trên toàn cầu thông qua việc sử dụng hệ thống radar Gabala và các hệ thống radar khác của Nga, thay vì Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở Cộng hòa Séc và Ba Lan”.

Quan chức quốc phòng Nga này cho rằng cách thức như nói trên cũng nên được áp dụng cho việc thực hiện hiệp ước START-1. Phía Nga không thể đồng ý với lập trường của Mỹ, theo đó chỉ có một văn bản thông báo mà không có nghĩa vụ nào với việc cắt giảm và hạn chế tên lửa cùng các đầu đạn.

Về hiệp ước CFE, phía Nga luôn cho rằng tất cả các nước thành viên NATO đều phải phê chuẩn hiệp ước này mà không có trường hợp ngoại lệ nào. Phía Nga đã nói rõ rằng Matxcơva sẽ không tuân thủ trong trường hợp có sự phân biệt đối xử và hạn chế.

Một quan chức ngoại giao cao cấp Nga nói với Itar-Tass: Phía Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp xây dựng lòng tin giống như đã từng đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái.

Theo đó, Mỹ muốn các sĩ quan Nga có mặt tại các cơ sở tên lửa đạn đạo của Mỹ ở Đông Âu. Ngoài ra phía Mỹ cam kết hệ thống radar của họ không nhằm chống Liên bang Nga cũng như không chấp nhận việc đưa các tên lửa đánh chặn vào các kho vũ khí.

Quan chức ngoại giao Nga nói trên cho biết, trong quá trình đàm phán, phía Mỹ nói rằng Washington đã sẵn sàng thỏa thuận với lập trường nguyên tắc của Nga liên quan đến hiệp ước CFE, tức là không gắn việc phê chuẩn với hiệp ước CFE đã được sửa đổi với cái gọi là “nghĩa vụ Istanbul” đối với Mondova và Gruzia.

Đ.P
 Theo Itar-Tass

MỚI - NÓNG