Vì lợi ích chung

Vì lợi ích chung
TP - Ngoài nghị trường, một bộ trưởng, trưởng ngành được coi là “tư lệnh”, là cấp trên của ông giám đốc sở, cục trưởng… 

Họ có thể yêu cầu cấp dưới của mình báo cáo, thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi những người đó được bầu vào Quốc hội, vào phòng họp nghị trường thì đều bình đẳng, không còn chuyện cấp trên, cấp dưới, người trong ngành, ngoài ngành, người địa phương hay ngoài địa phương… Tất cả các đại biểu đều là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.

Nguyên tắc là vậy, song để phân vai, vượt qua “lằn ranh” về “cấp trên”, “cấp dưới”, nội bộ ngành, nhất là đối với những người là đại biểu kiêm nhiệm đang hoạt động, giữ các chức vụ ở các cơ quan hành chính, không phải lúc nào cũng dễ. Thực tế hoạt động tại nghị trường lâu nay cho thấy, các đại biểu hoạt động trong các ngành, lĩnh vực mà mình đang công tác rất “hiếm khi” phát biểu về các hạn chế, tiêu cực của ngành mình. Trường hợp có phát biểu thì cũng thường là báo cáo thành tích, sự nỗ lực vượt khó, gian khổ, chứ “hiếm” nói về hạn chế, nhất là những vụ việc liên quan đến tiêu cực. Tương tự, đại biểu ở địa phương cũng rất ít khi nói về những vụ việc đang gây bức xúc ở địa phương nơi mình ứng cử, công tác. Vì thế, việc đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, một cô giáo ở Nam Định tại phiên thảo luận kinh tế- xã hội tại Quốc hội cách đây 2 ngày nói về sai sót trong quá trình biên soạn sách giáo khoa lớp 1 là câu chuyện “hiếm hoi”. Nói hiếm hoi, bởi bà Thảo hiện đang giữ chức Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Khuyến, tỉnh Nam Định. Những vấn đề mà nữ đại biểu nói đến lại thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của “tư lệnh” ngành mình là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cách đây không lâu, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga kể: “Khóa trước, một đại biểu địa phương chất vấn Bộ trưởng Công Thương. Ngay lập tức trưa đó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này gọi điện nói đại biểu đó gay gắt, phê bình “cháy mặt”. Mà chuyện này không phải hiếm. Đại biểu rơi vào tình trạng đó rất ấm ức”. Câu chuyện bà Nga kể cho thấy, ở đâu đó vẫn còn sự e ngại, cũng như chuyện “cấp trên”, “cấp dưới”. Trước đó, năm 2010, tại diễn đàn Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Đình Xuân, khi đó là Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát tỉnh Tây Ninh cũng từng vượt lên chính mình khi đề nghị Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội xem xét “chỉ số tín nhiệm” đối với người được coi là “tư lệnh” ngành của mình là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trong việc quản lý rừng.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội”. Song để thực hiện được vị trí, vai trò đó đòi hỏi mỗi đại biểu phải vượt qua chính mình, như tâm sự của chính cô giáo Đặng Thị Phương Thảo: “Tôi là con đẻ của ngành giáo dục, tôi thừa hưởng sự giáo dục của nền giáo dục Việt Nam và tôi đang công tác trong ngành giáo dục. 2/3 nội dung trong bài phát biểu của tôi tập trung vào đề xuất giải pháp để cho ngành của mình được tốt hơn, tức là tôi đã phát biểu với tinh thần cầu thị, nhìn thẳng vào vấn đề để phát biểu mang tính chất xây dựng”.  V. K

MỚI - NÓNG