Khuất tất ở <A href="http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=7537" resizable="yes" toolbar="yes" titlebar="yes" scrollbars="yes" menubar="yes" statusbar="yes" location="yes">Dự án sản xuất ô tô tải lớn nhất VN</A>:

VEAM đã “qua mặt” Bộ Công nghiệp và Chính phủ?

VEAM đã “qua mặt” Bộ Công nghiệp và Chính phủ?
Ba lần điều chỉnh dự án, từ 320 tỷ đồng đã vọt lên 599,589 tỷ đồng. Đằng sau con số này là cả một câu chuyện hết sức phức tạp...

Như số báo trước chúng tôi đã đề cập, dự án mua thiết bị nhà máy ô tô SAMSUNG của VEAM đã có nhiều dấu hiệu khuất tất. Cho dù đến thời điểm này, nhà máy đã được tháo dỡ, chuẩn bị chuyển về  Việt Nam, nhưng xung quanh dự án đầu tư nhà máy cũng có nhiều vấn đề cần phải  được xem xét.

“Phù phép” cho dự án!

Vào ngày 18/7/2004, trong lễ động thổ xây dựng nhà máy ô tô Thanh Hoá, ông Tổng GĐ VEAM đã long trọng tuyên bố: “Sau 18 tháng nữa sẽ đưa nhà máy vào sản xuất, cung ứng ô tô cho thị trường Việt Nam, các nước Đông Nam Á và Hàn Quốc. Khi nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô có hiệu quả, VEAM sẽ bán 49% cổ phần của nhà máy một cách rộng rãi...”.

Ban đầu dự án nhà máy ô tô Thanh Hoá có tổng vốn đầu tư là 320 tỷ đồng (PA1) được chia làm 2 giai đoạn, với diện tích mặt bằng 16 ha, công suất 12.000 xe/năm. VEAM đã được trình dự án này lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công nghiệp và Bộ Kế hoạch Đầu tư vào ngày 30/6/2003. Đây là dự án thuộc nhóm B nên thuộc thẩm quyền của Bộ Công nghiệp quản lý.

Do trúng thầu mua được nhà máy xe tải SAMSUNG, nên VEAM đã quyết định sẽ chỉ đầu tư 1 lần để chuyển hầu hết nhà xưởng và thiết bị của nhà máy này về Thanh Hoá lắp đặt. Vì thế, tháng 5/2004, VEAM điều chỉnh dự án (PA2), tăng tổng vốn đầu tư lên 462,46 tỷ đồng, với diện tích mặt bằng lên 28,72 ha và nâng tổng công suất hàng năm lên tới 33.000 xe.

Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau đó (9/2004), với lý do giá cả thay đổi, VEAM  lại điều chỉnh dự án một lần nữa (PA3), tăng tổng vốn đầu tư lên tới 599,589 tỷ đồng  nhưng vẫn giữ nguyên diện tích mặt bằng và công suất hàng năm như PA2. Tuy nhiên, PA 3 chưa phải là PA cuối cùng vì trên thực tế, VEAM chưa thể kiểm soát được mức leo thang giá ở nhiều công đoạn.

Theo dự án: Chi phí mua nhà xưởng, thiết bị nhà máy ô tô SAMSUNG theo hợp đồng ký ngày 3/6/2004 là: 12.315.164 đô la. Trong đó phần nhà xưởng, thiết bị về Thanh Hoá là 11,3 triệu đô la, tương đương gần 178 tỷ đồng. Vậy nhưng chi phí cho tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt, bảo dưỡng nhà máy tại Thanh Hoá lên đến 318 tỷ đồng.

“Qua mặt” Bộ Công nghiệp và Chính phủ?

Đằng sau con số 599,589 tỷ đồng tổng mức đầu tư PA 3 của dự án có thể ẩn chứa nhiều điều tế nhị. Vì rằng nó chưa đến “độ” 600 tỷ để cần đến cấp Chính phủ phê duyệt dự án. Phải chăng số vốn đầu tư cho dự án buộc phải nằm dưới ngưỡng  600 tỷ đồng? Trong khi đó dự án vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế và tính khả thi cao?

