Vì sao Afghanistan sụp nhanh, Mỹ thua chậm?

0:00 / 0:00
0:00
Lính đặc nhiệm Afghanistan canh gác ở tỉnh Herat hôm 1/8. Nguồn: CNN.
Lính đặc nhiệm Afghanistan canh gác ở tỉnh Herat hôm 1/8. Nguồn: CNN.
TPO - Nhiều chuyên gia cho rằng, Taliban có thể sớm chiếm được thủ đô Kabul của Afghanistan, Mỹ đang chứng kiến Chiến tranh Việt Nam thứ hai, đang phải chuẩn bị sơ tán nhân viên Đại sứ quán Mỹ. Washington Post ngày 13/8 nhận định, sự sụp đổ nhanh chóng của Afghanistan chính là sự thất bại từ từ và kéo dài của Mỹ.

1 tuần 12 thành phố thất thủ

Đối với nhiều người theo dõi tình hình Afghanistan, dường như sự sụp đổ của Afghanistan là đột ngột. Chỉ trong vài tháng mùa hè, lực lượng Taliban tràn qua nhiều tỉnh thành của Afghanistan. Từng thủ phủ các tỉnh ở miền bắc và miền tây Afghanistan lần lượt rơi vào tay Taliban, trong khi sự kháng cự của quân chính phủ nhanh chóng biến mất.

Vì sao Afghanistan sụp nhanh, Mỹ thua chậm? ảnh 1

Các tay súng Taliban tuần tra ở tỉnh Farah của Afghanistan hôm 11/8. Ảnh: AP.

Hôm 12/8, Taliban chiếm đóng thành phố Ghazni, cắt đứt quốc lộ trọng yếu nối thủ đô Kabul với các tỉnh miền nam. Theo Washington Post, đây là thủ phủ thứ 10 thất thủ chỉ trong vòng 1 tuần. Còn theo AP, Taliban vừa chiếm quyền kiểm soát thêm 2 thành phố lớn là Herat và Kandahar.

Taliban vừa chiếm Kandahar và Herat, thành phố lớn thứ hai và thứ ba của Afghanistan (sau thủ đô Kabul). Đây là chiến công lớn nhất của Taliban cho đến nay. Chỉ trong vòng 1 tuần tấn công chớp nhoáng, Taliban đã chiếm được 12 trong tổng số 34 thủ phủ của các tỉnh ở Afghanistan, AP đưa tin ngày 13/8.

Vì sao Afghanistan sụp nhanh, Mỹ thua chậm? ảnh 2

Chiến binh Taliban tuần tra trên đường phố Ghazni hôm 12/8. Ảnh: AP.

Chính phủ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đang ở thế bị bao vây. Giờ đây, Kabul đang trong kính ngắm của Taliban. Lực lượng được cho là đang ở vị thế quyền lực nhất kể từ năm 2001, trước khi bị liên quân do Mỹ dẫn dắt lật đổ.

Hiện có các báo cáo rằng, tại các khu vực nằm dưới quyền của Taliban, các tay súng của lực lượng này tấn công dân thường và ép buộc phụ nữ trẻ kết hôn. Trong khi đó, quân đội Afghanistan đang quay cuồng và mất tinh thần, dù được Mỹ huấn luyện và hỗ trợ tài chính đáng kể trong nhiều năm qua.

Từ thành phố này đến thành phố khác, binh sĩ đầu hàng hoặc rời bỏ vị trí của họ. Trong một số trường hợp, các tay súng Taliban phóng xe trên đường mang theo trang thiết bị quân sự Mỹ, bao gồm vũ khí Mỹ.

Nhiều người cho rằng, giới chức Mỹ đang dự tính chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Kabul tới gần sân bay hơn và thúc giục công dân Mỹ ở Afghanistan rời nước này ngay lập tức. Hàng nghìn lính Mỹ sẽ được điều động tăng cường để bảo đảm việc sơ tán diễn ra an toàn khi tình trạng nghiêm trọng đến mức Mỹ buộc phải sơ tán công dân, nhà ngoại giao.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây hết sức cố gắng tập hợp các tay chơi khác nhau trong khu vực, từ các nước láng giềng của Afghanistan đến Liên minh châu Âu, Nga và Trung Quốc, để thể hiện một mặt trận ngoại giao thống nhất trong khi đàm phán với các đặc phái viên của Taliban ở Qatar. Nhưng Taliban lớn mạnh thêm và viễn cảnh Kabul thất thủ năm 2021 như sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn năm 1975 đang đến gần.

Vì sao Afghanistan sụp nhanh, Mỹ thua chậm? ảnh 3

Cờ của Taliban cắm tại quảng trường thành phố Ghazni gần thủ đô Kabul ngày 12/8. Ảnh: AP.

Taliban sắp chiếm được Kabul?

Theo các đánh giá tình báo của Mỹ, việc các lực lượng an ninh Afghanistan nhanh chóng tan rã đồng nghĩa rằng, Taliban có thể chiếm đóng thủ đô Kabul trong những tháng tới, thậm chí trong những tuần tới. Sự thành công của các đợt công kích của Taliban trùng với việc rút những biệt đội cuối cùng của Mỹ và NATO khỏi Afghanistan. Nhà Trắng ban đầu dự kiến thời điểm rút quân trùng với kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 do al-Qaeda thực hiện. Hồi đó, Taliban nắm quyền lãnh đạo Afghanistan và dung dưỡng al-Qaeda.

Giờ đây Taliban đang đẩy mạnh tấn công để nhanh chóng trở lại nắm quyền. Hồi đầu tháng 7, Tổng thống Biden cười khẩy trước khả năng Taliban “lật đổ mọi thứ”; ông hy vọng vào sự dàn xếp chính trị giữa các bên tham chiến ở Afghanistan thông qua trung gian hòa giải.

Những người theo trường phái diều hâu nói rằng, Mỹ cần duy trì răn đe đối với Taliban. Tuy nhiên, những người phản đối chủ trương cứng rắn lại cho rằng, sự bất ổn kéo dài ở Afghanistan ngay cả sau hai thập kỷ Mỹ chiếm đóng là bằng chứng đủ để kết thúc sứ mệnh của Mỹ tại nước này.

Trong nhiều tuần qua, Nhà Trắng bảo vệ quyết định rút quân Mỹ khỏi Afghanistan. Đây cũng là mục tiêu mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi và được đa số người Mỹ ủng hộ, theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây.

“Xem này, chúng ta đã tiêu hơn 1.000 tỷ USD trong vòng 20 năm (ở Afghanistan). Chúng ta đã huấn luyện và cung cấp trang thiết bị hiện đại cho hơn 300.000 quân Afghanistan. Giờ đây các nhà lãnh đạo Afghanistan phải xắn tay vào làm thôi”, Tổng thống Biden nói trong một cuộc họp báo mới đây ở Nhà Trắng.

Một số lượng tương đối nhỏ các lực lượng nước ngoài còn lại ở Afghanistan có thể không làm được gì nhiều để ngăn cản bước tiến hiện tại của Taliban. Đối với Tổng thống Biden, tình trạng khó khăn của Mỹ là nguồn gốc của sự thiếu kiên nhẫn, buộc phải rút quân. Nhưng đối với vô số người Afghanistan, bao gồm số người mất nhà cửa, buộc phải sơ tán đang gia tăng, tình hình càng trở nên vô vọng hơn.

Việc khẩn trương sơ tán các nhà ngoại giao phương Tây khỏi Kabul làm lộ rõ mức độ khủng hoảng. “Cộng đồng quốc tế nên tuyệt đối ưu tiên an ninh của các nhà ngoại giao. Nhưng phải nói rõ một điều, việc rời khỏi Afghanistan sẽ gửi một tín hiệu nghiêm túc rằng, thế giới giờ đây bó tay, để người Afghanistan ở lại cho số phận đưa đẩy”, ông Michael Kugelman, một chuyên gia về Nam Á công tác tại Trung tâm Wilson, nói.

Vì sao Afghanistan sụp nhanh, Mỹ thua chậm? ảnh 4

Màu cam là những vùng Taliban đang chiếm đóng ở Afghanistan. Đồ họa: AP.

Che giấu sự thật

Rời bỏ Aghanistan chỉ còn là vấn đề thời gian, sớm hay muộn mà thôi. Trong bài viết đoạt giải của mình, nhà báo Craig Whitlock (công tác tại The Washington Post) đã tiết lộ các tài liệu nội bộ của chính phủ Mỹ đánh giá kỹ lưỡng thất bại của Mỹ trong nỗ lực tham chiến và xây dựng đất nước ở Afghanistan; các chính quyền Mỹ liên tiếp nhận ra rằng, không dễ đánh bại Taliban, rằng nhà nước Afghanistan yếu kém, tham nhũng tràn lan; xử lý, can thiệp nửa vời mà không có chiến lược mạch lạc còn hơn là thừa nhận thất bại.

“Các cuộc phỏng vấn và tài liệu, nhiều trong số đó chưa từng được công bố trước đây, cho thấy cách thức chính quyền các tổng thống George W. Bush, Barack Obama và Donald Trump che giấu sự thật trong 2 thập kỷ. Họ đang dần thua một cuộc chiến mà đông đảo người Mỹ từng ủng hộ. Các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự đã chọn cách chôn vùi sai lầm của họ và để cuộc chiến trôi đi”, nhà báo Whitlock nói.

Sau khi đổ quân vào Afghanistan được gần nửa thập kỷ, các quan chức trong chính quyền Bush tạo ra một cuộc chiến tương tự Chiến tranh Việt Nam; ngày càng rõ rằng, Taliban vẫn là mối đe dọa. “Bước ngoặt xảy ra vào cuối năm 2005, đầu năm 2006 khi chúng tôi cuối cùng nhận ra một thực tế rằng, sẽ có một cuộc nổi dậy có thể khiến chúng ta cuối cùng thất bại. Mọi thứ trở nên sai lầm vào cuối năm 2005”, một quan chức trong chính quyền Bush nói. “Chính quyền Bush đã dập tắt các cảnh báo nội bộ và giả vờ thỏa mãn với cuộc chiến”, ông Whitlock viết trong bài báo của mình.

Vì sao Afghanistan sụp nhanh, Mỹ thua chậm? ảnh 5

Lính Mỹ ở Afghanistan. Ảnh: Getty.

Gần một thập kỷ sau đó, vào cuối năm 2014, Tổng thống Obama cố gắng kết thúc sứ mệnh quân sự của Mỹ tại Afghanistan sau nhiều năm chống nổi dậy, tuyên bố rằng “cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Mỹ đang đi đến hồi kết có trách nhiệm”. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ biết rằng, điều đó còn xa vời. Chính quyền Obama “đã gợi ra một ảo tưởng”, nhà báo Whitlock viết. Chính quyền thông báo với người dân rằng, các lực lượng Mỹ ở lại chỉ đảm nhiệm các vai trò phi chiến đấu, “nhưng Lầu Năm Góc đã tạo ra vô số ngoại lệ trong thực tế (lính Mỹ phải chiến đấu ở Afghanistan)”, ông Whitlock viết.

Sau đó đến thời của Tổng thống Donald Trump; ông lớn tiếng kêu gọi chấm dứt sự tham gia quân sự của Mỹ ở nước ngoài vì hoạt động này quá tốn kém. Tuy nhiên, ông đồng ý cho tăng cường ném bom các mục tiêu nổi dậy Hồi giáo mà theo một nghiên cứu, các vụ không kích này khiến thương vong dân thường Afghanistan tăng khoảng 330%.

Và giờ đây, Tổng thống Biden đang đứng trước thời khắc của riêng mình trước lịch sử đầy biến động của Afghanistan – một bi kịch hình thành trong nhiều năm.

Ngày 12/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani rằng, Mỹ vẫn đầu tư vào an ninh và ổn định của Afghanistan trong bối cảnh Taliban tấn công nhiều nơi. Website Bộ Quốc phòng Mỹ đưa tin, hai bộ trưởng thông báo với Tổng thống Ghani rằng, Mỹ đang giảm số nhân viên dân sự ở Kabul và sẽ có thêm các chuyến bay theo chương trình visa nhập cư đặc biệt. Ông Austin cũng thông báo rằng, quân đội Mỹ sẽ tạm thời triển khai quân số tới khu vực.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.