Vì nghèo nên bác sĩ phải 'chân trong chân ngoài'

Lương thấp, chịu nhiều áp lực khiến không ít bác sĩ nhảy việc qua BV tư với chế độ đãi ngộ hấp dẫn
Lương thấp, chịu nhiều áp lực khiến không ít bác sĩ nhảy việc qua BV tư với chế độ đãi ngộ hấp dẫn
TP - Đồng lương ở bệnh viện công ít ỏi, không đủ sức níu giữ những bác sĩ phải lo cơm áo gạo tiền. Nhiều bác sĩ bám trụ bệnh viện công nhưng tìm mọi cách đứng chân trong chân ngoài.

> Giàu nghèo, đời bác sĩ

Lương thấp, chịu nhiều áp lực khiến không ít bác sĩ nhảy việc qua BV tư với chế độ đãi ngộ hấp dẫn
Lương thấp, chịu nhiều áp lực khiến không ít bác sĩ nhảy việc qua BV tư với chế độ đãi ngộ hấp dẫn . Ảnh: L.N

Xoay xở làm thêm

Khi chưa con cái, bác sĩ Anh Thoa ở BV Từ Dũ (TPHCM) chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phải xoay xở kiếm tiền. Nhưng khi đứa con đầu lòng được 7 tháng tuổi, chị đành phải gửi con ở nhà người thân để vừa làm chuyên môn ở bệnh viện vừa làm thêm ở một phòng khám sản khoa trên đường Huỳnh Tịnh Của, quận 3.

Tan sở chị lại tức tốc phi xe tới phòng khám tư để làm thêm đến 8-9 giờ tối mới về nhà. “Mỗi tháng làm thêm cũng kiếm được gần 5 triệu đồng, cộng với tiền lương ở bệnh viện nữa mới đủ lo cho con cái”- bác sĩ Thoa tiết lộ.

Theo chị chẳng ai muốn phải xoay xở công việc ở bên ngoài nhưng cuộc sống khó khăn nên cũng phải chân trong chân ngoài để kiếm thêm.

Bác sĩ Bình Khang - Phó khoa Ngoại Thần kinh BV Nguyễn Tri Phương, được xem là cựu trào của bệnh viện với tổng thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng nhưng chừng ấy tiền nuôi cả gia đình với 2 đứa con đang tuổi đi học xem ra chả thấm vào đâu. Vì vậy, nếu không phải đứng mổ cấp cứu, xong việc là bác sĩ Khang chạy về phòng mạch tại gia.

Ngay cả Tiến sĩ Nguyễn Thy Hùng - Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương cũng chưa bao giờ chịu nhận lời nhâm nhi với ai trước 8 giờ tối. Bởi, sau khi xong việc ở bệnh viện, ông phải làm thêm ở phòng mạch của mình.

Khi còn đương nhiệm chức Giám đốc Sở Y tế TPHCM, bác sĩ Nguyễn Thế Dũng vẫn có mặt ở phòng khám riêng đều đặn sau giờ làm việc. Theo ông, ngoài công việc quản lý, phải khám chữa bệnh thêm để kiếm đồng ra đồng vào.

Gần 200 bác sĩ và điều dưỡng viên ở các khoa Cấp cứu, Hồi sức của BV Chợ Rẫy- nơi chịu áp lực nặng nề với thời gian trực dày đặc nhưng thu nhập chỉ đủ sống. Không ít bác sĩ và điều dưỡng viên phải xoay xở làm thêm như đi thay băng, truyền dịch..

Đã gần tuổi 50, nhưng hiện tại thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp của bác sĩ Nguyễn T.X. làm ở khoa Nội thuộc BV quận 7 chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Lương không đủ sống, hai con đang học đại học, bác sĩ X. đành in hẳn tờ rơi với dịch vụ “tiêm thuốc, thay băng, cắt chỉ và truyền dịch tại gia” kèm theo số điện thoại liên lạc, sau đó đi phát cho từng căn hộ, với hy vọng kiếm thêm thu nhập cho cả nhà.

Có hàng trăm cách xoay xở kiếm tiền khi mà lương và các khoản phụ cấp ở bệnh viện chỉ ở mức đủ sống, thậm chí thiếu trước hụt sau.

Dược sĩ Phan Thị Ngọc C. đang quản lý bán hàng cho một công ty dược có văn phòng đại diện ở Việt Nam không ngần ngại cho biết, hầu như các bệnh viện hiện nay đều có bác sĩ làm “cộng tác viên” cho các nhãn hàng thuốc của công ty chị với mức lương từ 1 triệu đến 10 triệu đồng/tháng.

