Vị giám hộ của dãy núi

0:00 / 0:00
0:00
Dãy núi Front, Colorado
Dãy núi Front, Colorado
TP - Ngoài ngăn chặn nguy cơ cháy rừng, cô Ashley Farinacci-Silfies còn có một nhiệm vụ đặc biệt khác, đó chính là duy trì tháp canh lửa lịch sử - một trong những tháp cuối cùng còn sót lại trên đất Mỹ.

Tại Devil’s Head, điểm cao nhất của dãy núi Front ở bang Colorado, cô Ashley Farinacci-Silfies đứng trong tháp quan sát của mình, nắm chặt một cặp ống nhòm. “Kia có thể là một ngọn lửa”, cô nói trong khi nhìn chăm chú vào khoảng không. Ngay sau đó, cô nhận ra đó chỉ là bụi đang bay lên, có thể là từ một chiếc xe đạp địa hình. “May mà lần này không phải”.

Để bảo tồn vẻ đẹp của khu rừng, việc canh lửa là rất quan trọng. Được Sở Lâm nghiệp Mỹ tín nhiệm, cô Farinacci-Silfies là lính canh lửa cuối cùng ở dãy Front thuộc rừng quốc gia Pike và tháp Devil’s Head là một trong số ít các tháp canh lửa ở Mỹ vẫn còn hoạt động. Công việc của cô phần lớn đã bị thay thế bởi công nghệ, chẳng hạn như camera 360 độ và máy bay không người lái được trang bị cảm biến nhiệt dùng để phát hiện đám cháy mới.

Tuy nhiên, theo cô Farinacci-Silfies, “Công nghệ không thể thay thế tôi”. Cô chỉ ra rằng các đội dịch vụ rừng đánh giá cao sự linh hoạt mà chỉ con người mới có; khả năng tổng hợp thông tin và phản hồi nhanh cho các đội trên mặt đất là một điều mà “máy bay không người lái không thể làm được”.

Vị giám hộ của dãy núi ảnh 1

Cô Farinacci-Silfies sử dụng công cụ Osborne

Công việc canh lửa của cô Farinacci-Silfies yêu cầu cô phải dành 6 tháng mỗi năm sống trong một cabin bằng gỗ hẻo lánh, nơi mà chỉ có thể đặt chân tới qua một con đường mòn dài 2km trên độ cao 274m. Tuy vậy, cô dành phần lớn thời gian trong tháp canh lửa gần đó. Mỗi ngày (trong mùa cháy rừng, thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11), cô Farinacci-Silfies leo 143 bậc thang lên tháp quan sát của mình để theo dõi các dấu hiệu của khói, thường phát sinh từ lửa trại hoặc sét đánh.

Khi phát hiện ra khói, cô ấy xác định vị trí của đám cháy bằng cách sử dụng công cụ tìm lửa Osborne, một công cụ đo lường được phát triển vào năm 1911 bởi nhân viên Sở Lâm nghiệp Mỹ William Osborne nhằm xác định vị trí của đám cháy. Sau đó, cô ấy sẽ cử đội cứu hỏa đến để ứng phó. Năm ngoái, cô đã phát hiện ra 5 đám cháy trong khu rừng quốc gia.

Do khí hậu khô hạn, dãy Front rất dễ xảy ra cháy rừng. Năm 2020 là năm cháy rừng tồi tệ nhất từng ghi nhận trong lịch sử, với gần 2833km2 diện tích rừng bị thiêu rụi. “Năm ngoái trên dãy phía bắc, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều hoạt động cháy rừng, nhưng ở khu vực bên này thì đỡ hơn”, cô Farinacci-Silfies cho biết. “Gần đây, khu vực này hầu như bình an vô sự”. Mặc dù chưa phát hiện bất kỳ vụ cháy rừng nào không kiểm soát được trong mùa này do mùa hè ẩm ướt bất thường, cô ấy đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho mùa cháy rừng một khi mưa giảm bớt.

