Vì sao các bạn trẻ thường bị ảnh hưởng bởi "Peer-pressure" - áp lực đồng trang lứa?

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Những năm gần đây, "Peer-pressure" hay còn được gọi là “áp lực đồng trang lứa” đang trở thành hội chứng tâm lý nhiều bạn trẻ gặp phải, chủ yếu do sự thiếu hụt kinh nghiệm sống cũng như những thay đổi về tâm sinh lý.

Khi áp lực trở thành nỗi ám ảnh

Ngày 17/12/2021, một nam sinh 12 tuổi ở Hà Nội đã nhảy xuống từ tầng 22 vì áp lực học hành. Theo báo cáo mới nhất của UNICEF, có 46.000 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử mỗi năm. Phải chăng áp lực đồng trang lứa đang trở thành “bóng ma” học đường?

Ngọc Minh (trường THPT Lê Hồng Phong, Quảng Bình) kể rằng cô bạn cảm nhận được áp lực đồng trang lứa nặng nề nhất khi vào lớp 10. Vì là lớp chọn nên hầu như ai cũng học rất giỏi. Trong các giờ học, các bạn trong lớp đặt cho thầy cô những câu hỏi thông minh đến không ngờ. Ngọc Minh tâm sự: “Có một thời gian dài mình cứ nằm suy nghĩ, không hiểu tại sao các bạn trong lớp có xuất phát điểm giống mình mà lại giỏi giang đến thế, tại sao mình không thông minh được như vậy".

Là học sinh cuối cấp, Ngọc Minh vừa phải ôn luyện cho kì thi THPT Quốc gia, vừa tham gia đội tuyển HSG cấp tỉnh, lại còn phải học IELTS và duy trì GPA trên lớp để tăng cơ hội trúng tuyển Đại học. “Nhiều khi mình chỉ định vào TikTok giải trí một tẹo, nhưng cứ lướt lại thấy các bạn 2K4 khoe 8.0 IELTS, vậy là lại hoảng hốt cất điện thoại lao vào học tiếp" - Ngọc Minh giãi bày.

Ngọc Trâm - một học sinh cuối cấp tại trường THPT Nguyễn Huệ, TP.HCM cũng đang phải chịu rất nhiều áp lực từ gia đình và nỗi mặc cảm, tự ti về bản thân khi chưa giỏi giang bằng bạn bè đồng trang lứa.

Vì sao các bạn trẻ thường bị ảnh hưởng bởi "Peer-pressure" - áp lực đồng trang lứa? ảnh 1

Bạn Ngọc Trâm. Ảnh: NVCC

Ngọc Trâm sinh ra trong một gia đình sống chủ yếu bằng nghề buôn bán, nhưng bố mẹ bạn lại rất coi trọng việc học hành của hai chị em vì mong muốn Trâm và em trai sau này sẽ được làm trong cơ quan nhà nước, có công việc ổn định và không phải cực nhọc như bố mẹ. Nhìn thấy được niềm hy vọng được đặt vào mình, Trâm đã cố gắng học hành và nỗ lực rất nhiều để không phụ lòng bố mẹ. Dù đã có lúc cô bạn cảm thấy như bản thân đang sống vì ước mơ của bố mẹ chứ không phải vì chính bản thân mình.

Gia đình không khá giả nhưng bố mẹ vẫn không ngần ngại gửi Trâm đi học thêm nhiều nơi. Có những ngày cô bạn mệt nhoài vì hết giờ học trên lớp là đã phải lao tới lớp học thêm và trở về nhà khi đã tối muộn. Trâm từng nói với mẹ rằng con rất mệt, con muốn được nghỉ ngơi. Nhưng mẹ chỉ đáp lại bằng cái nhíu mày: “Bạn bè con còn học nhiều gấp 2, gấp 3 lần, như này đã là gì”.

Vì sao các bạn trẻ thường bị ảnh hưởng bởi "Peer-pressure" - áp lực đồng trang lứa? ảnh 2

Áp lực đồng trang lứa khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy mệt mỏi, buồn bã. Ảnh mang tính minh họa

Điều này vô hình chung đã khiến những bạn trẻ như Trâm gặp phải áp lực về mặt tinh thần. Dễ nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và ám ảnh với thành tích của những người xung quanh.

Khi nhìn vào những thành công của bạn bè, các bạn trẻ dễ rơi vào cảm giác lo sợ. Và rồi cảm thấy thời gian của mình cứ thế trôi qua một cách vô nghĩa mà không thể đạt được bất cứ thành tựu gì. Có bạn còn gặp phải tình trạng mất ngủ và phải tìm đến thuốc an thần.

Trạng thái tâm lý ấy sẽ gây nên những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng, nhất là những bạn đang trong độ tuổi đến trường, tâm sinh lý vẫn chưa ổn định. Áp lực đồng trang lứa nếu trở nên quá tiêu cực, dần dà sẽ tạo ra stress, rối loạn hành vi gây hấn, lòng trắc ẩn với bản thân thấp, cuối cùng là kiệt sức và tự hại. Bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thức về lâu dài.

Vì sao chúng ta bị ảnh hưởng bởi Peer-pressure?

Lý do khiến teen dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực đồng trang lứa có thể đến từ bên trong lẫn bên ngoài.

Áp lực này được thể hiện rõ nhất ở những người chưa phát triển ổn định về mặt nhân cách, dễ bị tác động bởi bạn bè và mọi người xung quanh. Mong muốn được hòa nhập, được công nhận trong một nhóm cộng đồng sẽ ảnh hưởng đến thái độ, hành vi và niềm tin của các bạn trẻ để phù hợp với giá trị của nhóm mà mình tham gia.

Vì sao các bạn trẻ thường bị ảnh hưởng bởi "Peer-pressure" - áp lực đồng trang lứa? ảnh 3

Áp lực đồng trang lứa nếu trở nên quá tiêu cực, dần dà sẽ tạo ra stress. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, theo ThS. Nguyễn Vân Anh (Nhà tâm lý học Trẻ em - Thanh thiếu niên) cho biết: “Nhiều cha mẹ không có lòng tự tôn vào bản thân cao, thấy cuộc đời mình có nhiều điều thất bại. Cho nên họ áp lòng tự tôn thấp của mình lên con cái, hoặc bắt con làm được điều này điều kia để khiến để cha mẹ nở mày nở mặt. Những áp lực như vậy khiến cho những đứa con có lòng tự tôn thấp, không tin vào năng lực của bản thân mình nữa”.

Không chỉ có vậy, mạng xã hội cũng góp một phần không nhỏ trong việc khuếch đại áp lực đồng trang lứa. Nó đẩy lên những thông tin về cuộc sống “màu hồng” của những người thành công trong mọi lĩnh vực, thúc đẩy lòng ghen tị, sự ganh đua cùng những suy nghĩ thường trực như “tại sao mình lại không bằng được như người ta” của các bạn trẻ.

Vượt qua áp lực đồng trang lứa

Ngọc Minh đã chọn cách tâm sự với gia đình về những áp lực mà mình phải đối mặt hằng ngày vì cho rằng bố mẹ chính là người hiểu con cái nhất. “Bố mẹ đã phân tích cho mình thấy thế mạnh của chính mình, đó chính là sự lì lợm và bền bỉ theo đuổi đến cùng một mục tiêu. Nhờ đó mà mình tự nhiên thấy nhẹ nhõm và dần lấy lại được sự tự tin” - Minh bộc bạch.

Theo ThS. Nguyễn Vân Anh, cách tốt nhất để vượt qua peer-pressure là khám phá năng khiếu của bản thân mà không đặt nặng thành tích: “Thay vì so sánh mình với người khác, các bạn trẻ cần khám phá sâu vào chính mình để tìm hiểu mình muốn gì. Các hình thức trị liệu nghệ luật, viết, vẽ, làm nhạc, kịch ứng tác… là phương pháp rất hay để thể nghiệm và khám phá bản thân. Điều quan trọng là ta đừng sợ sai, đừng sợ ai sẽ cười hay đánh giá mình”.

Vì sao các bạn trẻ thường bị ảnh hưởng bởi "Peer-pressure" - áp lực đồng trang lứa? ảnh 4

Trị liệu nghệ thuật là phương pháp giúp cải thiện sức khỏe tâm thần hiệu quả. (Ảnh: compassio.infor)

Chúng ta đôi khi đã quá mải mê nhìn vào thành công của người khác mà quên mất một điều rằng sống vui vẻ, hạnh phúc và lạc quan cũng là một loại thành công mà không phải ai cũng đạt được. Mỗi người sẽ có một con đường riêng và mỗi người sẽ có những định nghĩa riêng về “thành công”. Nếu hôm nay chúng ta chưa đạt đến ngưỡng gọi là thành công, thì cũng không sao cả, cái đích của chúng ta chỉ ở xa hơn người khác mà thôi. Hãy học cách trân trọng bản thân mình, bởi mỗi chúng ta là những cá thể độc nhất!

Vì sao các bạn trẻ thường bị ảnh hưởng bởi "Peer-pressure" - áp lực đồng trang lứa? ảnh 8
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm