Về làng làm đồ chơi Trung thu 'xưa'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đã quen với những đồ chơi Trung thu nhập ngoại tràn ngập phố Hàng Mã nên tôi có chút ngạc nhiên khi một người bạn đề nghị đến làng Ông Hảo tìm mua đồ chơi truyền thống. Chỉ cách Hà Nội chưa đầy một giờ lái xe, bạn tôi bảo cảm giác như “xuyên không” về ba bốn chục năm trước khi gặp lại những món đồ chơi được làm hoàn toàn thủ công chứa đựng rất nhiều ấm áp xưa cũ.

60 năm làm đồ chơi Trung thu

Làng Ông Hảo (hay còn gọi là làng Hảo ở xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) khởi thủy làm đồ chơi Trung thu từ khoảng năm 1961. “Lúc ấy có Hợp tác xã (HTX) làm trống đồ chơi, sau HTX giải thể, những người vững nghề tự mở xưởng, đến nay còn khoảng mươi nhà theo nghề này. Nhà tôi chuyên làm mặt nạ giấy bồi, tính đến nay là ba đời. Những năm gần đây, chúng tôi còn làm cả mặt nạ sư tử, nói chung cũng vẫn có thị trường”. Ông Vũ Huy Đông, một nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi chia sẻ.

Cổng làng Ông Hảo xây theo kiểu cũ, chúng tôi phải gửi xe để đi bộ vào. Ngay từ đầu làng đã thấy biển quảng cáo của cơ sở sản xuất Đông Hạnh, trong đó nhấn mạnh đến ba mặt hàng chủ lực của làng: mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử và trống đồ chơi mà dân gian hay gọi là trống ếch. Dọc đường vào làng, bên cạnh những giá phơi mặt nạ đủ màu sắc là từng tốp nam thanh nữ tú đứng tạo dáng chụp ảnh. “Chúng em đi một tua Hưng Yên luôn, từ làng Bần qua đây, làng nào cũng đẹp, lên ảnh vừa độc vừa lạ”, một cô gái đứng chụp ảnh vui vẻ khoe.

Ông Đông kể, hai năm Covid sản lượng nhà ông giảm gần một nửa, năm nay thì đã hồi phục. “Chúng tôi làm tổng cộng hơn 10.000 mặt nạ, giá trung bình từ 15.000-35.000đ/cái, đều đã có đại lý đặt. Hàng xuất chủ yếu trong nước, những tỉnh đặt nhiều là Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Đà Nẵng...”.

Khác với những xưởng đồ chơi mà tôi từng chứng kiến, ông Đông làm mặt nạ giấy bồi theo cách thủ công 100%. Bắt đầu bằng cái khuôn mặt nạ do chính ông đổ bằng xi măng, kế đến phải bồi thôi (có nơi gọi là phôi) bằng giấy mộc, sau đó phơi khô, cắt viền và sơn màu. Khó nhất trong quy trình làm mặt nạ là vẽ tạo hình. Từ khóe mắt, nụ cười, cái vành khăn của Thị Nở... đều được chính tay ông Đông và vợ là bà Hạnh chăm chút.

“Vẽ mặt là khó nhất, tay nghề phải vững mới làm được. Cũng phải có khiếu thẩm mỹ nữa, không thì cái mặt nạ làm ra nó không có hồn, nhìn cứ trơ trơ. Vẽ lân thì khó hơn, vì nhiều chi tiết cầu kỳ, nhưng giá thành lại cao hơn. Như tôi một ngày gắng lắm cũng chỉ làm được đôi chục cái. Chúng tôi làm thong thả từ hai ba tháng trước. Vẽ xong, mặt nạ sẽ được sơn một lớp phủ bóng để giữ màu. Những năm trước chỉ có mặt nạ Tễu, ông Địa, thằng Bờm, về sau chúng tôi làm thêm mặt nạ Chí Phèo, Thị Nở, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới. Vài năm nay còn làm cả mặt nạ các con vật hoạt hình, trẻ con rất thích”, ông Đông vừa vẽ vừa kể.

Ở nhà ông Đông hôm ấy, chúng tôi còn gặp anh Vũ Huy Hòa (Hà Nội), một khách mua mặt nạ. Anh Hòa cho biết: “Nhiều năm nay vợ chồng tôi và một số bạn bè cứ đến Trung thu là tụ lại tổ chức cho các con vui chơi đúng theo kiểu ngày xưa. Trong đó mặt nạ giấy bồi và trống ếch là không thể thiếu. Mặt nạ của mình tuy không tinh xảo bằng mặt nạ nhập nhưng thắng ở sự mộc mạc, nét vẽ hồn nhiên, hóm hỉnh. Loại đồ chơi này khi còn bé năm nào mẹ tôi cũng mua cho mấy anh em. Giờ đến lượt các con tôi, ban đầu chúng nó cũng thờ ơ lắm, nhưng khi tôi cho con đến làng nghề, xem nghệ nhân làm mặt nạ, làm trống, lại tìm hiểu về tích chú Tễu, ông Địa thì chúng nó thích lắm. Giờ Trung thu nào tôi cũng phải xuống đây mua khoảng trăm cái, vừa cho con chơi, vừa tặng các cháu bệnh nhi. Năm rồi tôi còn mua mặt nạ trắng và màu, về cho các con tự vẽ, cũng rất thú vị”.

Trung thu phải có trống làng Hảo

Chính xác thì trống gỗ là mặt hàng nổi tiếng đầu tiên của làng Ông Hảo. Bà Vũ Thị Thoàn, người có thâm niên hơn 40 năm gắn bó với nghề kể: “Để làm nên một chiếc trống trung thu, chúng tôi phải chuẩn bị rất sớm. Đầu tiên là nhập da trâu bò từ các địa phương khác về, xẻ từng tảng làm 3 - 4 mảnh sao cho thật đều rồi ngâm trong nước vôi để tẩy màu. Ngâm khoảng 5 - 7 ngày thì vớt ra. Trong thời gian đó, cứ cách 1 - 2 ngày phải trở mặt da một lần để nước vôi ngấm đều, nếu không da sẽ bị loang ố, không đẹp. Thời gian ngâm da cũng phải căn chỉnh cẩn thận, nếu vớt sớm, da non quá màu sẽ không đều, ngược lại, ngâm da chín quá thì sẽ thối, hỏng. Tang trống được làm bằng gỗ mỡ chuyển từ rừng xuống, cũng có khi làm bằng gỗ bồ đề vì loại gỗ đó xốp, dễ đục đẽo tạo hình”.

Chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu rồi, đến đầu tháng 6 âm lịch, dân làm trống ở làng Hảo sẽ bắt đầu vào vụ. Trước kia, thân trống (hay còn gọi là tang trống) được làm bằng tay, do thợ đục đẽo mà thành. Ngày nay, có máy tiện, công đoạn này được rút ngắn lại. Người thợ chỉ còn phải tập trung xử lý da và bưng trống (là công đoạn giáp da vào tang trống).

Về làng làm đồ chơi Trung thu 'xưa' ảnh 1
Ông Vũ Huy Đông làm mặt nạ giấy bồi

Khi da đã đạt đủ độ, sẽ được vớt ra, phơi khô, sau đó cắt thành từng miếng tròn làm mặt trống rồi mang đi giáp với tang trống, công đoạn này gọi là bưng trống.

