Về ngôi chùa nơi quy y cho bò

Quy y cho bò tại khuôn viên chùa Pháp Hải. Nguồn: Internet
Quy y cho bò tại khuôn viên chùa Pháp Hải. Nguồn: Internet
TP - Gần đây trên internet và một số phương tiện thông tin đại chúng đưa thông tin về việc một ngôi chùa ở TPHCM quy y cho một con bò gây xôn xao dư luận. Phóng viên Tiền Phong về ngôi chùa nhỏ ấy để tìm hiểu sự tình và được biết chuyện xảy hơn ba năm rồi, nhưng đến giờ nhiều người vẫn nửa tin nửa ngờ và thông tin chưa thật đầy đủ.

Không có chuyện bò biết nói

Chùa Pháp Hải là ngôi chùa nhỏ vốn được xây dựng từ lâu, sau được tu bổ, nằm bên sông Cần Giuộc, vùng giáp ranh giữa TPHCM và Long An. Đường đi về xã thật quanh co lắt léo và cuộc sống người dân vẫn thuần hậu với những thôn làng xanh mướt. Trong xã có nhiều ngôi chùa như chùa Pháp Hải, Pháp Liên, Phổ Quang, Phổ Minh, Pháp Hoằng và bốn ngôi đình là Bình Giao, Tân Liễu, Đình Chánh, Hậu Mỹ. Từ những năm 1930 vùng này xuất hiện phong trào cách mạng. Năm 1948 xảy ra trận đánh lớn với quân Pháp ở Rạch Già. Năm 1968 xã cũng là nơi tập kết lực lượng quân giải phóng tiến vào thành phố. Năm 1994 xã được phong tặng xã anh hùng.

Đối với con vật, mình có lòng thì đọc nghi thức quy y chứ thực tế nó không thể quy y vì nó không thể phát biểu bằng miệng được và nó cũng không tình nguyện làm được việc đó. Trên nguyên tắc của Phật pháp được xem là quy y không thiết thực”.

Thượng tọa 

Thích Nhật Tư

Tôi về ngôi chùa Pháp Hải, đúng hôm chùa mở khóa tu có gần 400 người theo học. Các Phật tử đến từ nhiều tỉnh trong vùng đồng bằng và từ TPHCM. Họ cho biết, trước đến giờ chùa luôn đông đúc như thế này. Tháng nào cũng có hai khóa tu và cũng đông như thế. Sư trụ trì đi vắng, các Phật tử tự lo nấu cơm chay, tu tập, chăm 10 đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa.

Khi biết nhà báo ghé thăm chùa, các Phật tử vui vẻ mời dùng cơm chay, và bảo: “Nhà báo có viết lên báo thì nhớ đính chính là con bò không biết nói nha”. Hóa ra sau khi sự việc quy y cho con bò xảy ra, chẳng biết từ đâu nẩy nguồn thông tin rằng con bò biết nói nên được chùa Pháp Hải quy y thành Phật tử. Người tứ xứ kéo về chùa để được tận  xem bò nói và nghe bò đọc kinh! Các Phật tử bảo: “Bò được quy y là thật, nhà báo cứ gặp các sư thì rõ. Nhưng chuyện bò biết nói là không có”. Bà An, người TPHCM về chùa tu tập nói: “Con bò không biết nói, chỉ biết gật đầu thôi nhà báo ạ”.

Sư ngoại quy y cho bò

Cô Bảo, người địa phương đã tu tập trong chùa 15 năm, tốt nghiệp đại học Phật giáo Vạn Hạnh trực tiếp chứng kiến sự việc kể: “Chuyện xảy ra hơn ba năm trước rồi, nhưng đến giờ nhiều người vẫn tới tìm hỏi về con bò”. Cô Bảo kể: “Không phải sư phụ trụ trì chùa Pháp Hải quy y cho con bò mà một vị sư ở nước ngoài về làm việc ấy. Tôi còn nhớ vào một buổi chiều, vị sư cùng đoàn Phật tử ghé thăm chùa chúng tôi. Đúng khi ấy, người ta thu gom bò ở địa phương bán cho lò mổ”. Nhà sư bùi ngùi: “Tất cả bò đều lên xe vào lò mổ cả, riêng một con bò không chịu đi. Người ta đánh nó rất dữ, nó đau lắm, nhưng chỉ quỳ xuống, chứ dứt khoát không chịu lên xe. Không ai làm gì được nó cả. Vừa lúc nhà sư dẫn đoàn Phật tử vào thăm chùa, thấy cảnh đó, nhà sư tỏ ý thương con vật vô tội. Một người trong đoàn bèn bỏ tiền mua lấy con bò. Đoàn hành hương bèn gửi con bò lại chùa, sáng hôm sau đoàn trở lại chùa và nhà sư ấy đã quy y cho con bò”.

Về ngôi chùa nơi quy y cho bò ảnh 1

Nhiều Phật tử vẫn miệt mài học đạo tại chùa Pháp Hải

Việc quy y cho con bò là do nhà sư đi hành hương thực hiện ở một góc chùa, khi đó còn là bãi sình lầy, nay chỗ quy y cho bò được làm một vườn tượng Phật rất đẹp. Các Phật tử kể lại: “Con bò không biết nói, nhưng nó rất ngoan ngoãn và cũng biết cúi đầu, gật đầu”. Các ni cô trong chùa còn nhớ: “Sau khi quy y, con bò được gửi lại chùa chúng tôi mấy ngày. Phật tử và các ni cô chia nhau đi cắt cỏ cho bò ăn. Lời đồn một thành mười, rằng con bò biết nói, Phật tử đổ về chùa đông quá. Cuối cùng con bò được đưa ra khỏi chùa và từ đó đến nay nhà chùa cũng không biết con bò được đi đâu và số phận ra sao”.

Hiện trong chùa Pháp Hải có mấy chục ni cô lớn nhỏ tu học, song mọi người đều dè dặt khi bình luận về việc bò quy y. Các sư cô cho biết: “Chúng tôi nghe nói bên ngoài họ nhận xét nhiều, đánh giá nhiều về việc quy y bò ở chùa chúng tôi, nhưng chúng tôi không quan tâm, bởi lên mạng thì chỉ tìm kinh sách tu tập thôi. Công việc ở chùa nhiều lắm, không ai rảnh. Chúng tôi nghĩ việc quy y cho con bò là cái duyên của nhà sư ấy, chứ không phải chuyện của chùa chúng tôi”.

Trong cái cũi gỗ, tôi thấy 3 đứa nhỏ chưa đầy tuổi đang vui chơi với nhau. Chúng bị bỏ rơi trước cổng chùa mấy hôm trước. Một sư cô bảo: “Thấy người ta bê cái thúng vào chùa, không để ý, tưởng khách vãn cảnh. Lát sau đi ra thì thấy một đứa trẻ bị bỏ lại ở góc sân, không biết mẹ của nó là ai”. Ngoài việc tu tập, các sư cô thường làm các mặt hàng như muối ớt, rau câu khô để bán kiếm tiền nuôi các cháu nhỏ bị bỏ rơi.

Có nên quy y cho bò?

 Các sư trong chùa Pháp Hải nói không rõ pháp danh của vị sư đã quy y cho con bò, bởi vị sư ấy từ nước ngoài về cùng với đoàn Phật tử của ông và sư chỉ ghé thăm chứ không ở lại chùa. Chùa cũng phục vụ trà nước cho đoàn như với các đoàn khách khác thôi. “Nhà sư nom cũng luống tuổi chứ không trẻ” - mọi người kể lại.

Về ngôi chùa nơi quy y cho bò ảnh 2

Cô Bảo, người đã chứng kiến việc quy y cho bò

Việc quy y cho bò tại chùa Pháp Hải đã gây nên những tranh luận và những ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng quy y cho bò chứng tỏ vị sư nọ không am hiểu Phật pháp hay nói cách khác đó là một việc sai lầm. Nhiều ý kiến lo ngại việc quy y cho bò sẽ làm người dân hoang mang, không hiểu tư cách người Phật tử là như thế nào.  Trả lời phỏng vấn báo chí, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam nói: “Quy y tức là nương tựa vào 3 ngôi Phật - Pháp - Tăng. Người quy y phải tự nói ra được và nói bằng tinh thần tự nguyện chứ không phải bị áp lực, bị bắt buộc hoặc bị dụ dỗ. Đối với con vật, mình có lòng thì đọc nghi thức quy y chứ thực tế nó không thể quy y vì nó không thể phát biểu bằng miệng được và nó cũng không tình nguyện làm được việc đó. Trên nguyên tắc của Phật pháp được xem là quy y không thiết thực”.

Tuy nhiên, sư Thích Vân Phong (chùa Hương, Sa Đéc) từng 5 năm tu tại Hàn Quốc cho biết: “Ở Hàn Quốc, việc treo tràng hạt tụng kinh cho bò là có. Thậm chí, họ cũng cho đăng báo những chuyện như thế”. Tuy vậy, nhà sư Thích Vân Phong cũng không khẳng định việc đeo tràng hạt cho bò đồng nghĩa với việc quy y cho bò ấy thành Phật tử.  

Về ngôi chùa nơi quy y cho bò ảnh 3

Nơi quy y cho bò nay đã thành vườn tượng Phật. Ảnh: T.N.A

Cô Bảo, vị sư nữ đã chứng kiến việc quy y cho con bò tại chùa bày tỏ: “Chuyện quy y cho bò là chuyện tôi chỉ thấy trong đời một lần. Bản thân tôi tu tập đã lâu nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc ấy. Điều tôi không được vui, đó là sau khi sự việc xảy ra cho đến tận bây giờ, nhiều người dân vẫn mê tín, đồn đại nhau rằng con bò quy y ở chùa Pháp Hải biết nói tiếng người. Đây là chuyện xuyên tạc. Con bò ở chùa 3 ngày và như mọi con bò khác, nó không biết nói và không có bất kỳ hành vi nào khác thường cho đến lúc được đem đi. Mê tín là một việc sai lầm mà mọi người nên tránh”.

Chúng tôi cũng liên lạc với một nhà sư là tiến sĩ triết học ở Huế và được biết: “Việc nhà sư độ cho chúng sinh bao gồm muôn loài là việc làm hằng ngày, nhưng việc quy y cho các con vật thành Phật tử thì chưa thấy sách vở nào đề cập tới và điều đó đương nhiên được hiểu là việc quy y chỉ thực hiện dành cho con người”.

 6/2015

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.