Về miền Tây, rợn người đi chợ thịt chuột
> Những bất cập khi đi hội chùa Hương
Từ một điểm mua bán chuột tự phát, Phù Dật trở thành cái chợ chuột 'độc nhất vô nhị' ở miền Tây. Nhờ nghề chuột mà nhiều người khấm khá.
Họ lột da, mổ bụng, rửa sạch thịt chuột rồi ướp đá. |
Chợ chuột Phù Dật ở ấp Bình Chiến, xã Bình Long, huyện Châu Phú, An Giang được gọi là chợ chuột lớn nhất miền Tây, thậm chí lớn nhất cả nước nhưng sự thực cái chợ ấy chẳng có được cái nhà lồng nào cả. Nhưng cái sự mua bán chuột ở đây thì lại diễn ra sôi động, tấp nập còn hơn cả chợ quê ngày Tết.
Anh Lê Duy Khánh (còn gọi là Khánh “chuột” hay “vua chuột”) kể rằng không ai nhớ rõ cái chợ có tự bao giờ. Nghe kể lại thì dân làng Phù Dật ngày trước còn nghèo khó nên nhiều người sống bằng nghề đi gài rập chuột. Họ gài đồng gần nên mang chuột về Phù Dật bán cho những người mua về nhậu chơi hoặc cải thiện chất tươi cho bữa ăn hằng ngày. Từ đó, nơi đây mới bắt đầu phát sinh chuyện mua bán chuột.
Càng về sau, rất đông người sống dọc theo kênh Phù Dật thấy nghề bắt chuột cho thu nhập khá nên tham gia. Họ đi vào tận miệt Đầm Chích, Giang Thành, Tám Ngàn, Hòn Đất (Kiên Giang) để đánh bắt. Cứ mỗi chiều, từng toán người cụ bị nào rập, nào chĩa bắn, bình đèn ắc quy chất xuống xuồng máy rồi chạy vào đồng để đặt bẫy, đi soi suốt cả đêm. Tờ mờ sáng, họ thu gom “chiến lợi phẩm” lại rồi mang đến mấy điểm thu mua chuột gần nơi đánh bắt để bán. Có chuyến, họ đi cả tháng mới về.
Nhiều thanh thiếu niên làng Phù Dật có việc làm và thu nhập ổn định từ nghề làm thịt chuột. |
“Vua chuột” Duy Khánh còn kể, ngày ấy đường vào làng chuột chỉ là đường đất nhỏ, xe tải không thể vào, phải đậu xe trên quốc lộ 91 ở cầu Phù Dật hoặc vàm xáng Cây Dương chờ. Dân Phù Dật chất rộng (lồng) chứa chuột xuống xuồng rồi bơi đến chỗ xe tải đậu để bán. Dù việc đi lại khó khăn nhưng chợ ở đây vẫn phát triển rất mạnh. Vào những năm chuột rộ, xuất hiện nhiều trên đồng ruộng thì làng Phù Dật có nhiều người kinh doanh chuột phất lên, trở thành “đại gia… chuột” khấm khá. Cứ thế, Phù Dật hình thành nên cái chợ chuột hồi nào chẳng hay.
Vào mùa đông ken (mùa đánh bắt chính), họ chạy dọc bờ kênh Phù Dật, đèn thắp sáng trưng cả làng, tiếng dao chặt để làm thịt chuột cọc cạch sáng đêm. Từ đây, thịt chuột được túa đi khắp nơi để người ta chế biến thành những món đặc sản như chuột quay lu, chuột nướng muối ớt "cay thiệt là cay", chuột xào lăn, chuột nấu mẻ, chuột khìa… trong các nhà hàng, quán nhậu. Bạn đang ở Sài Gòn, một hôm nào đó vào quán đồng quê, bạn gọi lên một đĩa thịt chuột quay thơm phức, bạn gắp đưa lên miệng, nhai tới đâu nghe giòn tan, béo ngậy tới đó… Và biết đâu cái miếng thịt chuột thơm ngon ấy có nguồn gốc từ cái chợ chuột Phù Dật xứ này.
Điều đặc biệt là cái chợ chuột độc nhất vô nhị này không hề có… ngôi chợ nào cả. Vào chợ chuột tìm mãi cũng không thấy cái nhà lồng, mái che nào, bởi đó chỉ là cái chợ dân gian, ban đầu là tự phát, Nhà nước chẳng cần đầu tư xây dựng gì. Cứ sáng sớm, tầm khoảng 7h thì chuột từ các nơi chứa trong rộng (lồng) sắt được chở bằng xe máy vào chợ. Có lái mua chuột và bán ngay chuột hơi tại chỗ. Có người mua chuột để làm thịt, ướp lạnh mới phân phối lại các vùng miền xa xôi như Đông Nam Bộ hay Tây Nguyên.
Nhờ có chợ chuột mà nhiều lao động nông thôn ở rạch Phù Dật có việc làm cho thu nhập đáng kể. Người lớn và trẻ em đều có thể làm thịt chuột cho các vựa với thu nhập cả trăm nghìn đồng mỗi ngày. Như nhà chị Võ Thị Bé Ba có bốn người làm nghề làm thịt chuột mướn, thu nhập 300.000-400.000 đồng một ngày. Bên cạnh đó, người đi đặt rập, bẫy chuột mỗi đêm cũng kiếm vài trăm nghìn đồng, tương đối khỏe nếu so với nhiều công việc khác.
Cứ 3-4h chiều là dân Phù Dật lôi rộng sắt chứa chuột ra làm thịt. Cái rộng có nắp đậy, có người thò tay vào rộng nắm đuôi chuột lôi ra đập đầu vào vành rộng. Thường là trẻ em làm việc này nhưng em nào cũng làm chuyên nghiệp, không hề bị chuột cắn. Mỗi con chuột chỉ cần đập một cái là chết tươi. Chuột chết được chất thành đống.
Kế đến là đội quân chuyên làm thịt chuột, họ lột da, mổ bụng, rửa sạch rồi ướp đá. Cứ thế, hàng trăm lao động tham gia vào các công đoạn của nghề mua bán chuột, từ đi bắt, thu mua, làm thịt cho đến mang đi phân phối các nơi, tạo thành chu trình khép kín, xem như ai cũng có công ăn việc làm.
Vợ chồng anh Khánh “chuột” được xem là đầu mối thu mua và kinh doanh chuột lớn nhất tại Phù Dật. Anh kể thêm, vào những mùa chuột nội địa ít thì vợ chồng anh sang cả huyện Cỏ Thum (Campuchia) để thu mua chuột. Từ khoảng tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, chuột bên nước bạn đánh bắt được nhiều. Chỉ riêng anh Khánh đã thu mua 3-4 tấn mỗi ngày.
“Mỗi năm thu lợi từ nghề buôn chuột của vợ chồng tui cũng 40-50 triệu đồng. Nghề làm chuột kéo theo nhiều hộ dân tại làng Phù Dật khấm khá. Vào vụ, một bạn hàng mua trung bình 300 kg chuột với giá 22.000 đồng một kg. Khi làm ra thành chuột thịt (1 kg chuột hơi còn 700 g chuột thịt) thì bán lại được với giá 60.000 đồng mỗi kg. Đầu, da, đuôi chuột đều có thể bán cho các hộ nuôi cá (để cho cá ăn) với giá bình quân 3.000 đồng mỗi kg. Do vậy, hộ làm chuột thịt thu lời nhiều hơn dân bán chuột hơi”, anh Khánh bảo.
Đường vào làng chuột Phù Dật mới đây được trải nhựa, xe tải vào tận nơi chở chuột đi bán khắp xứ. Xóm làng thay đổi hẳn. Vào mùa thu hoạch lúa đông xuân hằng năm, làng chuột trở nên sôi động lạ thường. “Khắp các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau hay Bạc Liêu… đều có mặt thương lái của Phù Dật đi thu gom. Rồi cũng từ đây, chuột hơi, chuột thịt được bán lại đi tiêu thụ khắp nơi. Vì thế, dù chẳng được Nhà nước đầu tư xây dựng chợ nhưng gọi Phù Dật là chợ chuột lớn nhất miền Tây là không sai. Nó đã góp phần diệt chuột, bảo vệ mùa màng rất hiệu quả”, anh Khánh nói.
Ở làng Phù Dật còn có chuyện tình “con chuột” của “vua chuột”. “Ngày trước tui làm nghề lái xe tải, quê ở Bạc Liêu. Bà xã tui (tên Phạm Thị Thu Giang) vốn là người kinh doanh chuột ở Phù Dật. Công việc làm ăn tiến triển, bả mới mở các vựa thu mua tại nhiều tỉnh, trong đó có Bạc Liêu. Lúc đó thấy nghề này làm ăn được nên tui chuyển nghề, đứng ra làm vựa thu gom chuột cho bả. Mua bán với nhau rồi biết tính ý hợp nhau, sau mấy lần “nháy mắt” nhau thế là nảy sinh tình cảm rồi… cưới nhau. Người ta gọi đó là mối tình… con chuột”, anh Khánh cười.
Ông Hà Liêm (người dân xóm chuột, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long) kể: "Từ thuở xa xưa bà con làng Phù Dật đi đặt rập chuột về nhậu rồi mới diễn ra cảnh mua bán. Hiện nay chợ chuột được chia thành ba lĩnh vực chuyên biệt. Một là những người chuyên đi đặt bẫy chuột để bán (có 50-100 người, tùy mùa vụ chuột nhiều hay ít). Kế đến là bạn hàng thu mua chuột làm thịt bán, cũng vài chục hộ. Cuối cùng là các thương lái mua chuột tại chợ Phù Dật rồi vận chuyển đi bán khắp các tỉnh với khoảng 30 người".
Theo Pháp Luật TP HCM