Về lớp người Việt mới ở Đài Loan

Về lớp người Việt mới ở Đài Loan
Sau 10 năm, với xấp xỉ 100.000 cuộc hôn nhân Đài - Việt, đã có một thế hệ người Việt mới xuất hiện ở vùng lãnh thổ này với nhiều hy vọng...
Về lớp người Việt mới ở Đài Loan ảnh 1
Cô dâu Việt đưa con về thăm quê ngoại. Ảnh: Trang Hạ

Có thể tính nhẩm ra số trẻ em của xấp xỉ một trăm ngàn cuộc hôn nhân Đài - Việt mười năm qua đang sống ở Đài Loan, mở đầu một thế hệ người Việt mới ở vùng lãnh thổ này.

Sự giao thoa của hôn nhân và văn hóa đã tập hợp tại một giao điểm mới: Những trẻ em với nhiều tín hiệu lạc quan.

Về quê ngoại học nói tiếng Việt

Hai đứa con của chị Yến (một cô dâu Việt Nam sống ở khu Nam Tử thành phố Cao Hùng) rất thích về quê ngoại. Hầu như từ khi các con được một tuổi, hàng năm chị Yến đều cùng chàng rể Đài cho con về thăm ông bà ngoại tận Long An.

Đứa anh năm nay 6 tuổi, nói những câu giao tiếp thông thường tiếng Việt trôi chảy. Đứa em gái mới 4 tuổi song cũng thạo tiếng Việt gần bằng tiếng thổ ngữ Đài Loan. Hàng ngày đi lớp mẫu giáo, hai đứa con chị Yến vẫn dùng tiếng Hoa phổ thông để giao tiếp, song về nhà có thể sử dụng cả tiếng Việt lẫn tiếng Hoa để… cãi nhau.

Chị Yến tự hào kể, có năm chị bận chỗ làm việc thì ông chồng tự đưa hai con về Việt Nam thăm nhà vợ, rất lịch sự và thoải mái. Hai đứa con chị thích về quê ngoại học tiếng Việt, chơi với trẻ con hàng xóm. Và chúng nó luôn mồm hỏi mẹ: “Thế bao giờ thì chúng ta lại về quê mẹ?”.

Trẻ em Đài Loan về quê ngoại Việt Nam không chỉ để học tiếng. Nhiều cô dâu Việt đã chọn cách gửi con về quê ngoại nuôi dạy để tránh phải trả số chi phí cao ngất trời gần 10 triệu VNĐ/tháng cho một trẻ em học mẫu giáo ở Đài Loan.

Vì thế số trẻ em Đài Loan về Việt Nam ngày càng tăng, không chỉ dừng lại ở con số thống kê của Quỹ E-den, gần ba ngàn trẻ ở đồng bằng sông Cửu Long.

Theo những cuộc nghiên cứu toàn Đài Loan gần đây, số lượng các bà mẹ là cô dâu nước ngoài, chủ yếu là cô dâu Việt, đến trường tiểu học để học tiếng Hoa cùng… con tăng lên đáng kể, đẩy số tuổi bình quân của học viên các lớp học tiếng Hoa, chữ Hán miễn phí tại các trường tiểu học tăng, hiện tại tuổi trung bình là… 25 tuổi!

Mẹ đến trường học tiếng Hoa, con cái lại về quê mẹ học tiếng Việt. Chính phủ Đài Loan vừa công bố số tiền ngân sách để bổ trợ cho các lớp học dành cho cô dâu Việt sẽ lên đến ba tỷ Đài tệ trong vòng mười năm, tương đương với một nghìn năm trăm tỷ VNĐ!

Từ tháng 6/2005, tạp chí Tuần báo Thương nghiệp và Quỹ E-den đang tổ chức một đợt quyên góp tiền lớn tại Đài Loan để làm việc “lội ngược dòng” là… mở lớp dạy tiếng Trung cho trẻ em Đài Loan, con của các cuộc hôn nhân Đài-Việt.

Đó là các em bé đang học tiếng Việt tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quê hương của các em bé “những đứa con Đài Loan mới” này. Và thực tế đã chứng minh, các em bé con lai đã tìm được tiếng cười hạnh phúc và ngây thơ ở quê mẹ.

Hạnh phúc và tiếng cười trẻ thơ không vì cuộc sống thanh bần mà ít đi, cho dù có hay không những toan tính của người lớn.

Trẻ em con lai Việt - Đài: Gánh nặng, nỗi lo và niềm hy vọng

Về lớp người Việt mới ở Đài Loan ảnh 2
Những cô dâu trẻ người Việt và con cái ở Nam đầu (Đài Loan)

Những trẻ em lứa đầu tiên của các cuộc hôn nhân Đài - Việt giờ đang học bậc tiểu học năm thứ 3 - 4, lớp nhỏ hơn đang ngồi bi bô ở trường mẫu giáo.

Mặc cho các học giả, các nhà quản lý xã hội Đài Loan lo âu về một cuộc “xung đột văn hóa” sẽ có thể xảy ra khi lớp trẻ Đài Loan bản địa, đầu óc tràn ngập các tin tức, ấn tượng không hay ho về cô dâu Việt Nam, sẽ đụng độ với những con cái cô dâu Việt học cùng lớp, những trẻ em mang nửa dòng máu Việt vẫn hòa đồng với các bạn cùng lớp, và không hề gặp phải sự ghẻ lạnh hay kỳ thị nào từ phía bạn bè cùng giới.

Tất nhiên trong thực tế, có những gia đình cô dâu Việt Nam quá nghèo khổ, nhà không có toa-lét, ăn cơm tối phải mang ra ngồi dưới ánh đèn đường. Cũng có những gia đình xung đột gay gắt giữa mẹ chồng, nàng dâu, vợ chồng không tìm được tiếng nói chung, mẹ mang con đi đánh bạc thâu đêm, tạo nên hoàn cảnh sống không tốt cho trẻ em con lai.

Cũng có một tỉ lệ lớn trẻ em lai vì sinh sống trong các gia đình nghèo, bố mẹ ít học, người cha tàn tật hoặc quá cao tuổi dẫn tới hiện tượng chậm phát triển trí óc, hạn chế giao tiếp. Song phần lớn các trẻ em con lai đều được phát triển trong môi trường xã hội tốt và chăm sóc y tế, giáo dục chu đáo.

Thậm chí trong hội thảo về Hôn nhân ngoại tịch ngày 16/7/2005 tại Đài Bắc, các học giả đều thống nhất, con cái của các cô dâu Việt Nam chính là sức mạnh cạnh tranh của Đài Loan trong tương lai.

Bởi trẻ em có vốn ngôn ngữ phong phú, sống trong các gia đình đa văn hóa, mỗi cô dâu nước ngoài là một người thầy ngoại ngữ lưu loát và tình cảm nhất.

Trẻ con lai được sống trong môi trường phong phú, được chơi nhiều trò chơi mới mẻ do mẹ dạy hơn trẻ em bản địa Đài Loan, biết nhiều sự tích, phong tục văn hóa, dễ dàng thích nghi với đời sống nhiều biến động hơn.

MỚI - NÓNG
Việt Nam xuất khẩu gạo cho 3 tỷ người làm lương thực chính
Việt Nam xuất khẩu gạo cho 3 tỷ người làm lương thực chính
TPO - Gạo là lương thực chính của 3 tỷ người, toàn cầu có 117 nước và vùng lãnh thổ trồng lúa nhưng trên 90% gạo được sản xuất và tiêu thụ ở châu Á. Riêng Việt Nam, trong 35 năm qua đã xuất khẩu hơn 158 triệu tấn gạo đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 15% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.