Vì sao cán bộ nơi “Cánh đồng Chó ngáp” lại có cả chục tỷ đồng cho vay? Ông Phạm Văn Thiều, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Bạc Liêu nói: “Những cán bộ này có kê khai tài sản thì do sở nội vụ nắm”. Phóng viên Tiền Phong liên hệ với Sở Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra tỉnh Bạc Liêu đều không trả lời vì “bí mật nội bộ” nên đành tìm về Phước Long.
Về trang trại nguyên Bí thư
Gọi vào số máy, ông Trần Hoàng Duyên (Út Duyên), nguyên Bí thư Huyện ủy Phước Long, sống có vẻ khép kín từ khi bị rút về tỉnh, không hồ hởi như ngày nào: “Tôi đang ở nhà, chưa được phân làm gì, chờ giải quyết. Tập thể xử sao chịu vậy, không có gì để nói trong lúc này!”.
Rồi ông Duyên cúp máy, chắc ông đang ở ngôi nhà cấp 4, tại thị trấn Phước Long, được hóa giá. Nhưng đất đai ông nguyên Bí thư thì người dân nói rất nhiều.
Tại thị trấn Phước Long, ông Duyên có khu đất rộng, kín cổng cao tường, có người canh giữ, trông coi. Một người dân ở gần nói: “Bà con tôi gọi là “Vườn thượng uyển Bí thư” nhưng không ai biết trong đó làm gì, trồng cây gì. Thỉnh thoảng, người giúp việc mang đồ vào, chắc có lẽ nuôi cá sấu”.
Men theo con đường bê tông ngoằn ngoèo, chạy ra ngoại ô thị trấn Phước Long, trang trại của Nguyên Bí thư Trần Hoàng Duyên ở ấp Phước Thạnh, xã Phước Long. Trang trại của Bí thư Duyên trải dài mấy chục mét theo bờ một con kinh, được trồng hàng cây xanh tôt.
Dưới hàng cây cổ thụ, nhà cửa, sân bãi, lán trại, chuồng cá sấu nối tiếp. Trang trại cá sấu của ông Duyên sử dụng lao động của 5 gia đình ruột rà với ông. Anh Nguyễn Văn Dương, xưng là em vợ ông Duyên, cho biết cá sấu nuôi xen nhiều lứa, có bán quanh năm, kiếm vài tỷ đồng.
Liền kề với trang trại cá sấu vài ngàn con là 20 ha vuông tôm quảng canh cải tiến.
Trang trại của ông Phan Thành Đông, Chủ tịch UBND huyện Phước Long, ở ấp Long Hải, thị trấn Phước Long, gần 10 ha sản xuất tôm - lúa. Trang trại tôm - lúa của ông Đông nhờ người cháu quản lý, trông coi. Tranh thủ lúc rảnh, tối tối ông chạy xe máy đến trang trại tính chuyện làm ăn với con cháu” - anh Trương Văn Lợi, người nhận là cháu ông Đông, nói. Được biết, ngôi nhà 5 tầng cao nhất thị trấn này chính là tư gia của vợ chồng ông Đông.
Ông Lâm Thành Sáo, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND huyện Phước Long cũng không kém cạnh ngoài nhà cao cửa rộng, còn có nhà cho thuê làm trụ sở ngân hàng, rồi gần 10 ha trồng tràm, làm lúa và nuôi cá sấu, do vợ quản lý, thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
Huyện nông thôn mới đầm đìa nợ
Khi được chọn làm huyện điểm xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo huyện Phước Long triển khai ồ ạt các công trình xây dựng, báo cáo thành tích ghi tổng giá trị lên đến 5.000 tỷ đồng. Cố chạy theo thành tích, huyện Phước Long ngập trong nợ vì kêu gọi các nhà thầu bỏ vốn xây trước.
Nhà riêng ông Phan Thành Đông, Chủ tịch UBND huyện Phước Long cao nhất tại thị trấn Phước Long.
Cụ thể, năm 2013, nợ đọng khoảng 124 tỷ đồng, đến năm sau tăng lên hơn 211 tỷ đồng và đến cuối năm 2015 con số này là gần 400 tỷ đồng. Lãnh đạo huyện lúc bấy giờ tạm ứng ngân sách trả tiền mua vật tư, chỉ định thầu, không đấu thầu cạnh tranh.
Cao điểm xây dựng nông thôn mới năm 2013-2014, ông Trần Hoàng Duyên là Bí thư Huyện ủy, ông Phan Thành Đông là Phó Chủ tịch nay là Chủ tịch, ông Lâm Thành Sáo, Phó Chủ tịch nay là Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND huyện Phước Long đều vừa chỉ đạo vừa ứng tiền tỷ trong túi ra cho huyện vay xây nông thôn mới.
Khi ngân sách rót về huyện Phước Long, đã chuyển trả cho vợ chồng ông Trần Hoàng Duyên gần 11,717 tỷ đồng, rồi chuyển trả cho ông Lâm Thành Sáo trên 5,5 tỷ đồng, chuyển cho ông Phan Thành Đông 1,4 tỷ đồng... Ông Trần Hoàng Duyên cho biết, có thời điểm cho ngân sách vay đến 13,450 tỷ đồng.
Hiện ngân sách huyện vẫn còn nợ ông Trần Hoàng Duyên 2 tỷ đồng dù ông đã thu lãi được 267 triệu đồng. Ông Lâm Thành Sáo cho vay 5,3 tỷ đồng, thu lãi được là 216 triệu đồng và ông Phan Thành Đông cho vay 1,4 tỷ đồng, thu lãi 80 triệu đồng.
Hiện nay, huyện Phước Long nợ lương giáo viên, cán bộ công chức hơn 4 tháng, khoảng 100 tỷ đồng, nợ tiền xây dựng cơ bản hơn 200 tỷ đồng, trong khi thu ngân sách khoảng 50 tỷ đồng/năm.
Ngày 9/6, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu triển khai quyết định kỷ luật cảnh cáo về Đảng đối ông Phan Thành Đông, Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện và Lâm Thành Sáo, Phó bí thư, Chủ tịch HĐND huyện Phước Long. Dự kiến, ngày 10/6, BCH Tỉnh ủy Bạc Liêu xem xét kỷ luật ông Trần Hoàng Duyên, nguyên Bí thư Huyện ủy Phước Long do nôn nóng xây dựng nông thôn mới, xảy ra nợ đọng kéo dài lên đến 400 tỷ đồng.
Ông Trần Hoàng Duyên cho huyện vay trên 13,450 tỷ đồng, đã trả hơn 11,717 tỷ đồng, còn nợ 2 tỷ tiền vốn và lãi trên 260 triệu đồng. Ông Lâm Thành Sáo cho huyện vay trên 5,3 tỷ đồng, đã lấy lại vốn và nhận tiền lãi 216 triệu đồng. Ông Phan Thành Đông cho huyện vay 1,4 tỷ đồng, đã lấy lãi 80 triệu đồng.