Vết chàm và núi lửa

Dạy trẻ tự kỷ bằng đánh đập- vụ bạo hành trẻ em mới nhất
Dạy trẻ tự kỷ bằng đánh đập- vụ bạo hành trẻ em mới nhất
TP - Khi làm vệ sinh cho Alex- con cặp vợ chồng gốc Việt tại Frankfurt (Đức) trong ngày đầu đến trường, cô bảo mẫu hốt hoảng phát hiện những vết xanh xanh ở mông và lưng. Lập tức nhân viên của tổ chức bảo vệ trẻ em xuất hiện, cha mẹ bị triệu tập, bác sĩ nhi ra tay giám định vết thương...

Chắc nhiều người Việt bật cười “Vết chàm mà, bọn Tây chỉ gây chuyện”. To chuyện thật. Bác sĩ nhi phải viết giấy cam đoan nhiều trẻ em gốc Á có hiện tượng bị chàm như vậy, bố mẹ bé Alex mới được yên. Cặp vợ chồng đó là bạn tôi.


Trong cộng đồng người Việt ở châu Âu, dân mới định cư khoe vừa sắm được cái roi để dạy con, lập tức kẻ có kinh nghiệm khuyên phải “xử” kín trong nhà, cấm để hàng xóm nhìn thấy, mất toi quyền làm bố mẹ. 

Đọc tin quê nhà về chuyện bảo mẫu bạo hành trẻ nhỏ, dạy trẻ tự kỷ bằng khúc cây... mới thấy nỗi khổ muôn màu làm sao. Phụ huynh nước mình lo con đến trường bị bạo hành, phụ huynh bên này lo bị nhà trường tố bạo hành con cái. 

Trong số bạn bè gốc Việt của tôi ở Bỉ, có hai người làm nghề bảo mẫu. Một người kể “Đâu dám đánh con người ta, nhưng con mình láo phải đánh. Có lần thằng lớn 8 tuổi hét: Má đánh tôi gọi pô- lít (cảnh sát) liền. 

À, nó dám lôi pô-lít ra dọa. Mày có giỏi cứ gọi pô-lít đến đây cho tao vô tù. Tao vô tù còn sướng hơn sống với đứa con hư. Rồi coi ai nấu ăn cho mày, ai chăm lúc ốm đau. Im liền”. 

Người bạn khác mới nhận hợp đồng làm bảo mẫu vài tháng đã gặp chuyện: “Bé gái 6 tuổi đó nghịch lắm, trèo tuốt lên cái cột cao. Sợ bé ngã nên mình la hét, bế xuống. Lúc giằng co móng tay hơi dài của mình hằn lên người bé. Hôm sau phụ huynh trách liền. Phải xin lỗi ngay và giải thích. Họ hiểu ra nên cũng không mách hiệu trưởng nữa”.

Vậy thì kể đi, về tính ưu việt của hệ thống giáo dục, đặc biệt hệ mẫu giáo châu Âu xem nào. 

Có lần tôi khoe với em gái “Chị Kate ngày nào cũng báo cáo mẹ em Tô hôm nay ăn nhiều hay ít, có bị phạt đứng góc lớp hay không”. Em gái tôi tròn mắt “Sao đứa lớp 5 biết đứa mẫu giáo ăn gì”, “Tiểu học và mẫu giáo chung trường, ăn chung bếp. Người ta còn cắt cử học sinh ngoan lớp 5, 6 thỉnh thoảng chơi chung với các em mẫu giáo. Cũng là cách giám sát tinh tế”. 

Bảo mẫu chứ đâu phải phù thủy hò hét đánh đập bắt trẻ ăn hết suất. Có biết bao hình phạt khác, ví như không ăn ít nhất nửa suất cơm sẽ không được chơi, đứng góc lớp... 

Và cô giáo không thể là mẹ hiền nếu phải gánh lớp quá đông. Có cụm từ báo chí ta dùng nhiều đến mức quá tải. Thì đó chính là “quá tải”. Ở Bỉ và Đức, hệ mẫu giáo cứ quá 20 em phải chia lớp, lớp hơn 15 em cần 2 bảo mẫu, lớp 30 em- 3 bảo mẫu. Bạn tôi làm bảo mẫu ở Brussels được thuê 12 Euro/giờ chỉ để trông trẻ trong 1 giờ 15 phút ăn trưa.

Tức là buổi trưa giáo viên mẫu giáo và tiểu học được nghỉ ngơi, việc trông nom ăn uống giao nhóm bảo mẫu khác. Đơn giản đó là cách một xã hội phát triển phân công lao động và nhận thức về nhân quyền.
Người bạn bảo mẫu gốc Việt bật cười nhớ lại ngày đầu đi làm, chồng Tây dặn ngay “Không được đánh trẻ con đâu đấy”. Chắc biết người Việt có câu “yêu cho roi vọt, ghét cho ngọt bùi”?
Có khi nào chúng ta tự hỏi sao mình bạo lực thế, ai cũng như sẵn có núi lửa trong lòng. Ra đường chỉ va chạm nhẹ là chém giết nhau như chơi, trẻ nhỏ không ăn bảo mẫu lao vào quát tát... 

Ở châu Âu, làm mẹ là một nghề. Chính phủ Đức khuyến khích các bà mẹ ở nhà với con trong 9 năm đầu cuộc đời, vì lương người chồng kèm trợ cấp trẻ em có thể đảm bảo đời sống cả gia đình. 

Đằng này, sinh con ra mà không có thời gian thư giãn chuyện trò, thơm nựng ôm ấp. Con bị đánh đập ở trường cũng chẳng biết, nói gì vết móng tay hằn trên da trẻ mịn mềm. 

Những đứa bé bị bạo hành phần nhiều là con công nhân khu chế xuất, người nghèo... Còn với bảo mẫu, đồng lương tối thiểu và kiến thức thu nạp liệu có đủ giúp họ sống một cách kiên nhẫn, hiểu biết. 

Quẩn quanh vẫn một vòng xoáy tăm tối, lầm than. Vết chàm theo thời gian mờ đi, nhưng núi lửa mãi âm ỉ, phun trào bất cứ lúc nào. Chỉ nghĩ thôi cơn giận đã kéo lên bừng bừng rồi.

MỚI - NÓNG