Về những cái chợ thời hội nhập

Về những cái chợ thời hội nhập
Sau một số loại phương tiện giao thông, nay đến lượt các chợ, hè và hàng rong lọt vào mắt các nhà quản lý như những đối tượng phải được sắp xếp lại ở các đô thị. Với các chợ thì phương cách đơn giản nhất và cũng thấy ngay là hiệu quả nhất là chuyển đổi thành các... siêu thị kèm văn phòng cho thuê.
Về những cái chợ thời hội nhập ảnh 1
Chợ miền quê - ảnh: ltcn.net

Với hè thì giao cho các cơ quan quản lý sở tại khai thác. Còn lại, với hàng rong là... cấm. Người ta nhận thấy ngay là các nhà nước địa phương luôn giành cái lợi cho mình và cái khó cho dân. Hơn thế không mấy quan tâm nhìn nhận đến những mất mát về văn hoá.

Cứ lấy ngay cái thủ đô sắp tròn ngàn năm tuổi ra mà suy. Cho đến nay chúng ta thật khó hình dung ra kinh đô Thăng Long từ thế kỷ XI khi đức Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư ra tiếp thu những gì mà thành Đại La do người Trung Hoa khai dựng để mở ra một nền hưng thịnh xứng với quốc hiệu Đại Việt của dân tộc ta.

Sử sách  chỉ ghi lại những địa danh gắn với tên đất, tên công trình xây dựng và tên của các phường hội làm nên sức sống của đô thị này. "Ba mươi sáu phố phường" được coi là một ý niệm về kinh đô Thăng Long tồn tại lâu dài trong dân gian được gọi là "Kẻ Chợ".

Sự phổ biến của tên gọi này sâu đậm đến mức mà trong hầu hết các sách du ký của người nước ngoài từ những thế kỷ XVII, XVIII  vẫn sử dụng tên gọi "Kẻ Chợ" nhiều hơn là Thăng Long hay về sau là Hà Nội.

Trong các bản đồ cổ thì ngoài những yếu tố địa lý như sông hồ, gò núi cùng các công trình xây dựng chủ yếu là thành quách thì  chỉ một số chỉ dẫn về các chợ là được ghi lại. Đến nay cũng rất khó hình dung ra cấu trúc phố phường xưa, trừ những hình ảnh được vẽ hay chụp lại vào cuối thế XIX và hồi đầu thế kỷ XX.

Người Pháp khi chiếm đóng và quy hoạch lại tỉnh thành Hà Nội của triều Nguyễn rất khôn ngoan hay nói đúng hơn là nhận ra cái bản sắc văn hoá của người bản xứ chính là những cái chợ.

Họ chủ trương phá thành Hà Nội, biến những dinh thự cũ thành công sở, nhưng đặc biệt quan tâm đến những cửa ô và các chợ - dấu tích bền vững nhất của đô thị cổ ở Việt Nam.

Riêng với Hà Nội là các phường hội vẫn giữ kết cấu như sự nối dài của các làng nghề truyền thống ở cácvùng lân cận lên Kẻ Chợ, đôi phường còn có cả đình làng thờ các vị thành hoàng hay tổ nghiệp.

Điều  đáng nói là hệ thống giao thông công cộng được thiết lập từ rất sớm, trước khi các phương tiện giao thông cá nhân trở nên phổ biến. Đường xe điện đã được khai thác từ năm 1905 và chỉ 2 thập kỷ sau là hoàn thiện với 5 tuyến đường hợp điểm ở hồ Gươm và toả đi các cửa ô chính yếu nối với hầu hết các chợ chính của Hà Nội khi đó  như chợ Bưởi, chợ Yên Phụ, chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Cửa Nam... và Ô Chợ Dừa.

Trong một thời gian dài  của lịch sử, hầu hết các chợ này đều hoạt động rất năng động tạo nên sức sống của đô thị này ngay khi nó không còn là kinh đô của đất nước.

Nhìn rộng ra hầu như tất cả các đô thị ở nước ta thời thuộc địa thì bên cạnh những kiến trúc công sở và các khu phố dành cho người Âu thì kiến trúc chợ luôn được quan tâm đúng mức để lưu giữ những sắc thái của người bản xứ. Chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, chợ Bến Thành ở Sài Gòn, Chợ Đông Ba ở Huế, chợ Sắt ở Hải Phòng, chợ Rồng ở Nam Định hay chợ Đầm ở Nha Trang... đều là những kiến trúc có giá trị như biểu trưng cho các đô thị ấy.

Vai trò của các ngôi chợ này đương nhiên là một không gian của thị trường kinh tế những nó cũng hình thành những nét văn hoá mà nó kế thừa của các chợ làng hay chợ vùng truyền thống, nơi luôn lưu giữ và phát huy những sinh hoạt và giá trị văn hoá truyền thống.

Hãy quan tâm khảo sát đời sống của chợ ở các đô thị chúng ta không chỉ thấy ở đây là con số cộng của các hoạt động mua bán mà nó còn tạo ra được những mối dây liên kết, những mối quan hệ bảo đảm sự bền vững và tin cậy trong hoạt động giao thương... trong đó không ít những yếu tố tích cực tạo nên hiệu quả kinh tế.

Đó là chưa nói đến sự phù hợp với những tập quán vốn có đáp ứng yêu cầu đời sống và hoạt động kinh tế của tầng lớp tiểu thương. Ta đã từng biết đến tính cộng đồng của những "cư dân chợ" tạo nên những truyền thống tích cực như họ đã từng đoàn kết đấu tranh chống áp bức hay ủng hộ cách mạng trong các chế độ trước, hay các hoạt động từ thiện hay xã hội v.v...

Xu hướng "siêu thị hoá"các chợ ở các đô thị nhất là các đô thị có bề dày lịch sử  đang làm mai một không ít các sắc thái  hay nếp sống văn hoá không hề lạc hậu so với xu thế phát triển hiện đại.

Thực chất động lực chủ yếu của xu hướng này chỉ là những quan niệm thực dụng nhằm chuyển quyền sử dụng đất và khai thác không gian sinh lợi cho những lợi ích cục bộ tại những không gian đã tích luỹ những giá trị văn hoá.

Chúng ta đang chứng kiến các ngôi chợ đang bị khai tử một cách không thương tiếc vì sự kém quan tâm đến những giá trị văn hoá mà chỉ quan tâm đến những giá trị được tính đếm thành tiền bạc.

Cứ nghĩ đến Hà Nội trong tương lại gần, sau các chợ Bưởi, chợ Ngã Tư Sở, Ô Chợ Dừa, nay đang là chợ Cửa Nam,và sắp tới là chợ Hôm, chợ Mơ và có thể là ngay cả chợ Đồng Xuân đã qua vài lần thử nghiệm..., tất cả đều biến thành những khối nhà hình hộp bao bọc kính nhôm và mở rộng không gian theo chiều thẳng đứng và sẽ có tên gọi bằng tiếng Tây của những công ty thì  sẽ hình dung Thăng Long 1000 tuổi đang trên con đường phát triển hay sắp hoá thân thành một "ông Tây trẻ" của thời đại hội nhập?

Theo Dương Trung Quốc
Lao động

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.