Vẽ

Vẽ
TP - Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa công bố: Thời kỳ 2011-2020, cả nước có đến gần 20 ngàn quy hoạch từ cấp quốc gia đến phường xã. Kinh phí để lập quy hoạch “ngốn” ngót 10 ngàn tỷ đồng! 

Tuy nhiên, theo một cựu lãnh đạo Bộ Xây dựng: Công tác quy hoạch ở ta hiện nay “ngồi vẽ ra là chủ yếu”, và là một “công cụ để tiêu tiền” là chính chứ ít mang lại hiệu quả. Bởi nó thiếu đồng bộ, thiếu liên kết, xa rời thực tế và mạnh ai nấy làm. Thực tế trên cũng đã được nhiều chuyên gia thừa nhận tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch vừa diễn ra tại Đà Nẵng. 

Cái máy tính bảng dùng cho học sinh lớp 1,2,3 đang dậy sóng dư luận liệu có nằm trong quy hoạch, hoạch định nào từ trước đó của ngành? Đã có kết quả nghiên cứu, tính toán khoa học theo từng lộ trình để khẳng định tính thuyết phục, cần thiết của đề án này chưa? 

Quy hoạch “ông này đá ông kia” xoành xoạch. Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến 2020, định hướng đến 2030, công suất cảng khu vực TPHCM đạt 89 triệu tấn/năm vào 2020. 

Trong khi, theo quy hoạch điều chỉnh chung xây dựng TPHCM (phê duyệt 2010), thì công suất cảng tại đây vọt lên tới… 200 triệu tấn/năm (giai đoạn 2020-2025)! 

Chả biết theo ai. Quy hoạch cảng biển thường chỉ chú ý đến biển. Ít cần biết đến giao thông đường bộ. Đường nào vào cảng, lộ trình ra sao, mất bao lâu. Rồi cả đường sắt tính thế nào để hàng hóa lớn vào cảng…  

Có quy hoạch hẳn hoi đã “ông chẳng bà chuộc”, nói gì đến những “sáng kiến bất chợt”, mà học trò luôn là đối tượng chính để thí nghiệm. Lâu lâu lại thấy trình ra một ý tưởng - toàn những ý tưởng to tát vĩ mô cần đến tiền tấn, rồi sau đó lại xin…rút! 

Mới đây nhất, phương án thay đổi hệ thống giáo dục phổ thông, trong đó cấp THPT co lại còn 2 năm, và giãn cấp THCS lên 5 năm vừa được Bộ Giáo dục đưa ra, rồi nhanh chóng xin rút lại. Cứ loay hoay quả trứng hay con gà. Cải tiến thi cử và cải tiến chương trình, cái nào làm trước?

Máy tính bảng để học trò tiếp cận công cụ có vẻ tiến kịp thời đại, hay phương pháp và nội dung giảng dạy, học tập thực sự đổi mới, hiệu quả được “nhét” vào trong máy, cái nào cần trước và cần hơn ? “Quy hoạch” chung của ngành giáo dục là gì? Có phải cái này đang “đá” cái kia? 

Quy hoạch là cái tối cần thiết cho một sự phát triển có định hướng. Nhưng lại là thứ thậm chí có hại khi sự thiếu tầm và nhiều khi là tâm biến nó thành một kiểu vẽ vời vô bổ.

MỚI - NÓNG
Nữ sinh Bình Dương đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024
Nữ sinh Bình Dương đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024
TPO - Nguyễn Ngọc Mai An, học sinh lớp 9A2, trường THCS Mỹ Phước (TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương) là một trong những đại biểu đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024, với 8 năm liền đạt danh hiệu học sinh xuất sắc; tích cực tham gia các hoạt động Đội, đồng thời là MC học đường và đạt nhiều thành tích các cuộc thi về Tin học, sáng tạo.