Vết lõm hình phễu trên sao Hỏa có thể mang dấu hiệu sự sống

Vết lõm được phát hiện trên sao Hỏa có thể hình thành do tương tác giữa dung nham và băng, tạo ra môi trường chứa nước và chất dinh dưỡng hóa học, thích hợp cho sự sống.
Vết lõm Hellas trên sao Hỏa có thể mang dấu hiệu sự sống. Ảnh: Joseph Levy/NASA.

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Icarus hôm 2/11, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Texas, Mỹ tiết lộ một vết lõm với hình dạng khác thường trên sao Hỏa có thể mang dấu hiệu sự sống. 

"Chúng tôi chú ý tới địa điểm này bởi nó dường như chứa một vài thành phần chính cho sự sống là nước, nhiệt độ và chất dinh dưỡng",  Joseph Levy, nhà nghiên cứu tại Viện Địa vật lý thuộc Đại học Texas, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Vết lõm nằm bên trong hố trên mép lòng chảo Hellas của sao Hỏa. Nó được bao quanh bởi lớp trầm tích băng hà cổ đại. Levy phát hiện vết lõm lần đầu tiên vào năm 2009, khi ông chú ý tới dấu hiệu giống vết nứt trong ảnh chụp của tàu vũ trụ Mars Reconnaissance Orbited. Chúng trông giống các lòng chảo băng được tạo ra do núi lửa phun trào dưới lớp băng đá ở Iceland và Greenland. Một vết lõm khác ở vùng Galaxias Fossae của sao Hỏa cũng có hình dạng tương tự.

"Chúng là những vết nứt đồng tâm trông giống mắt bò. Đây là kiểu cấu trúc có thể thấy trên Trái Đất", Levy nhận xét.

Nhóm nghiên cứu của ông sử dụng hình ảnh lập thể để xác định vết lõm được tạo ra do hoạt động núi lửa dưới lòng đất làm tan chảy băng trên bề mặt hay do va chạm với tiểu hành tinh. Timothy Goudge, nghiên cứu sinh sau tiến sỹ tại Viện Địa vật lý, đã sử dụng cặp hình ảnh có độ phân giải cao để tạo ra mô hình số của vết lõm, từ đó phân tích sâu hơn về hình dạng và cấu trúc của nó.

Các phân tích chỉ ra hai vết lõm có hình phễu khác thường với chu vi rộng bên ngoài rồi thu hẹp dần khi vào sâu.

"Điều này khiến chúng tôi ngạc nhiên và đặt nghi vấn về việc có sự nóng chảy tập trung ở trung tâm, làm tan chảy lớp băng và khiến các vật thể tràn vào từ hai bên. Ngoài ra, một giả thiết khác đó là hố va chạm hiện nay bắt nguồn từ một hố nhỏ hơn nhiều trong quá khứ. Kích thước của hố được mở rộng sau khi lớp băng thăng hoa, tức là quá trình chuyển biến trạng thái trực tiếp từ thể rắn qua thể khí", Levy giải thích.

Nhóm nghiên cứu suy đoán hai vết lõm có thể được hình thành theo cách khác nhau. Các mảnh vỡ rải rác xung quanh vết lõm Galaxias Fossae cho thấy nó có thể là kết quả của một cú va chạm. Ngược lại, vết lõm Hella mang nhiều dấu hiệu về nguồn gốc hình thành từ núi lửa. Nó có kiểu khe nứt liên quan tới sự biến mất của băng do tan chảy hoặc thăng hoa.

Theo Levi, các nhà khoa học khi tìm kiếm môi trường sống trên sao Hỏa cần chú ý đến vết nứt Hellas và vết nứt Galaxias Fossae.

"Sự tương tác giữa dung nham và băng để hình thành vết lõm là một phát hiện thú vị bởi nó có thể tạo ra môi trường chứa nước và các chất dinh dưỡng hóa học, hai nguyên liệu cần thiết cho sự sống trên Trái Đất", Levi nói.

Theo Theo VnExpress