Vedan cò kè, người dân bức xúc

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Đoàn Văn Sơn: “Chúng tôi đang lưu giữ nhiều chứng cứ quan trọng và sẽ đưa ra vào dịp thích hợp”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Đoàn Văn Sơn: “Chúng tôi đang lưu giữ nhiều chứng cứ quan trọng và sẽ đưa ra vào dịp thích hợp”.
TP - Theo đề nghị của Cty TNHH Vedan VN, sáng 22-7, Hội Nông dân TPHCM và UBND huyện Cần Giờ tiếp tục làm việc với Cty này để thống nhất mức hỗ trợ cho hơn 800 hộ nông dân địa phương bị thiệt hại do Vedan xả nước thải hủy hoại môi sinh sông Thị Vải.

>> Đồng Nai quá chậm khi giúp dân đòi Vedan bồi thường

>> Nhiều đơn vị hỗ trợ nông dân kiện Cty Vedan

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Đoàn Văn Sơn: “Chúng tôi đang lưu giữ nhiều chứng cứ quan trọng và sẽ đưa ra vào dịp thích hợp”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Đoàn Văn Sơn: “Chúng tôi đang lưu giữ nhiều chứng cứ quan trọng và sẽ đưa ra vào dịp thích hợp”..

Theo đại diện Vedan, đối với việc còn tranh cãi là xác định mật độ, trọng lượng thủy sản bình quân mỗi ki lô mét vuông (km2), hiện chưa có tài liệu nào khảo sát mật độ cá trên sông Thị Vải. Vì vậy Vedan đã tính toán dựa theo số liệu của... sông Hồng và sông Mê Kông. “Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 cho rằng Vedan ước tính mật độ cá trên sông Thị Vải 14,9 tấn/km2 (147,9 kg/ha) là hợp lý” - đại diện Vedan khẳng định.

Lấy lý do khảo sát hiện trường mất nhiều thời gian, ông Yang Kun Hsiang, Tổng giám đốc Vedan cho biết, Vedan đồng ý nâng mức giá thủy sản bình quân từ 21 nghìn đồng/kg như trước lên 45 nghìn đồng/kg theo đề nghị của người dân. Tổng mức thiệt hại của nông dân TPHCM theo cách tính lần này là khoảng từ 12 - 20 tỷ đồng. Do đó, phía Vedan đề nghị nâng số tiền hỗ trợ lên 16 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Nguyễn Văn Phụng bức xúc: Chúng ta gặp gỡ để xác định tinh thần trách nhiệm cao nhất chứ không phải để mặc cả, trả giá. TPHCM đã tỏ thiện chí, kiên nhẫn làm việc nhiều lần nhưng phía Vedan lại cò kè, mặc cả từ 7 tỷ đồng lên 12 tỷ rồi bây giờ là 15-16 tỷ. Người dân Cần Giờ rất bức xúc vì thời gian đã kéo quá dài.

“Vedan niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Hồng Kông. Nhiều nhà đầu tư rất quan tâm đến sự việc này và chỉ trích hoạt động của Vedan VN” - Ông Yang Kun Hsiang than vãn.

Không nhân nhượng

Đại diện Vedan lúng túng khi UBND huyện Cần Giờ bất ngờ trưng ra hồ sơ, tài liệu mới. Ông Đoàn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Chúng tôi đang lưu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng và sẽ đưa ra trong dịp thích hợp, trong đó có cả tài liệu về sản lượng đánh bắt thủy sản của huyện vào năm 1973.

Theo ông Sơn, mức độ thiệt hại của huyện Cần Giờ đưa ra áp dụng phương pháp tính toán của chính Vedan về mật độ cá, sản lượng đánh bắt. Trong hai năm Vedan xả thải trộm (2007 – 2008) và hai năm Vedan ngưng xả (2009-2010), sản lượng đánh bắt tại xã Thạnh An dao động từ 3.300 - 5.700 tấn/năm. “Các vị phải công nhận vì con số này là thực tế và chứng cứ pháp lý. Vedan đã làm chúng tôi mất quá nhiều thời gian vô bổ. Có những sự việc từ sai phạm trở nên tốt đẹp hơn nếu được khắc phục kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao nhất” - Ông Sơn lưu ý.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM kiên quyết: Đây là cuộc họp cuối cùng. Chúng tôi sẽ không bàn nữa. Cần Giờ đưa ra con số cuối cùng là 45,7 tỷ đồng.  

Ông Nguyễn Văn Phụng lưu ý: Vedan căn cứ kết quả của Viện Tài nguyên Môi trường (TNMT), cho rằng TPHCM không có vùng M (chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc xả thải) là không chính xác. Viện TNMT sử dụng bản đồ cũ, khi đó xã Thạnh An (TPHCM) còn thuộc tỉnh Đồng Nai.

Sau khi hội ý riêng, ông Yang Kun Hsiang cho biết do không có thời gian đọc hồ sơ do UBND huyện Cần Giờ cung cấp nên tại cuộc họp này, Vedan chỉ chấp nhận mức hỗ trợ 16 tỷ đồng. “Chúng tôi xin phép thêm một tuần nữa để chuẩn bị, xem xét tài liệu mới và sẽ có công văn chính thức gởi UBND TPHCM”- Ông Yang Kun Hsiang cam kết.

Ông Nguyễn Văn Phụng khẳng định: Hội Nông dân sẽ báo cáo xin ý kiến của người dân và ngay trong tháng 7-2010 sẽ chuẩn bị phương án giúp nông dân tiến hành các thủ tục khởi kiện vì không đạt được tiếng nói chung. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.