Xem xét dễ dàng nhận thấy dự án lộ ra những con số khập khiễng. Ví như vốn lưu động:  PA1 và PA2 đều là 45 tỷ đồng mặc dù tổng vốn đầu tư PA 2 đã tăng lên gần gấp rưỡi, và công suất hàng năm  được  tăng lên tới 2,75 lần!  Đặc biệt, điều vô lý đã thể hiện rõ ở PA3.  Trong lúc PA 3 có tổng mức đầu tư gần gấp đôi so với PA1 ( tăng trên 100 tỷ đồng so với PA 2) giữ nguyên công suất như PA2 nhưng vốn lưu động của dự án lại bị “tụt” xuống chỉ còn 15 tỷ (!). Vậy mà hiệu quả dự án vẫn được khẳng định là sẽ cao (?).

VEAM đã “qua mặt” Bộ Công nghiệp và Chính phủ? ảnh 1
Một phân xưởng sản xuất ô tô tải tại Hàn Quốc

Theo ý kiến của một số chuyên gia ngành ô tô thì vòng quay vốn lưu động của một doanh nghiệp lắp ráp ô tô của Việt Nam ở mức cao nhất chỉ có thể là từ 2,5 đến 3 vòng. Như vậy, doanh nghiệp lắp ráp ô tô cần phải có vốn lưu động tối thiểu là bằng 33% đến 40% tổng chi phí hàng năm, còn nếu so với tổng doanh thu hàng năm thì tỷ lệ này tối thiểu phải là 27%-30% thì mới có thể vận hành bình thường. Vậy mà tỷ lệ vốn lưu động của dự án mới đạt 11,9% so với tổng doanh thu năm thứ nhất và đạt  14,4% vào năm thứ 10 khi sản xuất đã ổn định.

Về vốn cố định nếu xem xét kỹ cũng có thể thấy rất ngỡ ngàng vì nhiều khoản đầu tư tối thiểu đã không được đưa vào dự án. Trong PA3 đang được VEAM triển khai, dự kiến sẽ sản xuất 3 loại sản phẩm gồm 2 mẫu xe tải nhẹ 1 tấn và 1,2 tấn (do VEAM tự thiết kế theo mẫu xe SAMSUNG), 5 mẫu xe tải nặng từ 6 tấn đến 15 tấn (chuyển giao công nghệ từ tập đoàn MAZ và DAEWOO) và 1 mẫu xe buýt 45 chỗ ngồi (VEAM tự thiết kế lại theo mẫu của YUTONG Trung Quốc).

Các sản phẩm này lại được sản xuất với tỷ lệ nội địa hoá trên 45% chỉ sau 3 năm. Như vậy, yêu cầu phải có đầu tư khá lớn. Chỉ riêng một hệ thống khuôn dập để sản xuất cabin cho một kiểu xe tải cũng đã tới hàng triệu USD. Đặc biệt, để lắp ráp xe buýt thì không thể thiếu các trang bị công nghệ đặc chủng cho dây chuyền lắp ráp thân vỏ xe buýt gồm hệ thống gá hàn, thiết bị căng tôn và nhiều loại trang bị chuyên dùng khác nữa mà nhà máy SAMSUNG gốc cũng không có, cần phải được đầu tư mới hoàn toàn.

Ước tính nếu muốn bổ sung đủ các trang thiết bị tối thiểu như đã kể trên thì sẽ cần đầu tư thêm nhiều chục tỷ đồng nữa. Nhưng ai cũng biết nếu đưa thiết bị này vào tổng vốn đầu tư của dự án không thể dưới mức giới hạn 600 tỷ? Và quyền “quyết” đầu tư dự án không thuộc HĐQT của VEAM nữa. Phải chăng mục tiêu của VEAM là ép dự án dưới 600 tỷ đồng (dự án thuộc nhóm B) để Tổng Cty vẫn được ủy quyền tự thẩm định và tự quyết định đầu tư? 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.