Vì sao Bộ GD&ĐT cắt 20% chỉ tiêu ngành sư phạm

Thứ trưởng Bùi Văn Ga chủ trì cuộc họp báo
Thứ trưởng Bùi Văn Ga chủ trì cuộc họp báo
TPO - Năm nay chỉ tiêu các ngành sư phạm là 52.000, giảm 20% so với năm ngoái. Theo Bộ GD&ĐT, nếu tiếp tục đào tạo sư phạm với chỉ tiêu như trước thì số lượng dôi dư sẽ rất nhiều. 

Công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ; việc điều chuyển giáo viên dôi dư xuống dạy bậc mầm non... là những nội dung được Bộ GD&ĐT giải đáp trong họp báo thường kỳ Quý I năm 2017 do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga chủ trì. 

Tuyển sinh đại học: Giảm gần 30000 chỉ tiêu

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, năm nay, tổng số thí sinh sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017 vào khoảng 955 nghìn thí sinh (bao gồm cả thí sinh tự do).

Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH và các trường CĐ sư phạm thuộc quản lý của Bộ GD&ĐT năm nay là 392 nghìn (giảm 30 nghìn so với năm 2016). Trong đó, chỉ tiêu ĐH là 340.000 còn chỉ tiêu các trường sư phạm là 52.000. Như vậy, chỉ tiêu khối sư phạm cũng giảm 20% so với năm ngoái.

Thứ trưởng Ga cho biết, các năm 2015-2016, chỉ tiêu của khối các trường sư phạm giảm mỗi năm 10%. Hiện nay, Bộ GD đang tiến hành quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên để tính toán chỉ tiêu.

Cũng theo thứ trưởng Ga cho rằng, nếu tiếp tục đào tạo sư phạm với chỉ tiêu như hiện nay thì số lượng dôi dư sẽ rất nhiều. Do đó, Bộ đã yêu cầu các cơ sở đào tạo giáo viên giảm 20% chỉ tiêu tuyển sinh so với năm 2016".

Với tổng số chỉ tiêu tuyển sinh ĐH như năm nay, Thứ trưởng Ga cho rằng, vẫn còn hơn 600 nghìn thí sinh để có thể thu hút vào các trường CĐ đào tạo nghề.

Những điểm quan trọng trong kỳ thi THPT Quốc gia

Thứ trưởng Bùi Văn Ga thông tin một số điểm quan trọng của kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Cụ thể, kỳ thi sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, từ 22 đến 24/6. Hiện tại, công tác chuẩn bị cho kỳ thi được tiến hành tích cực tại các địa phương, cơ sở giáo dục. Một số nơi đã tiến hành khảo sát chất lượng cho học sinh lớp 12.

Năm nay, mỗi địa phương chỉ còn một cụm thi do sở GD&ĐT chủ trì. Tuy nhiên, các trường đại học vẫn đóng vai trò quan trọng thông qua việc cử giảng viên tham gia coi thi trực tiếp tại địa phương theo tỷ lệ 50/50.

Về kỳ thi THPT quốc gia, để đảm bảo mỗi thí sinh trong phòng có mã đề riêng, Bộ GD&ĐT đã có quy trình chuẩn bị đề thi chặt chẽ, chuẩn hóa để tránh sai sót. Bộ sẽ giao các sở làm công tác in sao đề, trình kế hoạch trước để bộ kiểm tra. Tránh để xảy ra tình trang sai sót đề thi như của Sở GD&ĐT Hà Nội vừa qua.

Thừa giáo viên do tuyển dụng chưa hợp lý

Bộ GD&ĐT cũng cho biết, thời gian qua tại một số địa phương xuất hiện tình trạng điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư chỉ được bồi dưỡng trong thời gian ngắn xuống dạy bậc học mầm non.

Trước thực trạng này, Bộ đã yêu cầu các địa phương dừng ngay việc điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy bậc mầm non khi chưa qua đào tạo. Cụ thể như trường hợp tỉnh Thanh Hóa.

“Tình trạng thừa giáo viên cục bộ ở một số địa phương trước hết là do các địa phương này tuyển dụng chưa hợp lý”- Theo Bộ GD&ĐT khẳng định.

Sắp công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, sau một thời gian chuẩn bị, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã hoàn thành và dự kiến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 sẽ công bố rộng rãi để lấy ‎ kiến dư luận trước khi được ban hành chính thức vào tháng 9/2017.

Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông, các môn học bắt buộc ở cấp tiểu học gồm: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Kỹ thuật và Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số.

Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Lịch sử và Địa l‎ý, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2.

Ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp, lớp 10 bao gồm các môn học bắt buộc là: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa l‎ý, Vật l ý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2.

Lớp 11 và lớp 12, các môn học chung (bắt buộc) bao gồm: Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học định hướng nghề nghiệp (tự chọn bắt buộc): Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật l‎ ý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc. Học sinh tự chọn tối thiểu 5 môn học trong các môn nói trên phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.

Ngoài ra, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng đề cập tới định hướng xây dựng các chương trình môn học; định hướng về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập; điều kiện thực hiện chương trình phổ thông và phát triển chương trình giáo dục phổ thông.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhằm cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực đáp ứng nhu cầu hoàn thiện nhân cách của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

Theo GS Nguyễn Văn Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, điểm mới nổi bật của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là việc chia thành giai đoạn dự hướng, giúp học sinh có được sự chuẩn bị nhất định để chọn hướng nghề nghiệp (lớp 10) và giai đoạn giáo dục định hướng nghiệp (lớp 11, 12).
 
MỚI - NÓNG