Về nơi dân trắng tay sau lũ

Về nơi dân trắng tay sau lũ
TP - Trận mưa lũ lịch sử khiến Hà Nội ngập nặng vừa qua, có một nơi cũng ngập và thiệt hại không kém đó là huyện Bình Xuyên - địa phương thiệt hại nặng nhất tỉnh Vĩnh Phúc trong đợt mưa lũ.
Về nơi dân trắng tay sau lũ ảnh 1
Trang trại hơn 7 mẫu của anh Nguyễn Văn Lợi tan hoang. Ảnh: Phạm Anh

Cho đến ngày 18/11, khi chúng tôi về đây, nước mới rút gần hết khỏi nhà dân, còn đồng ruộng nhiều nơi vẫn ngập trắng...

Tay trắng

“Tôi vừa ra ngoài sân tát bớt nước để khỏi ùa vào trong nhà. Chỉ trong chốc lát, tôi bỗng nghe tiếng đổ ụp xuống và tiếng kêu thất thanh của vợ và đứa cháu ngoại trong đó. Ngoảnh lại, căn nhà là đống đất, đá; rui, kèo nằm ngổn ngang trước mặt rồi” - Ông Nguyễn Minh Tháu, thôn Nhân Nghĩa, xã Sơn Lôi kể như mếu về cái đêm mưa thứ ba tầm tã, ác nghiệt đó đến với gia đình ông.

Ông tiếp: “Bà nhà tôi đã 57 tuổi. Lúc nhà sập, bà ấy đang trông đứa cháu ngoại. Vì nền nhà đất yếu, mưa cứ dầm dề liên tục, không chịu được đã đổ ụp xuống, thanh quá giang đã đè gãy đùi bà ấy, còn đứa cháu thì chỉ bị xây xát. Hiện giờ, vợ chồng tôi đang ở nhờ hàng xóm. Nhà lại nghèo, có 9 sào ruộng thì mịt mờ bóng nước rồi, không biết tới đây lấy gì để sống!”.

Trong đợt mưa vừa rồi, diện tích nông nghiệp toàn xã Sơn Lôi bị ngập trắng. Gần 180 ha cá nuôi, hơn 200 ha cây hoa màu đành phải chịu số phận cho dòng nước cuốn đi.

Bên chén trà đắng khi đêm về, anh Trần Văn Quý, thôn Bá Cầu đau xót: “Hơn 10 ngày nay tôi không dám ra đầm. 17 mẫu ao, đầu tư hơn 60 triệu đồng tiền giống để nuôi cá chim trắng, trắm cỏ, trôi mè…dự tính năm nay thu khoảng 300 triệu đã không còn nữa, 400 con vịt giờ chỉ còn 6 con.

Hai tạ thóc giống ngâm đã lên mầm, giờ phơi khô rồi nghiền cho lợn. Tôi thuê diện tích này 5 năm, mới được 4 năm mà đã hai lần tay trắng. May mà tôi bán được miếng đất làm vốn, không giờ thì ôm nợ mà khóc!”

Ở xóm Kiền Sơn, xã Đạo Đức anh Nguyễn Văn Lợi cũng  bị  mất 7 mẫu cá, 40 con lợn thịt, 5 lợn nái, 400 con gà, hơn 100 con vịt biệt tăm không trở lại sau mưa lũ. Còn 9 sào ngô nước dâng quá cờ, không nhìn thấy lá.

Vợ chồng anh đã đầu tư 2 triệu tiền lưới để vây hồ cá, nhưng lúc nước lên cao chả nhìn thấy mép lưới đâu, dành phải chịu nhìn cá đi.  Số tiền hơn 40 triệu đầu tư cho trang trại vợ chồng anh vay nợ ngân hàng, đợt vừa rồi đến hạn mà không có tiền, đành phải vay nóng để trả cho ngân hàng...

Sớm ổn định cuộc sống cho người dân

Chúng tôi đi dọc tuyến đê Sáu Vó, đá cứu đê vẫn đổ lởm chởm. Trao đổi với Tiền Phong - ông Nguyễn Quốc Hùng- Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên cho biết: Trận mưa vừa qua đúng là kỷ lục mấy chục năm nay.

Bình Xuyên là khu vực trũng như cái rốn lũ. Mức thiệt hại toàn huyện trong đợt mưa lũ vừa qua cũng khoảng 150 tỷ đồng. Nhiều xã bị thiệt hại nặng như: Sơn Lôi, Tân Phong, Đạo Đức, Tam Hợp, thị trấn Hương Canh…

Ông Hùng cho biết thêm, trước mắt, huyện sẽ tập trung vào vấn đề vệ sinh môi trường sau lũ. Toàn bộ xác hoa màu, súc vật bị chết đang trôi nổi; nước thải sinh hoạt, bể tiêu; rác thải từ các cụm dân cư; từ các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn… đang đe dọa rất lớn về môi trường.

Ông Hùng nhấn mạnh: “Nước rút đến đâu cho khử trùng đến đó. Những nơi có thể thì khoanh lại để khử, rồi mới xả ra ngoài. Riêng với nước sinh hoạt, người dân dùng thuốc Chloramine B khử để đảm bảo vệ sinh”.

Thứ nữa, theo ông Hùng, cần phải sửa chữa những đoạn đê, đường bê-tông bị hư hỏng nặng để người dân lấy đường đi lại.

Theo đánh giá của Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc: Đợt mưa lũ vừa rồi đã làm 10 người chết, gần 5.400 nhà dân bị ngập,  gần 30 nghìn ha cây trồng, 5.480 ha nuôi trồng bị ngập, mất trắng; hơn 135 nghìn gia cầm, 4.200 gia súc bị chết. Trên 100 km đường giao thông trên địa bàn tỉnh bị sạt lở, hư hỏng nặng…

Ước tính toàn tỉnh cũng thiệt hại trên 650 tỷ đồng. Mới đây, tỉnh Vĩnh Phúc cũng có đề nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ khắc phục sản xuất sau mưa lớn, úng ngập. Theo đó, Vĩnh Phúc đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ với tổng kinh phí là 332,5 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG