TPO - Ngay từ trước Tết ‘ông Công - ông Táo’, người xứ Huế đều tìm mua loại hoa này để về dùng cho việc tâm linh. Hoa chỉ được sản xuất chủ yếu phục vụ cho dịp Tết cổ truyền, từ một làng nghề duy nhất ở miền Trung đã trên dưới 300 năm tuổi có tên là Thanh Tiên, nằm ở cuối nguồn sông Hương sâu lắng, êm đềm.
Những nghệ nhân làng hoa giấy Thanh Tiên xứ Huế đang tất bật vào vụ sản xuất hoa Tết bằng phương pháp hoàn toàn thủ công truyền thống. Nghề làm hoa giấy này có lịch sử từ trên dưới 300 năm, hễ nhắc đến tên làng, người ta lại nhớ tới hoa.
Làng hoa giấy nổi tiếng này nằm ở vùng ven Huế, cuối dòng sông Hương thuộc xã Phú Mậu (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế). Hoa được dùng trong thờ cúng dân gian dịp Tết (cúng ông Táo, trang bà - thờ đấng hộ mệnh phụ nữ, ông Địa…).
Dù hoa giấy Thanh Tiên làm ra chủ yếu để phục vụ cho dịp Tết, nhưng các nghệ nhân phải chuẩn bị tỉ mẩn nhiều vật dụng, phơi tre, vót nan tre từ nửa năm trước. Việc chế tác ra một cụm hoa phải qua rất nhiều công đoạn.
Có một thời, làng hoa giấy Thanh Tiên 300 năm tuổi tưởng chừng bên bờ vực mai một, thất truyền; do bị thứ hoa kẽm kim loại cũng dùng thờ cúng nhập từ nơi khác về cạnh tranh. Nay nghề hoa giấy lại đầy sức sống, nhờ những cách điệu về mẫu mã, đa dạng màu sắc và yếu tố dễ phân hủy (làm bằng giấy, tre nứa) thân thiện với môi trường.
Theo các nghệ nhân dân gian làng Thanh Tiên, người làm hoa giấy nơi đây vì yêu nghề, muốn giữ nghề, chứ thu nhập từ thứ hoa truyền thống này không cao. Mỗi cặp hoa giấy bán ngay tại nơi sản xuất chỉ 2.000 đồng. Họ phải trồng thêm hoa tươi, làm thêm hoa sen giấy nghệ thuật để kiếm sống.
Đây là một “cây hoa giấy” hoàn chỉnh trước khi xuất bán lên phố và các huyện, thị tại Thừa Thiên Huế. Một “cây hoa giấy” này có tất cả 200 cặp hoa, tùy theo nhu cầu mua, người bán sẽ rút dần những cặp hoa dắt vào cây này để bán cho người dùng.
Du khách hào hứng chụp hình cùng một “cây hoa giấy” Thanh Tiên hoàn chỉnh, gồm 200 cặp hoa.
Hiện tại, ở làng Thanh Tiên vẫn còn gần 10 hộ gia đình chuyên nghề làm hoa giấy. Họ giữ lửa nghề do tổ tiên để lại, nhằm góp thêm cho Huế một sắc thái Tết rất riêng “chẳng nơi nào có được”.