“Trước kia, làng Hảo bưng trống bằng đinh vầu, mỗi chiếc đinh đều được vót thủ công từ tre, nứa, kích cỡ chỉ nhỉnh hơn cái tăm. Để ghim đinh vầu cố định mặt da, thợ lại phải đục từng lỗ trên tang trống vì đinh vầu không xuyên qua được mặt da. Đinh thừa phải dùng kéo cắt rồi mài nhẵn để bề mặt trống không bị gồ ghề, trẻ con chơi không bị xước tay chân. Giờ phương tiện sẵn hơn, chúng tôi thay đinh vầu bằng súng bắn ghim. Với những chiếc ghim hình chữ U, chỉ cần căn trên bề mặt, rồi bóp cò là ghim đã định vị chặt trên bề mặt trống. Tuy nhiên, đối với loại trống dùng trong lễ hội, đình chùa hay trống trường, người làng Hảo vẫn ghim bằng cách tra đinh vầu.

Quy trình bưng trống là công đoạn cần sự khéo léo của những thợ lành nghề. Nếu bưng quá căng, trống sẽ không tròn tiếng, còn ngược lại nếu quá chùng thì tiếng sẽ non, sản phẩm nhanh hỏng. Thợ lành nghề cần khoảng 5-10 phút để bưng xong một cái trống cỡ nhỏ. Trống bưng xong, lần nữa lại được phơi khô một hai ngày nắng, rồi mới đến khâu quét sơn và vẽ hoa văn sao cho bắt mắt”, bà Thoàn chia sẻ bí quyết nghề nghiệp.

Về làng làm đồ chơi Trung thu 'xưa' ảnh 2
Một thợ nữ đang bưng trống

Hiện nay, trung bình mỗi năm làng Ông Hảo xuất xưởng hàng chục nghìn trống các loại đi khắp các tỉnh, thành. Bé nhất là loại có đường kính 10cm, to nhất khoảng 30cm. Giá tiền dao động từ 15.000-150.000đ/chiếc xuất xưởng.

Theo lời kể của bà Thoàn, nghề làm trống của gia đình bà là cha truyền con nối, nhiều phụ nữ cũng rành nghề không kém nam giới. Một số giai đoạn, đồ chơi truyền thống bị thị trường ngoại nhập lấn át, nhiều gia đình ở Ông Hảo đã bỏ nghề. Bà Thoàn bảo: “Tết Trung thu mà vắng đi tiếng trống của con trẻ hay thiếu đi chiếc đầu sư tử thì không còn là Trung thu nữa! Dù thế nào thì chúng tôi cũng sẽ gắn bó với nghề và coi đó như tài sản vô giá của cha ông để lại”.

Về làng làm đồ chơi Trung thu 'xưa' ảnh 3

Bà Vũ Thị Thoàn làm trống ếch

Vài năm trở lại đây, theo xu hướng phục cổ, đồ chơi truyền thống dần nhận được sự ủng hộ trở lại của khách hàng, cơ sở sản xuất của bà Thoàn cũng theo đà mở rộng. Chỉ trong mùa Trung thu năm nay, nhà bà đã bán ra được gần 60.000 chiếc mặt nạ và đầu sư tử. Hiện cơ sở sản xuất của bà Thoàn đã tạo được công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho hơn chục lao động trong làng.

Tua làm đồ chơi Trung thu truyền thống

Để quảng bá đồ chơi Trung thu truyền thống, ông Vũ Huy Đông đã nghĩ đến việc thiết kế một tua du lịch trải nghiệm làm đồ chơi đầu tiên tại làng Ông Hảo. Theo đó, ông kết nối với các tổ chức văn hoá, công ty lữ hành biến cơ sở sản xuất đồ chơi của mình trở thành địa điểm đón khách về tham quan, trải nghiệm. Ở đây, khách có thể tham gia việc xoa hồ bột sắn vào giấy rồi cho vào khuôn hoặc tự vẽ, sáng tạo mặt nạ hay gắn râu, trang trí cho đầu lân... Những người khéo tay hơn có thể học cách căng da trống, sơn màu cho tang trống. Ông Đông cho biết, dịch vụ này không chỉ thu hút trẻ em trong nước mà cả khách nước ngoài cũng đã lác đác tìm đến. Mặt nạ giấy bồi nhà ông cũng đã được giới thiệu ở một số trang web du lịch phổ biến của nước ngoài.

MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.