10 năm một giấc mơ
“Tôi vẽ giấc mơ” là tên cuộc triển lãm sau 10 năm “thai nghén” của nữ hoạ sĩ tranh vải Nguyễn Thu Huyền. Triển lãm trưng bày 20 tác phẩm tâm huyết nhất của cô kể từ những ngày đầu bén duyên với vải cho đến nay. Đề tài phong cảnh, chân dung, tĩnh vật, sinh hoạt gia đình… những bức tranh vải của Huyền được tạo hình hài hòa, giàu nhịp điệu, nữ tính, đẹp mà lạ.
Cách đây 10 năm, Thu Huyền là gương mặt “nổi như cồn” trong cộng đồng sinh viên khởi nghiệp sáng tạo. Sau khi bảo vệ thành công đề tài khoa học “Những mảnh vụn không bị lãng quên”, nghiên cứu về tính ứng dụng của vải vụn trong cuộc sống và nghệ thuật, cô sinh viên năm thứ 3 khoa Thiết kế thời trang (Viện Đại học mở Hà Nội) đã biến nó thành ý tưởng kinh doanh độc đáo: làm tranh ghép vải.
Tranh ghép vải không xa lạ trên thế giới, đây còn là một môn nghệ thuật truyền thống của người dân Nga, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, với người Việt thì nó vẫn còn khá mới mẻ.
Chỉ với 300.000 đồng làm vốn đầu tư khởi điểm, Huyền mua khung, bìa, keo dán, còn nguyên liệu chính là vải thì cô… đi xin. Mỗi tuần, Huyền đến cửa hàng may quần áo, các xí nghiệp may để xin vải vụn. Thấy cô gái nhỏ khệ nệ ôm từng bao vải to, chất đầy lên xe chở về như dân buôn, ai cũng cười. Họ càng cười và bất ngờ hơn khi nghe Huyền bảo lấy vải vụn để làm tranh.
Vải vụn nhặt về, Huyền lựa từng mảnh, giặt sạch, ủi từng miếng cho phẳng. Kế đến, vải được tráng hoặc phết lớp keo sữa mỏng và hong gió cho thật khô. Cuối cùng là ghép từng chi tiết thành một bức tranh. Ban đầu chỉ là những tấm bưu thiếp nhỏ, rồi đến những bức tranh đơn giản, và to dần, cầu kỳ hơn… Từ những chủ đề đồng quê, phong cảnh, hay mô phỏng theo tranh Đông Hồ, Hàng Trống... cho đến làm tranh chân dung theo yêu cầu đặt hang. Tiền bán sản phẩm lại được tái đầu tư để mua vải. Đơn hàng trung bình 20 bức/tháng từ một phòng tranh trong TP HCM khiến Huyền xoay không xuể và phải thuê thêm người để có thể hoàn thành được hợp đồng. Để việc kinh doanh có hiệu quả, Huyền lập website giới thiệu các mẫu sản phẩm và nhận đơn đặt hàng qua mạng. Những đơn hàng từ Hải Phòng, TPHCM, Úc, Nga... khiến Huyền hầu như “đầu tắt mặt tối” với… vải. “Nhiều khách hàng không chỉ mua tranh mà còn giới thiệu người thân, bạn bè của họ đến ủng hộ. Mình bán sản phẩm tại nhà và bán online nên không tốn nhiều chi phí phát sinh. Giá bán mỗi bức tranh dao động từ 200.000 – 400.000 đồng. Những bức tranh có kích thước lớn, chi tiết tỉ mỉ thì có thể lên đến cả chục triệu đồng”, Huyền kể. Năm 2009, sau 6 tháng miệt mài làm việc, Thu Huyền đã hoàn thiện bức tranh “Vẻ đẹp Việt Nam” mô tả hình ảnh phụ nữ 54 dân tộc, khổ 2m60x1m50 để gửi tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, như một cách đánh dấu con đường mình theo đuổi.
Vượt qua chính mình
Trên con đường 10 năm ấy, có lúc bận rộn với thiên chức làm vợ, làm mẹ; Có lúc phải chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo… nhưng trong căn gác nhỏ, khi màn đêm xuống, nữ hoạ sĩ vẫn lặng lẽ, miệt mài với kim chỉ, vải vóc.
Huyền bảo, khó nhất là dùng vải để thể hiện khuôn mặt ở các trạng thái khác nhau và tỉ mỉ nhất là khi tước xơ vải để làm cánh đồng lúa, cỏ lau hay sóng biển hoặc phải cắt vụn vải ra li ti để chắp ghép thành những bông hoa rừng sống động. Phức tạp nhất là ở công đoạn cuối cùng, hoạ sĩ phải biết cách lựa chọn, phối hợp màu sắc thể hiện các chi tiết thành bức tranh sinh động, hoàn mỹ nhất.
Tranh của Huyền ngày nay không còn làm từ vải vụn nữa mà có khi phải mua cả tấm vải to chỉ để chắt lọc một họa tiết nhỏ. Nhiều loại vải được Huyền đặt mua từ nước ngoài. Nếu như nhiều hoạ sĩ làm tranh ghép vải lấy vải voan là chất liệu chủ yếu thì Huyền không ngại dùng các chất liệu khó như vải bò, kaki, nhung, len, dạ… và kết hợp nhiều chất liệu vải khác nhau trên mỗi tác phẩm. Điều này tạo nên sự khác biệt trong những bức tranh vải của Thu Huyền.
Qua 20 tác phẩm trong triển lãm “Tôi vẽ giấc mơ”, đã thấy một Thu Huyền chững chạc trong nghề. Bên cạnh những chân dung, phong cảnh là hình ảnh người phụ nữ dưới cái nhìn đa chiều, khi sâu lắng dịu dàng, khi mạnh mẽ khát khao. “Tôi vẽ như chưa bao giờ được vẽ, như thể ngày mai tôi sẽ không có cơ hội để làm những điều này”, nữ hoạ sĩ bộc bạch.
Hoạ sĩ Đỗ Hiệp thốt lên: “Tôi sợ nghị lực, tôi sợ sự tự tin của cô, tôi cũng sợ sự lầm lũi đầy bản năng của một người phụ nữ trót vướng nghiệp tranh, khi mang trong mình thêm trọng trách người con, người vợ và người mẹ. Huyền lầm lũi với vải nhiều năm trời, thật lạ! Cô không chọn lụa, không chọn dó, chọn nước cho nhẹ nhàng, cho thảnh thơi. Phải chăng vải có ma lực gì đó? Xem tranh vải của Huyền thấy nó sáng, nó trong, nó mướt mải réo rắt…”.
Giờ đây, Nguyễn Thu Huyền đã là Thạc sỹ Mỹ thuật ứng dụng và trở thành một giảng viên đại học. Bên cạnh đó, Huyền cũng mở lớp dạy mỹ thuật, ươm mầm sáng tạo cho các bé thiếu nhi yêu hội họa. n
Triển lãm “Tôi vẽ giấc mơ” kéo dài đến ngày 17/12, tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội).