Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
Chưa thấy Lê Minh Châu có ý định viết tự truyện nhưng nếu anh viết tự truyện, chắc hẳn đó sẽ là cuốn sách đáng để người trẻ đọc. Một chàng trai lớn lên tại làng Hòa Bình, một nạn nhân chất độc da cam, do người mẹ uống nước từ dòng sông bị nhiễm độc, để lại trên cơ thể những khuyết tật nặng nề đã viết nên một phần đời đẹp như một bài ca, mang lại cho người theo dõi và thưởng thức bài ca ấy niềm tin mãnh liệt: Di chứng của chiến tranh không thể thiêu hủy khát vọng, nghị lực sống của một con người.
Tôi hỏi Lê Minh Châu: Có bao giờ bạn oán trách số phận? Châu đáp: “Chưa bao giờ tôi kêu ông trời tại sao con sinh ra không có một thân hình lành lặn như những người bình thường…. Hồi vào lớp một, bị ngó nhìn và bị trêu ghẹo, khiến Châu mặc cảm. Nhưng nhờ sự động viên của cô “người nuôi ở Làng” thì Châu đã mạnh mẽ hơn, từ đó bỏ ngoài tai mọi lời trêu chọc để hòa nhịp với bạn bè. Không ngờ các bạn chào đón tôi như những người bạn, không e ngại sự khiếm khuyết”.
Lời khuyên của Châu với những người có hoàn cảnh như mình: “Mặc cảm, tự ti rất khó sống. Mạnh mẽ và bỏ ý nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu, hòa nhập như một người bình thường bạn sẽ thấy một cuộc đời tươi đẹp”. Châu vẽ tranh thâu đêm nhưng vẫn dành khoảng thời gian rảnh quì trên ghế ngắm đêm Sài Gòn qua ô cửa lớn. Lãng mạn hóa cuộc đời chật chội, để những giấc mơ đươc bay lên, hóa thành hiện thực.
Châu ra khỏi làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) khi mới bước qua tuổi 17. Anh làm đủ nghề để sống, đều là những nghề chân chính. Rồi anh cũng mở được một phòng tranh của riêng mình và bán được tranh để nuôi sống bản thân. Hãy xem Châu đã làm được gì ở tuổi 26? Anh là “cha đẻ” của hơn một ngàn bức tranh. Nhưng hiện tại nếu ai đến LMC Gallery & Studio sẽ thấy lượng tranh khá ít. Điều này cũng dễ hiểu khi chủ nhân của chúng đam mê hội họa và cũng sống nhờ đam mê ấy. Mỗi một bức tranh, dù ra đời bằng phút thăng hoa ngẫu hứng hay theo “đơn đặt hàng” đều được Châu gửi gắm “hơi thở và nhịp đập trái tim” (chữ dùng của Châu).
Một việc luôn khiến chàng họa sỹ vẽ tranh bằng miệng nhức nhối là việc thuê nhà: “Trong tương lai Châu sẽ cố gắng kiếm một căn nhà lớn. Nếu thực hiện được Châu sẽ đào tạo vài người để làm việc chung, dưới sự dẫn dắt của Châu, cùng tạo nên những bức tranh phản ánh khát vọng tương lai”, Châu chia sẻ. Nhưng trước mắt, anh muốn theo đuổi ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang bằng chuyến du học tại Mỹ. Những người yêu tranh của Châu đừng buồn bởi Châu vẫn cứ vẽ tranh đều đều, chẳng qua từ một nơi cách quê hương nửa vòng trái đất. Châu còn đang lên kế hoạch biểu diễn vẽ tranh bằng miệng tại Mỹ, một sân chơi cạnh tranh và sôi động nhưng lại như khi bước vào lớp một, Châu sẽ bước qua mặc cảm, tự ti để tự tin thể hiện tài năng của mình.
Nuốt bút, uống dầu, uống xăng
Châu đang học đàn tranh, cũng bằng miệng. Nếu vẽ tranh cho Châu cảm nhận thì chơi nhạc cho Châu cảm giác. Ban đầu, việc vẽ tranh được anh thực hiện bằng tay nhưng bàn tay quá yếu không đủ sức đỡ những thăng hoa. “Trong một trận đá banh, mình làm thủ môn, lúc tranh chấp dẫn đến chấn thương tay”, Châu thú nhận. Đôi tay trời ban vốn đã yếu lại bị chấn thương nên càng yếu hơn, Châu lóe lên ý nghĩ: Sao không dùng miệng để vẽ tranh?
“Ban đầu dùng miệng rất khó khăn vì khi cắn bút có những bút dễ gãy, có lúc tôi phải nuốt chửng luôn do sự tập trung cao độ. Tôi cũng từng phải uống dầu, uống xăng”, họa sỹ vẽ bằng miệng tâm sự. Châu từng bị một chấn thương nhớ đời khi vẽ tranh là lúc cây cọ đột nhiên gãy, gây rách miệng. Nhiều người khen tranh Châu có hồn, bởi có lẽ mỗi tác phẩm của Châu đều được sinh ra từ mồ hôi, có khi bằng cả máu của người nghệ sỹ!
Châu mê nhiều thứ. Ngoài đàn tranh, nhạc Rap, Châu còn say mê body painting, hình thức vẽ trên cơ thể, có nguồn gốc từ thời tiền sử: “Châu đến với môn nghệ thuật body painting từ khi bắt đầu mở phòng tranh”. Đã thế, Châu còn sử dụng được hai ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nhật. Tất cả tài sản tri thức quí ấy, ban đầu do thầy cô mang đến, sau này do anh tự học hỏi, tự nghiên cứu, bổ sung kiến thức cho mình. Có những cách đơn giản mà hữu hiệu như trao đổi với bạn bè nước ngoài nhờ công cụ facebook, giúp vốn tiếng Anh của Châu càng ngày càng đầy.
Có người băn khoăn: Chẳng hiểu Châu ham nhiều thứ thế để làm gì? Trong khi với hội họa, Châu đã đủ bận rộn và cũng đủ sống? Thì đây là câu trả lời: “Một chàng trai biết nhiều thứ là lẽ đương nhiên nhưng một người đàn ông khuyết tật càng phải biết nhiều hơn thế. Bởi một người con gái chấp nhận một người đàn ông khuyết tật lại mang trên mình di chứng chiến tranh là điều không đơn giản...”.
Nhưng Châu không bi quan, bởi cuộc đời có bao tấm gương để anh hi vọng. “Người không tay chân” Nick Vujicic đã trở thành diễn giả lừng danh, lấy vợ xinh đẹp, có tổ ấm hạnh phúc như bao người bình thường khác. Châu tin rằng “điều gì đến sẽ đến”. Còn trong thời gian một mình, Châu cứ tập trung làm những gì mình thích.
Đi bộ mòn đầu gối
Có đôi lúc người ta thấy Châu viết những lời buồn, nói những lời buồn nhưng sự thật không như lớp vỏ của câu chữ và ngôn ngữ. Châu chia sẻ: “Khi tôi nói những điều tiêu cực thực chất là đang nghĩ tích cực, trong nỗi buồn rầu rã ấy là nụ cười luôn thắp sáng mọi hi vọng”. Ít người biết, Châu chính là một trong những người khuyết tật đầu tiên của Việt Nam được đặt chân tới trụ sở Liên Hiệp Quốc để tham gia kỳ họp thứ 9 “Công ước về quyền của người khuyết tật”.
Nhân dịp này, Châu đã thực hiện buổi triển lãm cá nhân, bán đấu giá thành công toàn bộ tranh mang tới New York. Chẳng có gì tranh cãi khi Châu được vinh danh trong WeChoice Awards- 2016 (giải thưởng thường niên tôn vinh những con người có thành tựu, có hoạt động truyền cảm hứng sống), bởi anh đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết tới nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Hãy nghe Châu nói: “Châu không nhận một chiếc xe lăn nào đâu. Châu thích đi bộ hơn. Ai cho Châu chiếc xe lăn là Châu đều cho lại hết, không cần biết trị giá chiếc xe lăn là bao nhiêu”. Người ta nói: Đi bộ mòn chân. Còn Châu đi bộ đến mòn đầu gối.
“Một chàng trai biết nhiều thứ là lẽ đương nhiên nhưng một người đàn ông khuyết tật càng phải biết nhiều hơn thế ”.
Lê Minh Châu
26 tuổi, nặng 35 cân
Tranh của Châu có màu sắc tươi sáng đưa lại cho người xem cảm giác tin tưởng, hi vọng: “Mỉm cười nhẹ trên chính bản thân. Ý chí kiên nhẫn sẽ tự động trao cho ta cơ hội. Nắm bắt hay không do tâm ta”, Châu mách nhỏ bí quyết thành công đối với những người chịu thiệt thòi như mình. 26 tuổi chỉ nặng 35 kg, thân hình da bọc xương, đã từng có những khoảng thời gian rơi vào bế tắc, định chấm dứt cuộc đời nhưng “sau cơn mưa trời lại sáng”. Mỗi lần đi qua tuyệt vọng, bước qua bóng tối để đến ánh sáng, Châu biết mình cần mạnh mẽ hơn, cố gắng nhiều hơn.
6 tháng tuổi, Lê Minh Châu đã được gửi vào Làng Hòa Bình để điều trị bệnh và nuôi nấng. Mãi đến năm 12 tuổi anh mới được nhìn thấy ba mẹ. Châu không hận ba mẹ, không trách họ, mỗi người trong mỗi hành xử của mình đều có lí do riêng. Tất nhiên, thật khó để Châu có tình cảm ấm áp với những người thân yêu như những đứa con trong gia đình bình thường khác. Châu cảm ơn những năm tháng ở Làng Hòa Bình đã tôi luyện cho Châu kỹ năng và nghị lực sống. Nếu không có những năm tháng ấy, chắc gì Châu đã trở thành nhân vật chính trong bộ phim tài liệu gặt nhiều thành công “Chau-beyond the lines”.
Châu nhớ lại: “Đạo diễn Courtney N. Marsh biết đến Châu khi cô ấy còn là sinh viên thực tập của một trường điện ảnh. Sau đó cô ấy quyết định làm tình nguyện viên giúp việc ăn uống cho trẻ em ở Làng Hòa Bình, trong 1-2 tuần đầu tiên trước khi chính thức bấm máy bộ phim tài liệu này. Châu luôn sát cánh bên cô ấy, hướng dẫn cho cô ấy biết mọi sinh hoạt, giờ giấc ở đây, mặc dù lúc ấy còn trở ngại về ngôn ngữ, cả hai chủ yếu dùng ngôn ngữ thân thể để diễn đạt.
Thấy Châu nhạy bén trong công việc nên Courtney quyết định mời Châu tham gia nhân vật chính, sau này tên Châu được dùng đặt tên cho bộ phim”. “Chau, beyond the lines” được thực hiện trong 8 năm. Thời gian đầu, nữ đạo diễn trẻ định bỏ cuộc nhưng mỗi khi Courtney xuống tinh thần, Châu lại tiếp sức bằng những lời động viên. Courtney từng xúc động nói với Châu: “Nhờ bạn mà tôi đã không bỏ cuộc. Đó là bộ phim để đời cho chúng ta”.