Đào hầm xúc tiến thử hạt nhân?
Theo Kyodo, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức giấu tên của Hàn Quốc cho biết có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang đào một đường hầm tại bãi thử hạt nhân ở Punggye-ri tại huyện Kilju thuộc tỉnh Bắc Hamgyong, Đông Bắc nước này.
Quan chức trên nói: "Đã phát hiện người và xe hoạt động nhộn nhịp ở bãi thử hạt nhân. Triều Tiên nhiều khả năng đang trong quá trình đào thêm đường hầm."
Theo một nguồn tin khác, hành động của Bình Nhưỡng cho thấy họ có kế hoạch tiến hành một vụ thử hạt nhân lần thứ tư, song cần phân tích tình hình thêm trước khi dự đoán thời điểm họ thử hạt nhân.
Được biết, vị trí Triều Tiên đào đường hầm lần này nằm ở khu vực khác với ba đường hầm từng được Bình Nhưỡng sử dụng để thử hạt nhân ở bãi thử Punggye-ri vào các năm 2006, 2009 và 2013.
Gia tăng năng lực hạt nhân
Theo tờ Business Insider, trong một bản báo cáo, hai tác giả David Albright và Christina Walrond của Viện khoa học và an ninh quốc tế (ISIS) đưa ra 3 lí do giải thích tại sao năng lực hạt nhân của Triều Tiên sẽ gia tăng.
Triều Tiên khẳng định tái khởi động lò phản ứng hạt nhân. Nguồn: BBC
Lí do đầu tiên mà Triều Tiên đang xây dựng các lò phản ứng hạt nhân có tên gọi “Lò phản ứng nước nhẹ dân sự” dùng để chế tạo uranium làm giàu ở mức thấp mà không chế tạo plutonium (loại nguyên liệu trước đây Triều Tiên dùng để sản xuất vũ khí nguyên tử).
Lí do thứ hai là Triều Tiên đang sử dụng plutonium từ một “Lò phản ứng nước nhẹ quân sự” và đây là biện pháp tối ưu để chế tạo vũ khí với nguyên liệu plutonium.
Theo Đô đốc William Gortney, chỉ huy Bộ Tư lệnh phương Bắc của Mỹ, các quan chức quốc phòng ở Washington nhận định Triều Tiên hiện có thể gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08 và bắn xa hơn 9.000 km, đủ sức vươn tới bờ tây nước Mỹ.
Lí do cuối cùng là Triều Tiên đang dành toàn bộ các máy li tâm để sản xuất nguyên liệu uranium cho vũ khí, giúp tăng cường kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Tất cả các dự án nói trên “đều cho thấy kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đang mở rộng”.
Trong khi đó, hãng thông tấn KCNA (Triều Tiên) cho biết cơ sở hạt nhân chính của nước này là khu phức hợp Yongbyon đang “hoạt động hết công suất”.
Lò phản ứng hạt nhân Yongbyon đóng cửa vào năm 2007 nhưng Bình Nhưỡng tuyên bố khởi động lại cơ sở này trong năm 2013, sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3. Yongbyon cung cấp một số lượng lớn plutonium cho các chương trình vũ khí hạt nhân của quân đội Triều Tiên.
Mới đây, KCNA cho biết Bình Nhưỡng đã sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân đáp trả Mỹ bất cứ lúc nào. Bình Nhưỡng từng tuyên bố chế tạo được đầu đạn hạt nhân “đủ nhỏ” để tích hợp vào tên lửa và có thể dùng trong thực chiến.
Nhà lập pháp Yoo Ki-june thuộc đảng Saenuri cầm quyền ở Hàn Quốc dẫn lời ông Siegfried Hecker, giáo sư nghiên cứu tại Trường ĐH Stanford từng thăm tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên vào năm 2010, cho biết: “Triều Tiên có khả năng sản xuất một số bom hạt nhân mỗi năm và có vẻ họ sẽ sở hữu khoảng 20 quả bom hạt nhân vào năm 2016”.
Vì sao Bình Nhưỡng gia tăng vũ khí hạt nhân?
Nhiều vòng đàm phán đã diễn ra giữa Triều Tiên, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, đến nay tất cả các nỗ lực đều không thành công.
Tháng 9/2005, sau hơn hai năm đàm phán, Triều Tiên đồng ý với một bản thỏa thuận mang tính bước ngoặt, từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế cùng các nhượng bộ chính trị khác. Dù vậy, việc thực thi thỏa thuận trên gặp nhiều khó khăn và bị trì hoãn từ tháng 4/2009.
Đầu năm 2012, Triều Tiên bất ngờ thông báo ngừng các hoạt động hạt nhân, đồng thời ban lệnh cấm thử tên lửa nếu Mỹ viện trợ lương thực. Nhưng đến tháng 4 năm đó, Bình Nhưỡng đi ngược lại những gì mình tuyên bố khi tiến hành một vụ phóng thử tên lửa mới.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho hay, Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các nước khác để áp những lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm đưa Bình Nhưỡng "trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa và có những bước đi cụ thể để thúc đẩy tiến trình giải trừ hạt nhân" trên bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, các chuyên gia quân sự nhận định, con bài hạt nhân chính là biện pháp để tự bảo đảm an ninh của Bình Nhưỡng và để mặc cả với Washington nhằm đổi lại viện trợ kinh tế, phá bỏ phong toả cấm vận, tạo môi trường thuận lợi tiến hành cải cách kinh tế trong nước. Chính vì vậy, Bắc Triều Tiên sẽ không dễ dàng từ bỏ con ÁT chủ bài hạt nhân của mình khi chưa nhận được bảo đảm an ninh và viện trợ kinh tế.