Khác với các trình dược viên, các bác sĩ này ngồi ở phòng khám và kê toa thuốc cho công ty đồng thời vận động các bác sĩ khác hoặc người bệnh kê và mua thuốc cho công ty là coi như hoàn thành nhiệm vụ.

“Cũng chả ai thích làm chuyện này bởi nếu bệnh viện biết được chẳng hay ho gì, nhưng nếu không làm thì rất khó sống”- dược sĩ C. nói - “Người ta nói bác sĩ giàu nhưng theo tôi đó chỉ là số ít. Hoặc là họ giàu từ gốc, khi họ đã có tên tuổi lớn... còn lại nếu ăn lương bệnh viện chắc khó ai mua được nhà, xe hơi”.

Nhảy việc hai chóp

Sau 6 năm công tác ở khoa Chấn thương chỉnh hình thuộc BV đa khoa khu vực Củ Chi, bác sĩ Võ T.H. đành nói lời chia tay để lên thành phố đầu quân cho bệnh viện tư nhân Hồng Đức ở quận Gò Vấp với mức lương hơn 15 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản phụ cấp đứng mổ và phụ cấp khác.

So với đồng lương gần 3,5 triệu đồng/tháng trước đó, có lẽ đây là con số mơ ước. “Giờ tôi có vợ và hai con đang tuổi ăn tuổi học, mức lương gần 4 triệu/tháng làm sao chịu nổi”- bác sĩ H. tâm sự.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng- Tổng giám đốc Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ cho biết, các bác sĩ ở hệ thống BV Hoàn Mỹ được trả lương cao nên khi Hoàn Mỹ yêu cầu không ai được mở phòng mạch để tập trung chuyên môn cho bệnh viện, hầu hết bác sĩ không phản ứng. Bác sĩ Nguyễn Đình Phú- Phó giám đốc BV Nhân dân 115 nói rất lo, vì cơ chế hiện nay của bệnh viện khó giữ chân người tài.

Cũng như bác sĩ H. sau nhiều năm công tác ở BV Tai Mũi Họng TPHCM, bác sĩ Lê Lợi đành chia tay với bệnh viện này chỉ vì thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống đắt đỏ ở thành phố. Lương 3 triệu đồng, cộng với tiền trực, tiền khám ngoài giờ và tiền phụ cấp mổ, mỗi tháng thu nhập của anh chỉ xấp xỉ 4 triệu, trong khi tiền thuê nhà đã 2 triệu đồng/tháng, con nhỏ phải gửi nhà trẻ ngốn thêm 1,5 triệu nữa.

Vậy là sau mỗi đợt nhận lương, anh còn lại 500.000 đồng. Cuối cùng bác sĩ Lợi nhảy ra làm cho bệnh viện tư nhân Hoàn Mỹ với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng.

Bác sĩ Hiếu làm ở Viện Tim Tâm Đức ở quận 7 nói, mỗi tháng một bác sĩ đây thu nhập không dưới 20 triệu đồng. Mỗi đêm bác sĩ trực được hưởng từ 400.000-500.000 đồng, trong khi ở các bệnh viện công, mỗi tháng một bác sĩ chỉ được hỗ trợ từ 180.000 - 200.000 đồng.

Chế độ đãi ngộ hấp dẫn từ bệnh viện tư, các phòng khám đa khoa... khiến không ít bác sĩ làm ở bệnh viện công khi đã “đủ lông đủ cánh”, thậm chí vừa mới ra trường cũng không mặn mà với bệnh viện nhà nước.

Nhiều năm làm việc ở BV Nhân dân 115, cuối năm 2010, ba bác sĩ giỏi ở đây đồng loạt nhảy việc sang BV Pháp Việt quận 7 với mức lương hơn 1.000 USD/tháng. Có bác sĩ được bệnh viện này mời chào như ông hoàng với mức lương cao còn “khuyến mãi” thêm cho chức trưởng khoa.

“Dòng chảy bác sĩ bệnh viện công sang tư mạnh nhất phải kể đến BV Thống Nhất. Từ năm 2007 đến nay, có gần 200 bác sĩ nhảy việc với nhiều lý do viện ra trong đơn như chuyển công tác về quê, ra riêng làm phòng khám... nhưng thực tế hầu hết đều nhảy việc sang bệnh viện tư.

