Về làng xem kiệu quay

Kiệu quay khi rước về Đền Bà Chúa
Kiệu quay khi rước về Đền Bà Chúa
TP - Hội làng Thụy Hương (xã Thuỵ Hương, Chương Mỹ, Hà Nội), một trong những xã điểm xây dựng nông thôn mới thu hút hàng ngàn người dân và du khách bởi màn kiệu quay mê hoặc.
Kiệu quay khi rước về Đền Bà Chúa
Kiệu quay khi rước về Đền Bà Chúa.

Hai kiệu Bát Cống, hai kiệu Long Đình và hai Kiệu Hoa cùng đội múa rồng đi trước đã kéo cả cây số người rầm rập nối sau. Đoàn rước kiệu không đi một mạch đến đích mà có lúc chạy ngược trở lại hoặc quay tít ở những điểm bất định, nhưng thường quay kiệu ở những nơi mà người dân cho là linh thiêng như cửa đền, cửa chùa, cổng làng, cây cổ thụ…

Cả người khiêng kiệu cũng như người xem hội đều như có doping tinh thần, tạo nên sức mạnh và sự phấn chấn lạ thường. Có những thời điểm, ba bốn kiệu gặp nhau quay vòng vòng cả chục phút không dừng. Buổi sáng, đoàn rước kiệu từ đình Thụy Dương đến lăng Đức Thánh Cả thuộc khu Hoa Sơn. 1giờ chiều, kiệu được rước về Đền Bà chúa ở thôn Trung Tiến rồi về Đình Hương Lang sau đó trở lại Đình Thụy Dương.

Những người khiêng kiệu đã được làng chọn lựa kỹ lưỡng. Ngoài các yếu tố về sức khỏe, đều vai (chiều cao tương đương) thì ai cũng được quán triệt phải tuyệt đối kiêng khem chuyện vợ chồng. Ngày xưa các cụ còn bắt ra đình ngủ cả tháng trước hội, bây giờ cho ngủ nhà nhưng phải cam kết ngủ một mình. Các chàng trai, cô gái (chưa chồng, chưa vợ) khiêng kiệu hoa cũng phải chay tịnh tuyệt đối.

Anh Lê Đình Long, một trong những người khiêng kiệu Long Đình cho biết: Lộ trình của đoàn rước có tổng chiều dài hơn chục cây số nhưng thực tế những người khiêng kiệu phải đi hơn ba chục cây. Anh Long cho rằng: Kiêng khem tốt, các ngài đỡ cho sẽ không làm sao hết.

Hội làng quê tôi mở từ hôm 23, kết thúc ngày 25 tháng Giêng. Ngày hội làng, người già mời bạn già, người trẻ đón người trẻ, cũng có nhiều đám khao thọ chọn ngày hội làng để con cháu sum vầy chúc phúc, mừng thọ ông bà. Bếp nhà ai cũng thơm nức. Nhà nào cũng dâng lễ, dâng hương vào đình, lên chùa. Buổi tối, có đoàn quan họ về biểu diễn tại sân đình. Người già xốn xang, người trẻ háo hức.

Trước hội đã thấy trống ngực đánh thình thình. Đến khi trống hội thùng thùng mới hiểu câu "vui như hội", "náo nức như đi trẩy hội", "làng tôi mở hội" nội hàm là tiếng trống giục ở trong lòng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG