Vì đâu “xoạc cẳng”?

TP - “Xoạc cẳng đợi mùa xuân” là tiêu đề gây ấn tượng (cả tốt lẫn xấu) của cuốn sách tập hợp 50 truyện ngắn mini viết về cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới).

50 tác phẩm được chọn từ cuộc thi viết truyện ngắn mini “Cầu vồng sáu sắc” về cộng đồng LGBT do Trung tâm CSAGA tổ chức, Alphabooks ấn hành. Buổi ra mắt sách diễn ra chiều 4/7 tại Viện Goethe Hà Nội. Trong ban giám khảo cuộc thi có nhà văn Lê Minh Khuê và nhà phê bình Chu Văn Sơn.

Đồng tính đâu chỉ là ẩn ức tình dục

“Có nhất thiết tiêu đề sách về người đồng tính là phải có liên hệ đến tình dục và gây sốc?” là thắc mắc của một số người khi nghe tiêu đề này, trái lại, nhiều độc giả trên Facebook của Alphabooks lại nhận xét đây là tiêu đề rất hay.

Tên sách gợi liên tưởng đến tình dục như một khao khát chưa được thỏa mãn, lấy từ một câu văn trong truyện ngắn Ma làng (tác giả Nguyễn Đức Lợi, đoạt giải Ba cuộc thi) trong cuốn sách: “Mỷ nốc rượu ngô và kéo thuốc lào khoan thai như một chú rể, rồi ngồi xoạc cẳng đợi đến mùa xuân”.  

Vì đâu “xoạc cẳng”? ảnh 1

Theo Lê Minh Khuê, bà không hẳn đồng tình với tiêu đề sách này. “Tôi hơi ngạc nhiên” - nhà văn nói. “Nhưng tôi hiểu rằng cái tên này có lợi cho việc bán sách. Tôi chỉ sợ rằng nó sẽ gây khó chịu. Nhiều truyện ngắn trong sách rất lãng mạn, nhẹ nhàng, mô tả tình yêu đồng tính rất đẹp về khía cạnh tinh thần, không nhất thiết phải gắn với tình dục, nhưng tên sách lại quá mãnh liệt”.

“Chúng tôi muốn một cái tên không hiền lành, thể hiện được độ mạnh mẽ và quyết liệt của cộng đồng LGBT trong cuộc đấu tranh vì quyền lợi của mình” - bà Vân Anh, Giám đốc CSAGA - giải thích. 

“Truyện Ma làng kể về một cô gái dân tộc muốn chuyển giới thành đàn ông. Người đàn ông không ngồi khép chân rón rén như một phụ nữ mà thường “xoạc cẳng” ngang tàng. Quá trình chuyển giới của cô là quá trình đi tìm bản dạng giới đầy gian khổ, vì thế từ “xoạc cẳng” thực ra rất phù hợp” - bà Quế Anh, Phó Giám đốc Alphabooks đưa quan điểm từ góc độ nhà làm sách.

Không có chỗ cho định kiến 

Theo bà Vân Anh, tất cả những truyện ngắn có tính định kiến đều đã bị loại ngay từ vòng sơ khảo, bởi những người thuộc cộng đồng LGBT cũng có mặt trong ban sơ khảo.

Nếu vậy, cuốn sách khi ra đời có thể dẹp tan định kiến? Tác giả Đậu Sĩ Nguyên bày tỏ: “Hiện có rất nhiều sách về đồng tính được xuất bản. Theo tôi, đòi hỏi một cuốn sách có thể thay đổi cả xã hội là điều không tưởng. Trái lại, cũng có những hành động đơn lẻ mang đến tác động lớn không tưởng. Mỗi một người thay đổi định kiến về người đồng tính cũng là một đóng góp vào sự tiến bộ”.

Lê Minh Khuê cho rằng: “Người đọc sách trong xã hội Việt Nam không nhiều. Người đọc cuốn sách này cũng không phải là số đông. Trong số những người tìm đọc cuốn này, nếu có một nửa trở lên thông cảm và ngừng định kiến về người đồng tính, đã là tốt rồi”.

Từ việc ban đầu mô tả cộng đồng LGBT như một nhóm người cá biệt, đầy bi kịch, ẩn ức, đến nay, sách về LGBT hướng đến mô tả họ là một cộng đồng “bình thường” (từ dùng của Lê Minh Khuê). Cũng theo nhà văn, đó chính là một xu hướng tiến bộ không chỉ trong văn học mà còn trong nhận thức xã hội.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.