Bác sĩ Nguyễn Phan T. D.- công tác ở Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết, anh đã chuyển sang cộng tác để hỗ trợ thêm về chuyên môn cho bệnh viện AN Sinh TPHCM từ hai năm nay.

Theo anh, tại bệnh viện công, mỗi ca phẫu thuật anh chỉ nhận khoảng 30.000 đồng/ca tiền bồi dưỡng, có khi phẫu thuật loại 1(đại phẫu) cũng chỉ được 50.000 đồng/ca với thời gian mổ 4-6 tiếng. Trong khi đó, phẫu thuật tương tự tại bệnh viện tư, được hưởng từ 1-3 triệu đồng/ca. Ngay cả khi hết giờ tranh thủ làm thêm cho phòng khám đa khoa tư nhân, chỉ trong 1-2 tiếng đồng hồ cũng kiếm thêm ít nhất là 300 nghìn đồng.

D. cho biết nhiều bác sĩ không nhảy việc, cũng tranh thủ làm hai chóp: vừa làm cho bệnh viện vừa đứng tên ở phòng khám đa khoa hay ở bệnh viện tư. “Có bác sĩ vừa làm ở bệnh viện nhưng cũng làm cho công ty dược. Tôi nghĩ chẳng ai muốn nhưng họ làm vì thu nhập để nuôi gia đình” - bác sĩ D. nói.

Theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm- Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TPHCM, ngoài chuyện nhảy việc ra làm cho các bệnh viện nước ngoài, các bệnh viện tư hoành tráng, một lượng lớn bác sĩ đổ về các phòng khám quốc tế như Medic Care, Victoria Healthcare, International SOS... với mức lương rất cao khiến họ không còn bận tâm chuyện cơm áo gạo tiền. “Điều này chẳng ai cấm được”- bác sĩ Nghiệm nói.

Nghèo còn gặp eo

T., bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật có tiếng ở BV Bình Dân sau cú kiện tụng kéo dài đã không chịu nổi áp lực của công việc và dư luận đành bỏ về quê sinh sống. Năm 2008, sau một ca phẫu thuật thoát vị bẹn bị biến chứng nhiễm trùng, bệnh nhân tử vong, bác sĩ T. đã rơi vào kiện tụng. Phải chạy vạy người thân để kiếm đủ 300 triệu bồi thường cho gia đình bệnh nhân.

Bác sĩ T. sau đó một thời gian không dám động đến dao mổ, cho dù anh đã đạt đến đỉnh một bác sĩ chuyên khoa có tiếng ở Sài Gòn. Bác sĩ Phan Dzư Lê Thắng - khoa Vi phẫu BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM nói, có nhiều ngày anh mổ 3 - 4 ca, chủ yếu là nối tay chân, thoát vị đĩa đệm... ca nào cũng khó, nhưng sợ nhất vẫn là kiện tụng từ phía người nhà bệnh nhân.

Ngoài việc bị khiếu kiện do có sự tắc trách của bác sĩ trong quá trình điều trị, không ít thân nhân người bệnh cứ thấy xảy ra chuyện là đâm đơn kiện tụng. Đã có những trường hợp bệnh nhân đưa ra mức đền bù quá sức với bác sĩ như vụ gia đình bệnh nhân đòi Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM bồi thường gần 1,4 tỷ đồng, hay mới đây một Việt kiều Mỹ đòi Bệnh viện Sài Gòn đền bù 85.000 USD vì cho rằng các bác sĩ bệnh viện này đã làm mù mắt của mình.

Bác sĩ Trần C.C cho rằng nếu như những vụ kiện trên không được giải quyết hợp tình hợp lý, bác sĩ không được phân trần đúng sai, không chỉ mình bác sĩ tán gia bại sản mà bệnh viện cũng trở thành con nợ. “Đối với những bệnh viện tư có khi vì danh tiếng mà chịu đền còn bệnh viện công, bác sĩ làm lương không đủ sống thì chỉ có nước... mắc nợ” - bác sĩ Thắng cho biết.

Theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm, mỗi năm Sở Y tế TP thụ lý hàng trăm vụ khiếu nại, tố cáo liên quan bác sĩ. “Ngoài những lá đơn kiện, một số trường hợp, bệnh nhân, thân nhân người bệnh chửi mắng bác sĩ, lợi dụng những rủi ro nghề nghiệp của bác sĩ để trục lợi”- bác sĩ Nghiệm cho biết.

 Bài 3: Bác sĩ “đại gia”

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG