Về từ vùng dịch Ebola, bệnh nhân uống hạ sốt lọt qua 4 sân bay

TP - Thật khó có thể hình dung được, một người bị sốt trở về từ vùng đại dịch bùng phát lại có thể uống hạ sốt, đi qua 4 sân bay quốc tế dễ dàng như trường hợp anh Ch.
Bênh nhân Ch. đang được điều trị sốt rét ở BV Đà Nẵng. Ảnh Nam Cường.

Hôm qua (3/11), PV Tiền Phong đã gặp trực tiếp anh Chu Văn Ch.,  được anh kể lại toàn bộ hành trình từ đất nước Guinea cho đến khi nhập viện ở Đà Nẵng. Trước đó, chúng tôi cũng tiếp xúc với BV Hoàn Mỹ (Đà Nẵng), sân bay quốc tế Đà Nẵng… Thật khó có thể hình dung được, một người bị sốt trở về từ vùng đại dịch bùng phát lại có thể uống hạ sốt, đi qua 4 sân bay quốc tế dễ dàng như vậy.

Anh Ch. hiện đang được điều trị ở khoa Truyền nhiễm BV Đà Nẵng. Xác nhận hôm qua, BS Trần Ngọc Thạnh - Giám đốc BV Đà Nẵng cho biết đã dỡ bỏ tình trạng cách ly, chuyển qua chế độ bình thường đối với bệnh nhân này.

Qua mọi cửa dễ dàng

Hành trình trở về từ Guinea của anh Ch. bắt đầu từ ngày 27/10, ngày 31/10 thì tới sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) và ra Đà Nẵng, nhập viện lúc 10h30 sáng 1/11. Tính tổng cộng, kể từ khi bị sốt, anh Ch. đi qua 4 sân bay quốc tế cả nước ngoài lẫn Việt Nam. Khi từ Guinea đến Maroco và quá cảnh ở sân bay Casablanca, anh Ch. cùng mọi người buộc phải chờ hơn 2 ngày 2 đêm vì các hãng bay trễ chuyến. Trong thời gian ở sân bay quốc tế Casablanca, anh Ch. cảm thấy mệt mỏi và choáng váng vì bị sốt.

Tuy nhiên, dịch vụ ở sân bay này không cho phép anh có thể khám, chữa bệnh trong thời gian ngắn, đành phải mua thuốc đau đầu, hạ sốt uống liên tục. “Ở sân bay này đi lại khó khăn, có tiền cũng chưa chắc tìm được chỗ mà ăn, nước uống thì thiếu. May có tiệm thuốc tôi mua được Paracetamol”. Tuy nhiên, qua cửa ở Casablanca cũng như quá cảnh ở sân bay quốc tế Doha (Quatar), máy soi chiếu vẫn không thể phát hiện thân nhiệt của anh Ch.

Về tới sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, một lần nữa máy đo thân nhiệt vẫn không phát hiện vấn đề gì đối với hành khách Chu Văn Ch. “Khi đi qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, tôi cảm thấy khỏe nên không khai báo gì, vả lại trong hộ chiếu ghi rõ các nơi tôi đã dừng chân. Ở tờ khai y tế tôi cũng ghi rõ” - anh Ch. cho biết.

Về đến TPHCM, anh Ch. bắt đầu mệt mỏi nhưng vẫn bay được từ Tân Sơn Nhất ra Đà Nẵng. “Tại sân bay Đà Nẵng, tôi đi qua đường nội địa khá dễ dàng, chỉ cần xuất trình chứng minh thư”.

Sau thời gian ngắn ở Đà Nẵng thăm người thân, bạn bè, sáng 1/11, anh Ch. sốt cao, đau đầu dữ dội nên nhập BV Hoàn Mỹ (Đà Nẵng). Lúc này, câu chuyện mới bắt đầu phức tạp…

Nơi điều trị của bệnh nhân Ch. vẫn đang được cách ly

Lực lượng giám sát lơ là?

Giám đốc BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng, BS Phan Nguyễn Cẩm Thạch cho hay, đến bây giờ, cả bệnh viện mới thở phào vì kết quả âm tính với virus Ebola của bệnh nhân Ch. Mấy ngày qua, BV rất căng thẳng, đặc biệt là từ khi tiếp nhận bệnh nhân Ch., đến khi chuyển sang BV Đà Nẵng theo quy trình xử lý của Bộ Y tế. “May mà BS của chúng tôi xét nghiệm, điều tra dịch tễ sớm, không thì tình hình còn phức tạp hơn nhiều” - BS Thạch cho biết.

Theo BS Lê Thành Quyền (khoa Cấp cứu BV Hoàn Mỹ), khi nhận bệnh, anh Ch. sốt đến 40,5 độ. Xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu giảm xuống 4.300 (mức bình thường 5 - 10 ngàn), tiểu cầu giảm còn 28.000 (mức bình thường 150.000-400.0000).

“Cầm tờ xét nghiệm, tôi biết là ca này rất nặng và bất thường” - BS Quyền kể. Tuy nhiên, khi làm tờ khai nhập viện cũng như trong thời gian xét nghiệm, theo lời kể của BS Quyền, anh Ch. vẫn không khai mình ở đâu về, chỉ nói có ở sân bay Doha của Quatar. “Tôi thấy bất thường, cần phải điều tra ngay thông tin dịch tễ, liền gọi anh bạn của Ch., hỏi. Anh này lúc đó mới hoảng lên, khai thật về những nơi anh Ch. sống và làm việc”.

Khoảng 20 phút sau khi có xét nghiệm và thông tin từ bạn anh Ch., BS Quyền một mặt báo cáo ban giám đốc BV cho cách ly tất cả khoa cấp cứu, chuyển các bệnh nhân khác ra ngoài, một mặt điều tra tiếp từ Ch. Lúc này, anh Ch. tường thuật lại quá trình di chuyển, tiền sử bệnh.

“Trường hợp này thuộc về lực lượng ở sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu máy soi chiếu không phát hiện thì khi làm thủ tục, làm tờ khai y tế, các ngành chức năng biết anh ta từ vùng có dịch, trước đó bị sốt và phải thông báo ngay cho chính quyền. Từ đây, ngành y tế TPHCM sẽ thông báo cho các địa phương, cụ thể ở đây là Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng có biện pháp theo dõi, xử lý”.

BS Phạm Văn Hưng

“Bệnh nhân rất bình tĩnh và nói không bị Ebola, chỉ sống và làm việc nơi có dịch sốt rét đang bùng phát, cách vùng Ebola bùng phát 300km. Anh ta bị sốt ở Maroco, uống hạ sốt và qua các sân bay quốc tế” - BS Quyền kể.

Trong vòng 1 tiếng, 17 người tiếp xúc với bệnh nhân Ch. đã được thông báo và theo dõi đặc biệt. “Thậm chí có nhiều anh em không dám về nhà, tắm rửa ngày mấy lần. Còn phòng cấp cứu lập tức niêm phong, tẩy rửa 5 lần”, BS Phan Nguyễn Cẩm Thạch cho biết.

BS Phạm Văn Hưng - Phó trưởng khoa phụ trách kiểm dịch Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế (sân bay Đà Nẵng) cho hay, với trường hợp của Ch., anh ta qua cửa sân bay Đà Nẵng bằng đường nội địa nên không có máy đo thân nhiệt từ xa.

“Trường hợp này thuộc về lực lượng ở sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu máy soi chiếu không phát hiện thì khi làm thủ tục, làm tờ khai y tế, các ngành chức năng biết anh ta từ vùng có dịch, trước đó bị sốt và phải thông báo ngay cho chính quyền. Từ đây, ngành y tế TPHCM sẽ thông báo cho các địa phương, cụ thể ở đây là Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng có biện pháp theo dõi, xử lý”.

Còn Phó GĐ Sở Y tế Đà Nẵng, BS Ngô Thị Kim Yến cho rằng, qua trường hợp này, việc duy trì và giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu phải được thực hiện nghiêm, đặc biệt là việc làm tờ khai y tế. Cần sự phối hợp của các tỉnh có cửa khẩu đường bộ, hàng không hay cảng biển, áp dụng tờ khai y tế. Phải có thông tin trao đổi, khi đó giám sát ở cộng đồng được tốt hơn. Khi có dấu hiệu sốt họ phải đảm bảo bệnh của mình và cho những người tiếp xúc, yếu tố dịch tễ, đường lây…