Công việc của cô Farinacci-Silfies không chỉ dừng lại ở việc canh lửa. Ngoài việc bảo vệ khu rừng khỏi hỏa hoạn, cô còn chịu trách nhiệm duy trì tháp canh lửa, một trong những tháp nổi tiếng nhất ở Mỹ nhờ cảnh quan tuyệt đẹp và lịch sử độc đáo của nó.

Ngay sau khi Sở Lâm nghiệp Mỹ được thành lập vào đầu thế kỷ 20, bảy tháp canh lửa lớn đã được đặt dọc theo dãy Front để hỗ trợ việc phát hiện các đám cháy rừng. Vào năm 1919, tháp quan sát ở Devil’s Head được xây dựng và tại đây, bà Helen Dowe trở thành nữ canh lửa đầu tiên ở Colorado và thứ hai ở Mỹ, sau bà Hallie Morse Dagger ở California. Vào năm 1951, Đại đội Công binh A đã xây dựng tòa tháp mới, nơi vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay. Trong những năm qua, tháp đã trở nên nổi tiếng ở địa phương do vị trí độc đáo của nó trên đỉnh một mỏm đá granit lớn, với tầm nhìn toàn cảnh ra dãy núi Front. Năm 1991, tháp canh lửa Devil’s Head đã được đưa vào Sổ đăng ký Quốc gia về Địa điểm Lịch sử.

Cô Farinacci-Silfies đã đảm nhận vị trí canh lửa hai năm trước, nối nghiệp ông Billy Ellis, người đã nghỉ hưu ở tuổi 87. Sau 35 năm làm lính canh lửa tại Devil’s Head, ông Ellis đã phát hiện hơn 200 ngọn lửa và leo quãng đường tương đương với việc trèo lên đỉnh núi Everest 43 lần. Nghĩ lại về lịch sử của Sở Lâm nghiệp Mỹ, cô Farinacci-Silfies mỉm cười với thực tế là bây giờ, 100 năm sau khi bà Helen Dowe lần đầu túc trực tại tòa tháp, việc trông coi khu rừng lại một lần nữa được phụ nữ đảm nhiệm.

Vị giám hộ của dãy núi ảnh 2
Tháp canh lửa Devil’s Head

Ngồi vào bàn làm việc trong tháp quan sát của mình, cô suy ngẫm về tác động tàn khốc của cháy rừng có thể gây ra cho môi trường. Cô lưu ý rằng đám cháy Hayman năm 2002, trận cháy rừng lớn nhất bang Colorado, đã thiêu rụi 554km2. Từng đó tương đương với 30% diện tích khu vực “nhìn” của cô Farinacci-Silfies - thuật ngữ chỉ khoanh vùng mà người canh lửa có thể quan sát được từ tháp của họ. Mặc dù không làm việc trong trận hỏa hoạn Hayman, cô Farinacci-Silfies đã biết về sự tàn phá của nó trong những ngày học về quản lý rừng tại Đại học Kent. “Đó là một trong những trận cháy rừng khủng khiếp nhất trong lịch sử bang Colorado”, cô nói.

Bất chấp những rủi ro trong công việc, cô Farinacci-Silfies cảm thấy bảo tồn khu rừng chính là sứ mệnh của cô. Đã thấu hiểu vẻ đẹp của vùng hoang dã từ khi còn nhỏ, cô muốn những người khác cũng tìm thấy niềm vui trong việc đi bộ đường dài và cắm trại, đồng thời coi việc cô giám hộ khu rừng là một cách để bảo vệ môi trường cho mọi người xung quanh.

Khi được hỏi cô ấy yêu thích điều gì nhất khi sống trong rừng, cô Farinacci-Silfies cho biết, “Chỉ đơn giản là thức dậy khi mặt trời mọc và đi ngủ khi mặt trời lặn - và quan sát cách vạn vật thay đổi khi mặt trời di chuyển phía trên các ngọn núi. Tôi rất biết ơn vì được dõi theo dòng chảy nhịp nhàng, liên tục ấy của thiên nhiên”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.